+Aa-
    Zalo

    Livestream: Công cụ "vạch áo cho người xem lưng" của giới nghệ sĩ?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ dùng trang cá nhân để chia sẻ tâm trạng, trong đó nhiều người sử dụng tính năng livestream để giải tỏa những bức xúc của bản thân.

    Thời gian gần đây, nhiều nghệ sĩ dùng trang cá nhân để chia sẻ tâm trạng, trong đó nhiều người sử dụng tính năng livestream (phát video trực tiếp - PV) để giải tỏa những bức xúc của bản thân. Vậy, việc này có nên không?

    “Cực chẳng đã” mới phải livestream?

    Nhiều năm trở lại đây, mạng xã hội được sử dụng như một kênh thông tin khiến cho người dùng thích thú. Theo đó, nhiều nghệ sĩ đã dùng Facebook để đến gần với khán giả hơn, trong đó livestream là tính năng được sử dụng thường xuyên. Các nghệ sĩ livestream thường nhận được sự quan tâm của nhiều người. Trong một số trường hợp, hiệu ứng của những clip livestream rất lớn, khiến dư luận xôn xao, truyền thông vào cuộc và nhiều người liên quan buộc phải lên tiếng.

    Mới đây, giảng viên Nguyễn Hồng Nhung - vợ nghệ sĩ Xuân Bắc khiến dư luận dậy sóng khi livestream để nói về những bức xúc khi bị dồn ép tại nơi làm việc. Trong khoảng 36 phút chia sẻ, Hồng Nhung liên tục khóc, nghẹn ngào. Theo lời nghệ sĩ Hồng Nhung, chị không được ngồi trong ban chấm thi tốt nghiệp năm 2016 và 2017 do bị một NSND, làm cùng cơ quan với chồng chị can thiệp. Sau đó, chị nêu hẳn tên người này là NSND Anh Tú. Chia sẻ của chị đã gây ra những ý kiến trái chiều trên mạng xã hội.

    Chị Hồng Nhung - vợ NSƯT Xuân Bắc.

    Trước đó, vào tháng 7/2017, diễn viên Chu Hùng – người vào vai Thế chột trong phim Người phán xử cũng livestream trên mạng xã hội kể chuyện gia đình ông đã phải sống trong cảnh "không có điện, nước" suốt 3 năm tại địa chỉ số 3B phố Phùng Khắc Khoan, phường Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

    Ông cho biết gia đình đã gửi đơn kiện đi nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết. Vì vậy mà ông đã dùng mạng xã hội để kể lại sự việc. Livestream của nghệ sĩ Chu Hùng nhận được hàng chục nghìn lượt bình luận và chia sẻ, sự việc đã khiến dư luận dậy sóng. NSND Hoàng Dũng cũng đăng lại clip trên trang cá nhân. Trước sự quan tâm đặc biệt của dư luận, giới truyền thông đã vào cuộc. Nhiều PV đến tận nhà nghệ sĩ Chu Hùng trò chuyện với ông và liên lạc với các bên liên quan để tìm hiểu sự việc.

    Tháng 12/2016, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng phát một video trực tuyến chia sẻ chuyện riêng tư của gia đình mình. Anh lên tiếng tố cáo mẹ ruột thường xuyên dùng danh nghĩa của mình để mượn tiền bạn bè, người hâm mộ khiến nam ca sĩ rơi vào tình trạng nợ nần. Đàm Vĩnh Hưng cho biết, anh đã phải trả nợ thay mẹ hơn 20 tỷ đồng trong suốt 10 năm qua. Nam ca sĩ chấp nhận bị chỉ trích là "vạch áo cho người xem lưng" để chấm dứt tình trạng “kéo cày trả nợ cho mẹ”. Tại thời điểm đó, câu chuyện của Đàm Vĩnh Hưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

    Bình luận về “xu hướng” này, nhà văn Thu Trang cho biết: “Livestream bây giờ là trào lưu, bởi ai cũng có thể dùng tính năng này để chia sẻ tâm trạng với bạn bè. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là việc quay video trực tuyến để chia sẻ chuyện cá nhân và tố cáo, bóc mẽ một ai đó.

    Nhiều người nói với tôi rằng: “cực chẳng đã” họ mới phải livestream, bởi “xấu chàng, hổ ai”. Họ không còn dựa vào đâu được nên đành nhờ dư luận lên tiếng. Nhưng, tôi cho rằng, mạng xã hội là nơi mình nên tiết chế cảm xúc. Bởi, những ý kiến trái chiều có thể sẽ tác động tiêu cực đến sự việc, thông tin sẽ bị đẩy đi xa hơn theo cách không ai mong muốn”.

    Livestream nảy sinh nhiều mâu thuẫn

    Là một người từng sử dụng công cụ chia sẻ video trực tuyến, ca sĩ Đông Hùng cho PV báo ĐS&PL biết: “Bản thân Đông Hùng cũng từng lên Facebook để chia sẻ chuyện cá nhân. Tuy nhiên, tôi lên mạng xã hội chỉ là để giải tỏa cảm xúc của mình, vì buồn quá nên không biết chia sẻ cùng ai. Lúc đó, tôi không nói được mẹ nên lên tiếng để mọi người nói thêm vào cho mẹ hiểu thôi. Tôi có lòng tự trọng của mình. Vì thế, sau khi chia sẻ việc mẹ nợ nần, tôi không nhận tiền từ ai. Mặc dù, có những người muốn giúp đỡ tôi thật lòng”.

    Sau khi tôi chia sẻ câu chuyện của mình, nhiều người quan tâm đến Đông Hùng hơn. Có người hỏi rằng, luôn thấy Đông Hùng trên sân khấu cười đùa, vui vẻ, sao đùng một cái mọi chuyện lại như thế? Tôi cho rằng, mình là đàn ông thì nên cứng rắn, không phải chuyện gì cũng khóc than, ủ rũ. Ở ngoài cũng thế, gặp khó khăn gì, tôi cũng cười trước rồi mới bắt tay vào giải quyết sự việc. Sau sự việc vừa qua, điều mà tôi nhận lại được là sự chia sẻ của nhiều người, khiến tôi cảm thấy không đơn độc" – Đông Hùng chia sẻ.

    Chia sẻ về việc mình livestream, diễn viên Chu Hùng chia sẻ: “Tôi là một nghệ sĩ, hoạt động nghệ thuật, nên đã cân nhắc rất kỹ khi livestream để nói về sự việc của gia đình. Sau nhiều năm đề nghị cấp điện, nước không được, tôi mới quyết định chia sẻ sự việc lên mạng xã hội. Tôi cho rằng, việc quay video trực tiếp có hai mặt.

    Nghệ sĩ Chu Hùng.

    Nhiều người nghĩ, đây là việc “vạch áo cho người xem lưng”, nhưng tôi cho rằng nếu cần sự giúp đỡ thì nên lên tiếng. Bởi, mạng xã hội là một thế giới mở. Đó sẽ là “quan tòa” đánh giá đúng – sai. Sự việc nhà tôi, nếu không chia sẻ như thế, chắc chưa thể xong được. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, không phải chuyện gì cũng có thể livestream”.

    Nghệ sĩ Tiến Quang thì thẳng thắn: “Livestream nói lên những bức xúc của mình về một người, một sự việc nào đó nếu chia sẻ không khéo rất dễ bị hiểu nhầm là tố cáo mà không có căn cứ. Bản thân tôi vẫn giữ quan điểm, không phải cái gì cũng lên mạng xã hội để “tung xòe” cho thiên hạ biết. Dù sai hay đúng, tôi vẫn chọn cách đối mặt trực tiếp hơn là lên mạng xã hội chia sẻ. Nhiều người quan niệm Facebook là trang cá nhân, nên muốn nói gì cũng được. Đây là quan niệm sai lầm. Nhiều cuộc tranh cãi, mâu thuẫn đã xảy ra từ những chia sẻ, livestream phiến diện trên Facebook. Mạng xã hội nhưng đó là những câu chuyện thật, liên quan đến những người cụ thể thì nên thận trọng trong những phát ngôn của mình”.

    Trước câu hỏi, nhiều nghệ sĩ livestream trên mạng xã hội như một kênh thông tin riêng, liệu có phù hợp không? Ca sĩ Hồ Quang 8 cho biết: “Tôi cho rằng, tính năng hiện đại của các ứng dụng ở mạng xã hội không có lỗi, lỗi là ở người dùng như thế nào thôi. Có một thực tế là, nhiều nghệ sĩ sau khi chia sẻ các video trực tiếp thì nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Nhiều sự việc được các cơ quan chức năng vào cuộc như việc của vợ NSƯT Xuân Bắc hay của diễn viên Chu Hùng.

    Tuy nhiên, chúng ta cần phải cân nhắc kỹ trước khi chuyển những thông tin đến công chúng qua Facebook, bởi đó là mạng xã hội có kết nối rộng rãi và luôn xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều. Không phải câu chuyện nào chia sẻ trên mạng xã hội cũng nhận được cái kết “có hậu”, vì thế, trước khi livestream, phải học cách đương đầu với sóng gió dư luận”.

    Lạc Thành

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 122

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/livestream-cong-cu-vach-ao-cho-nguoi-xem-lung-cua-gioi-nghe-si-a205584.html
    Sự kiện: Sao Việt
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan