Giọt nước “tràn ly” là hình ảnh đám đông livestream trong đám tang của nghệ sĩ Anh Vũ vừa diễn ra mấy ngày nay. Sau rất nhiều hình ảnh phản cảm trên mạng, tại đám tang của một nghệ sĩ vừa nằm xuống mà người hâm mộ kéo đến để chụp ảnh selfie và livestream khiến tất cả mọi người đều cảm thấy bức xúc và phẫn nộ
Văn hóa người Việt, với những người vừa nằm xuống là thấy “đám tang đi qua… ngả mũ cúi chào”, nên việc đám đông, trong đó phần lớn là các bạn trẻ, hò reo, cười nói, chụp ảnh, quay phim... tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ là một sự xót xa với người vừa nằm xuống. Nó là xu thế chung của không ít bạn trẻ luôn muốn có những thứ “độc, lạ” để “câu like”.
Đám đông tranh giành vị trí để livestream tại đám tang Anh Vũ.
Một hình ảnh đối lập hoàn toàn nhìn thấy ngay, một bên là người thân của nghệ sĩ Anh Vũ, các đồng nghiệp đều đau xót và nước mắt tuôn rơi. Và một bên là đám đông cười nói, chụp ảnh rất phản cảm. Bất giác lại nhớ đến hình ảnh trong truyện ngắn “Một cái chết” của Vũ Trọng Phụng.
Hình ảnh đầy chua chát và đau xót ấy trong đám tang nghệ sĩ Anh Vũ không phải lần đầu tiên, cũng chưa phải cuối cùng, mà chỉ nối dài loạt hình ảnh phản cảm của một bộ phận giới trẻ trên mạng xã hội giờ đã không còn lạ lẫm. Lúc là hình ảnh của một chàng trai ngồi trên mộ tổ chụp ảnh, cô gái đeo khăn tang cười tươi selfie bên ông ngoại vừa mất, khi là học sinh trèo lên đầu rùa trong Quốc Tử Giám hay mặc sức thể hiện tình cảm yêu đương tại nơi công cộng. Thậm chí, cả những việc “không tưởng” nhiều bạn trẻ cũng sẵn sàng làm, như đốt trường, đốt xe, nhảy cầu tự tử… cốt là có được thật nhiều like và chia sẻ.
Sống ảo và sự cám dỗ của những nút like, những lượt follow trên Facebook, YouTube khiến họ không thể kìm hãm bản thân để kiếm like bất cứ nơi đâu, bất kỳ lúc nào. Thậm chí có những YouTuber đông người theo dõi còn được trả tiền nên họ bất chấp tất cả.
Đội quân livestream chen lấn, leo rào, trèo cây để quay, chụp khoảnh khắc an táng nghệ sĩ Anh Vũ sáng 12.4.
Trên trang cá nhân, diễn viên Ngọc Lan thể hiện sự phẫn nộ của mình khi chứng kiến các bạn trẻ gây phản cảm tại đám tang nghệ sĩ Anh Vũ: "Khi thời đại 4.0 lên ngôi, khi mà người ta chẳng cần quan tâm đến nội dung, chỉ cần lượt view cao là họ có thể chễm trệ mỗi tháng nhận 400-500 triệu thì đây hệ quả của việc này là đây. Khi mà trước đây các bạn lên án các phóng viên đi tác nghiệp đám tang thì giờ đây các bạn nhìn xem, trong những tấm hình này có ai là phóng viên? Hay chỉ toàn những "con kền kền hôi thối" đang chực chờ để kiếm tiền. Có tàn nhẫn quá không các bạn? Đồng tiền rót về tài khoản của các bạn mỗi tháng vì những chiêu trò như thế này các bạn ăn có ngon miệng không?".
MC, diễn viên Đại Nghĩa cũng phải viết lên những lời đầy xót xa: “Lần nào cũng như thế, đám tang một nghệ sĩ nào đó là dịp để thiên hạ kéo đến xem mặt người nổi tiếng với thái độ hiếu kì và phấn khích. Nhớ hồi đám tang anh Minh Thuận, tôi bước vào mà cứ tưởng mình đang đi... thảm đỏ của một sự kiện hoành tráng nào đó. Mọi người chực chờ xung quanh đông nghẹt, tôi bước đi giữa tiếng hò reo vang dội, tiếng gọi tên mình xôn xao, ánh đèn flash của điện thoại chớp lóa lập loè... Đi giữa khung cảnh đó thấy... buồn và tủi vô cùng. Nghệ sĩ cả đời cống hiến cho mọi người, và ngay cả giây phút đã nằm xuống vẫn còn phải tiếp tục cống hiến. Cống hiến cho sự tò mò hiếu kì đến tàn nhẫn, cống hiến cho cái vô tâm đến bạc bẽo, cống hiến cho sự thỏa mãn trong phút chốc mình cũng được kề cận cái nổi tiếng của người khác. Thật tàn nhẫn!”.
Nhiều người thoải mái cười đùa, chụp ảnh tại chùa Ấn Quang - nơi tổ chức lễ viếng nghệ sĩ Anh Vũ.
Dám chắc, trong đám đông cười nói hỉ hả, selfie, livestream tại đám tang kia chẳng có mấy người kiếm được tiền khủng 400-500 triệu mỗi tháng như diễn viên Ngọc Lan nói. Chỉ chắc chắn, sẽ có không ít người trong đám đông ấy chả kiếm nổi một xu từ mạng ảo, nhưng vẫn đua chen livestream, selfie với người nổi tiếng, chỉ để phục vụ cho thú vui đếm like, câu view - một thú vui ban đầu là vô bổ, giờ đã trở nên vô cảm, bất nhẫn.
Sự vô cảm của một bộ phận giới trẻ ấy là một tất yếu của quy luật phát triển. Du nhập văn hóa luôn mang lại những thái cực khác nhau. Chúng ta hội nhập thế giới, bước vào thời đại 4.0 thì sẽ không tránh khỏi được những “phát sinh văn hóa” như thế. Giới trẻ tiếp nhận văn hóa sẽ có những cái tích cực nhưng cũng có những điều phản cảm, bước qua văn hóa truyền thống.
Giáo dục ở nhà trường và gia đình sẽ lại phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm định hướng giới trẻ trong việc này, nhưng sẽ khó hơn trước, và cần thời gian dài, rất dài. Bởi đó không chỉ còn là nhu cầu của cảm xúc, mà đã gắn trực tiếp với tiền bạc, khi sống ảo nhiều lúc lấn át cả những giá trị của cuộc đời thật.
Chỉ mong sao, với mỗi người vừa nằm xuống, các bạn trẻ nếu không thể “cúi đầu” tiếc thương giống như “một nén hương trầm” tiễn họ nốt chặng cuối cuộc đời, thì cũng xin đừng vui cười trên nỗi đau của người thân họ.
Theo Dân Việt