+Aa-
    Zalo

    Lỗ hổng trong quản lý xe hoán cải: “Thả gà ra đuổi”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hiện nay vẫn còn hơn 60.000 xe hoán cải hoạt động khắp cả nước được người dân ví như là hung thần xa lộ...

    (ĐSPL) - Từ 1/4, rất nhiều địa phương trên cả nước đồng loạt triển khai công tác kiểm soát tải trọng xe tải. Hiện nay vẫn còn hơn 60.000 xe hoán cải hoạt động khắp cả nước được người dân ví như là hung thần xa lộ. Những lỗ hổng trong công tác quản lý xe hoán cải đã dẫn đến tình trạng thả gà ra đuổi như hiện nay.
    Những lỗ hổng
    Tháng 4 là thời điểm các phương tiện vận tải trên cả nước đồng loạt bị kiểm tra, kiểm soát tải trọng các phương tiện đường quốc lộ trọng yếu. Theo thông tin PV báo Đời sống và Pháp luật có được, tính đến nay đã có 35 trên tổng số 63 tỉnh, thành triển khai các bộ cân lưu động, trong đó phát hiện khoảng 20\% trong số các xe được kiểm tra vi phạm quá tải và quá khổ.
    Có thể nói còn quá sớm để đưa ra con số sát thực khi có quá nhiều xe quá tải, quá khổ án binh bất động khi lực lượng chức năng đồng loạt ra quân. Tình trạng xe quá khổ, quá tải xảy ra trên khắp các tuyến đường, từ quốc lộ tới tỉnh lộ. Khó có thể có được một con số thống kê chính xác số lượng xe quá khổ, quá tải đang lưu hành hiện nay. Theo số liệu từ cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay có khoảng 60.000 xe hoán cải để tăng tải trọng được phép hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, khi được phép hoán cải, tăng trọng, các chủ xe đều không tuân thủ mà thường tự ý tăng tải hơn nhiều lần theo quy định.
    Một chiếc xe tải được hoán cải thành một chiếc xe téc, sau khi thay hình đổi dạng, trọng tải được nâng từ 18 tấn lên tới 30 tấn, thậm chí có những xe lên hơn 50 tấn. Dư luận không khỏi băn khoăn trước sự hiện diện của xe hoán cải. Những loại xe thay đổi kết cấu được sử dụng chủ yếu để chở xi măng rời. So với loại xe được nhập khẩu, việc sử dụng xe hoán cải sẽ giúp chủ phương tiện “cõng” thêm gấp đôi trọng tải so với quy định hiện nay.
    Trong những ngày đầu tháng 4, PV đã có cuộc khảo sát trên một số tuyến quốc lộ như đoạn quốc lộ 1A đi qua địa phận Hà Nội  Hà Nam, quốc lộ 2 đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ. Kết quả cho thấy, lượng xe tải chở hàng ít hơn những ngày trước đó. Tuyến QL 38 tại đầu Hưng Yên, đã được sở Giao thông -Vận tải lập một trạm cân di động đón những xe vận tải cát chạy từ đây qua Hà Nam.
    Tại trạm cân di động trên ĐT494 nơi tập trung đông xe vận tải đá, xi măng khu vực huyện Thanh Liêm (Hà Nam), các xe vào chở đá khi đi qua trạm cân đều chở dưới thành xe. Còn trên tuyến QL 2, những ngày đầu ra quân, trạm cân lưu động được triển khai đồng loạt tại nhiều địa phương. ông Lê Quang Hạ - Phó Chánh Thanh tra sở Giao thông - Vận tải Phú Thọ cho biết, tất cả các xe được cân đều không quá tải. Bằng cảm quan thấy xe tải chở hàng, hoặc có dấu hiệu quá tải là chúng tôi yêu cầu vào cân xe. Tuy nhiên, tất cả các xe đều chở đúng tải.
    Lỗ hổng trong quản lý xe hoán cải: “Thả gà ra đuổi”

    Xe hoán cải vượt tải trọng hết cửa tung hoành?

    Đằng sau những gì chúng ta nhìn thấy bằng mắt là những lỗ hổng trong quản lý trong suốt thời gian dài. Vì sao những chiếc xe hoán cải này lưu hành một cách công khai, đi qua nhiều tỉnh thành, qua mặt được lực lượng công an giao thông, thanh tra giao thông mà không bị phát hiện? Phải chăng, là do cơ chế kiểm soát còn chưa chặt chẽ, hay sự thiếu công khai, minh bạch trong công tác quản lý đăng kiểm xe cơ giới.
    ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Việt Nam cho rằng, bất kể một lỗi nhỏ nhất của phương tiện đều không thể nào qua mặt được cơ quan chức năng, nghiệp vụ của các đồng chí ấy rất tinh thông. Thế nên, bất kể những xe có vấn đề về chất lượng hay khiếm khuyết thì không khó để người kiểm tra phát hiện ra điều đó. Với những xe hoán cải, độn nhíp, lồng tẹc… chỉ cần thoáng qua người dân đã biết chứ không nói là cơ quan chức năng với đầy đủ trình độ, phương tiện, thiết bị kiểm tra trong tay. Thực tế cho thấy, trước đây, nếu lái xe nào biết “cư xử” thì vẫn có thể lưu hành, qua mặt được lực lượng chức năng.
    Với những chi tiết được thay đổi, thậm chí những bộ phận được hàn gắn cố định, dư luận đặt ra câu hỏi, không hiểu những chiếc xe hoán cải này đã vượt qua các kỳ kiểm định chất lượng như thế nào?
    Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện nay chúng ta đang quy định xe sau khi đăng kiểm thì hai năm sau mới quay lại kiểm định lần tiếp theo. Mặc dù, khi đi đăng kiểm, những xe này sẽ bị lực lượng đăng kiểm viên chụp ảnh, lưu tại đơn vị để so sánh với lần sau. Tuy nhiên, để “né” lực lượng chức năng, lần đi đăng kiểm tiếp theo chủ phương tiện sẽ thuê những thùng có trọng tải như cũ để không bị phát hiện. Mặc dù, có thể trong quá trình hai năm lưu thông đó, chủ phương tiện sẽ cõng trên xe mình những chiếc thùng quá tải, quá khổ.

    Dù cho vị Cục Phó lý giải như vậy nhưng khó có thể tin được rằng, những chiếc xe hoán cải với trọng tải lên gấp ba lần cho phép lại có thể vượt qua cơ quan kiểm định cũng như qua mặt lực lượng tuần tra kiểm soát một cách dễ dàng như vậy.

    Lỗ hổng trong quản lý xe hoán cải: “Thả gà ra đuổi”
     TS. Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng vụ Vận tải: Sẽ siết chặt xe hoán cải trong thời gian tới.

    Theo TS. Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng vụ Vận tải (bộ Giao thông-Vận tải), có thể nói quản lý hoạt động kinh doanh vận tải nói chung và quản lý, kiểm soát phương tiện hoán cải nói riêng là một việc hết sức phức tạp. Đây là một trong những lý do rất quan trọng để xe hoán cải tung hoành khắp nơi. Có thể khẳng định, trong thời gian đầu, công tác kiểm định, giám sát những người thực thi công vụ trong việc quản lý xe hoán cải, quản lý tải trọng phương tiện vẫn còn nhiều bất cập. Chính vì thế, đến thời điểm này bộ Giao thông - Vận tải đã đưa ra các giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Cụ thể, trong tháng 4/2014, bộ Giao thông-Vận tải sẽ ban hành Thông tư, trong đó quy định giảm thời hạn đăng kiểm, tức là chu kỳ đăng kiểm sẽ ngắn lại, không phải là 2 năm nữa mà có thể xuống một năm, thậm chí đối với một số phương tiện xuống còn 6 tháng. Mặt khác, trong giấy chứng nhận an toàn phương tiện, trước đây không có ảnh của phương tiện, còn bây giờ thì sẽ có ảnh gốc phương tiện. Theo ông Hùng, điều này nhằm khẳng định rằng xe vào đăng kiểm và xe ra hoạt động trên đường là một, giúp cơ quan chức năng dễ kiểm soát hơn. Đây là giải pháp về mặt kỹ thuật, ngắn hạn mà bộ Giao thông-Vận tải đưa ra. Về lâu dài, Bộ trưởng yêu cầu cục Đăng kiểm nâng cao công tác đăng kiểm, chống tiêu cực trong lĩnh vực này. Hạn chế tối đa tình trạng có sự thông đồng, móc ngoặc giữa chủ phương tiện hoán cải và cán bộ đăng kiểm như trong thời gian vừa qua.  

    Chủ phương tiện phải cam kết không chở quá tải

    ông Hùng cho biết thêm, với 60.000 xe hoán cải đã lỡ được cục Đăng kiểm Việt Nam cho lưu thông cũng sẽ bị siết chặt trong thời gian tới. Ngày 28/2, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có văn bản gửi tất cả các địa phương và bộ Công an đề nghị giúp đỡ bằng cách, chỉ đạo sở Giao thông-Vận tải yêu cầu các chủ phương tiện hoán cải phải có văn bản cam kết không chở quá tải. Nếu vi phạm mà vẫn tái diễn thì sau hai lần bị xử lý sẽ bị bắt buộc tái hoán, nếu không sẽ ngừng cấp giấy đăng kiểm cho phương tiện đó.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lo-hong-trong-quan-ly-xe-hoan-cai-tha-ga-ra-duoi-a28430.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.