Trước khi bị bắt vì hành vi chống người thi hành công vụ, Nguyễn Văn Quýnh đã từng bị công an địa phương xử phạt vì gây rối, đánh nhau. Ngoài ra đối tượng còn có tiền sự về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Ngang nhiên thách thức, xúc phạm lực lượng thi hành công vụ
TAND huyện Yên Phong (Bắc Ninh) vừa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Văn Quýnh (SN 1986) về tội Chống người thi hành công vụ.
Bị cáo Nguyễn Văn Quýnh tại tòa. Ảnh: PLO |
Theo cáo trạng, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTG ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 09/CV- BCĐ ngày 6/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch covid-19 tỉnh và chỉ đạo của UBND huyện Yên Phong về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch covid 19, ngày 6/4/2020, UBND xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong thành lập 3 tổ công tác kiểm soát người và phương tiện ra vào xã tại 3 địa điểm với nhiệm vụ đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, lịch sử đi lại và kiểm tra, giải thích việc thực hiện quy định đeo khẩu trang nơi công cộng của người dân.
Vào 13h ngày 7/4, Quýnh đi xe máy từ thôn Thiểm Xuyên qua chốt kiểm soát phòng, chống dịch covid-19 được lập tại khu vực sân bóng thôn (chốt số 2) để sang thôn Ấp Đồn, xã Yên Trung chơi với bạn.
Lúc này Quýnh không đeo khẩu trang nên bị lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt nhắc nhở về việc phải đeo khẩu trang theo quy định và cho Quýnh qua chốt.
Sau đó, bị cáo đến phòng trọ của anh Nguyễn Văn Phú (SN 1992) ở cùng thôn chơi và ăn uống. Ăn uống xong, Phú điều khiển xe chở Quýnh về thôn Thiểm Xuyên qua đường khác.
Đến khoảng 15h50 cùng ngày, Quýnh lại đi xe máy chở anh Phú đi qua chốt kiểm soát số 2 về nhà trọ ở thôn Ấp Đồn. Do Quýnh và anh Phú đều không đeo khẩu trang nên tổ công tác yêu cầu đeo khẩu trang thì mới cho qua chốt. Bị nhắc nhở, bị cáo không chấp hành và văng tục rồi vòng xe quay lại và đi theo đường khác sang thôn Ấp Đồn.
Khoảng 16h45 cùng ngày, Quýnh điều khiển xe một mình từ thôn Ấp Đồn đi qua chốt kiểm soát số 2 để về thôn Thiểm Xuyên. Khi đi qua chốt, do Quýnh không đeo khẩu trang theo quy định nên lực lượng làm nhiệm vụ đã nhắc nhở và yêu cầu đeo khẩu trang. Quýnh tiếp tục không chấp hành và nói lý do có khẩu trang nhưng bị rách.
Lúc này, bà Nguyễn Thị Thư (cán bộ y tế thôn, thành viên tổ kiểm soát) đưa cho Quýnh 1 chiếc khẩu trang y tế và nhắc Quýnh đeo vào rồi đi về nhưng bị cáo không cầm và tiếp tục văng tục.
Khi một số thành viên khác của tổ kiểm soát số 2 giải thích quy định thì bị Quýnh chửi bậy, xúc phạm. Phó trưởng Công an xã Thụy Hòa Nguyễn Văn Đức (Tổ phó tổ kiểm soát, làm nhiệm vụ tại chốt) sử dụng điện thoại của mình để quay lại hành vi chống đối của Quýnh. Bị cáo chửi anh Đức và giật chiếc điện thoại ném xuống đất làm vỡ màn hình, không thể khắc phục được.
Mức án thích đáng
Tại bản kết luận định giá tài sản của hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Yên Phong kết luận: “Giá trị thiệt hại của chiếc màn hình điện thoại di động bị hư hỏng là 4.853.000 đồng”. Ngày 12/4, anh Nguyễn Hồng Quân (anh trai Quýnh) đã bồi thường cho anh Nguyễn Văn Đức số tiền 5,5 triệu đồng.
Theo cơ quan tố tụng, bị cáo Nguyễn Văn Quýnh có nhân thân xấu. Ngày 5/2/2018 Quýnh từng bị Công an huyện Yên Phong xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh nhau. Ngoài ra, Quýnh còn có 1 tiền sự, bị công an huyện xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, mức phạt 3,5 triệu đồng, đến nay vẫn chưa nộp.
Bị cáo lĩnh 12 tháng tù giam về tội Chống người thi hành công vụ. |
Tại phiên tòa, bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Xét thấy hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đặc biệt trong thời điểm cả nước đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, HĐXX tuyên phạt Nguyễn Văn Quýnh lĩnh 12 tháng tù về tội Chống người thi hành công vụ theo quy định tại khoản 1, Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015. Thời hạn tù tính từ ngày 7/4.
Đây là vụ án vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra xét xử đầu tiên tại địa bàn huyện Yên Phong. Phiên toà được đài Phát thanh huyện phối hợp với TAND huyện phát trực tiếp trên hệ thống truyền thanh của huyện để toàn thể nhân dân theo dõi, qua đó giáo dục riêng và phòng ngừa chung, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh covid-19.
Theo TAND huyện Yên Phong, đây cũng là bài học răn đe, cảnh tỉnh đối với những người coi thường pháp luật, đi ngược lại những nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh covid-19. |
Bá Di (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (16)