Những cơ sở sản xuất thiết bị quân sự của Bình Nhưỡng được cho là dùng các công ty đăng ký trên giấy tờ tại Hong Kong để mua thiết bị và các linh kiện tên lửa từ các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trung tâm nghiên cứu phòng vệ cấp cao Mỹ và Viện nghiên cứu Sejong đã xem xét hoạt động trao đổi ngoại hối của Triều Tiên và cho rằng, những cơ sở sản xuất thiết bị quân sự của Bình Nhưỡng đã sử dụng các công ty đăng ký trên giấy tờ ở Hong Kong để mua thiết bị định vị toàn cầu GPS, ăng ten và các linh kiện tên lửa khác của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Vì những thiết bị GPS được đưa vào nhóm sản phẩm “hai chức năng”, có khả năng chuyển từ mục đích dân sự sang quân sự, nên Bình Nhưỡng bị cấm giao dịch các sản phẩm này với nước ngoài.
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. - Ảnh: CNN. |
Theo báo cáo được công bố hồi tháng 6, trung tâm nghiên cứu của Mỹ tiết lộ, công ty Trung Quốc có tên gọi Dandong Dongyuan từng xuất khẩu các hệ thống radar và súng phóng lựu RPG-7 cho Triều Tiên.
Hồi tháng 11, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa tên công ty Dandong Dongyuan vào danh sách trừng phạt vì bán các thiết bị điện tử, hệ thống dẫn đường tự động, nhôm, thép, ống dẫn và các linh kiện phản ứng hạt nhân cho Triều Tiên trong nhiều năm qua. Giá trị của các thương vụ này lên tới hơn 28 triệu USD.
Hồi tháng 8, Mỹ tố Chi Yupeng, chủ sở hữu của công ty Trung Quốc Dandong Zhicheng Metallic Materials, nhập khẩu thép và than từ Triều Tiên. Đổi lại, công ty này sẽ cung cấp cho Triều Tiên những linh kiện tên lửa và vũ khí hạt nhân và họ sẽ không cần trả tiền mặt.
Báo cáo của Mỹ cho hay, những công ty do Chi Yupeng làm chủ, bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp, đã giao dịch các sản phẩm trị giá ít nhất 60 triệu USD với Triều Tiên mỗi năm. Bên cạnh đó, các khoản giao dịch trị giá 25 triệu USD khác cũng được hai bên tiến hành thông qua các tài khoản ngân hàng ở Mỹ.
Chosun Ilbo dẫn báo cáo của Viện Phân tích phòng vệ Hàn Quốc tiết lộ, những máy bơm nhiệt do Trung Quốc xuất khẩu sang Triều Tiên được sử dụng trong quá trình tạo nhiên liệu lỏng, trong khi sợi carbon được dùng để chế tạo khung cho tên lửa Triều Tiên.
Ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động mua bán dầu trái phép của tàu Trung Quốc và Triều Tiên trên biển - Ảnh: Chosun. |
Bộ Tài chính Mỹ hôm 26/11 cũng liệt 6 công ty vận tải và thương mại Triều Tiên cùng 20 tàu của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt.
Hồi năm 2012, đài truyền hình NHK đưa tin, quân đội Hàn Quốc đã thu thập được một số mảnh vỡ từ tên lửa Unha-3 để đưa vệ tinh lên quỹ đạo rơi xuống biển và tiến hành phân tích cùng chuyên gia các nước khác. Một số nguồn tin ngoại giao tiết lộ với NHK rằng, các bộ phận thu thập được có chửa cả linh kiện từ Trung Quốc.
GIA BẢO(T/h)