Trường hợp chỉ có một lọ hoa
Theo quan niệm xưa, nếu chỉ có một lọ hoa thì nên tuân theo nguyên tắc "Đông bình, Tây quả", có nghĩa là bình hoa đặt ở phía Đông, còn trái cây sẽ đặt phía Tây. Đây là nguyên tắc bài trí bàn thờ đã được áp dụng từ thời xa xưa.
Cách sắp đặt lọ hoa và trái cây nói trên bắt nguồn từ nguyên tắc tự nhiên, rằng mặt trời mọc ở phía Đông và lặn ở phía Tây, cây cối phải đơm hoa rồi mới kết trái. Do đó, trong thờ cúng, lọ hoa sẽ đặt ở phía Đông, còn mâm ngũ quả đặt ở phía Tây.
Cách xác định hướng trên bàn thờ cụ thể như sau: Hướng từ trong bàn thờ nhìn ra, tức là bên trái của ông bà (bên tả) được coi là phía Đông, còn bên đối xứng (bên hữu) sẽ là phía Tây.
Bàn thờ gia tiên thường được đặt ở giữa căn nhà theo hướng Nam. Bình hoa đặt ở bên trái bàn thờ (tức phía Đông), đến khi có gió Đông, Đông Nam thổi vào, hương thơm dịu nhẹ của hoa sẽ lan tỏa khắp không gian thờ cúng. Trong khi đó, đĩa trái cây đặt ở bên phải (tức phía Tây) sẽ tiện hơn cho việc bày biện.
Ngoài ra, hướng Đông đặt bình hoa còn tượng trưng cho mùa xuân đơm hoa kết trái, còn hướng Tây tượng trưng cho mùa Thu - Thu liễm (trong câu nói của người xưa: "Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng") được hiểu là nơi kết trái.
Sắp xếp lọ hoa và trái cây như cách trên mang ý nghĩa cầu cho gia đình thêm tài lộc, con cháu thành đạt và gia đạo thịnh vượng.
Trường hợp có hai lọ hoa
Nếu bàn thờ gia tiên rộng rãi thì chủ nhà có thể cân nhắc đặt hai lọ hoa đối xứng ở hai bên. Khi này, mâm ngũ quả sẽ được đặt ở giữa bàn thờ, phía trước bát hương. Cách bài trí như vậy sẽ tạo nên sự cân đối và sang trọng cho bàn thờ.
Tùy theo diện tích cũng như không gian của bàn thờ, các gia đình lựa chọn lọ hoa to hay nhỏ, cắm hoa ít hay nhiều.
* Thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm