(ĐSPL) - Các sản phẩm sữa ong chúa giả được Liên mua, dán nhán mác để tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, thu lãi lớn hơn cả buôn bán ma tuý.
Ttheo thông tin trên báo Công Lý, ngày 22/4, TAND TP Hà Nội đã mở phiên xét xử đối với bị cáo Hoàng Thị Hồng Liên, 34 tuổi (ở Nghệ An) và hai đồng phạm là Nguyễn Công Việt, 30 tuổi (ở Bắc Ninh) và Nguyễn Tuấn Linh, 32 tuổi (ở Nghệ An) về tội “Buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Thực phẩm chức năng giả bị cơ quan công an phát hiện (Ảnh: Vnexpress) |
Theo cáo trạng truy tố, ngày 24/1/2015, khi đang làm nhiệm vụ tại phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tổ công tác Đội Chống hàng giả - Phòng PC46 Công an Hà Nội phối hợp Đội 4 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) phát hiện chiếc xe ôtô do Nguyễn Tuấn Linh điều khiển có nhiều dấu hiệu khả nghi nên đã dừng xe để kiểm tra.
Trên chiếc xe, cơ quan chức nặng phát hiện có 6 thùng các tông thực phẩm chức năng gồm 170 hộp sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar, Collagen do nước ngoài sản xuất cùng hàng trăm đề can tiếng Việt ghi thành phần, công dụng, liều dùng…
Toàn bộ số hàng trên xe không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Hạnh Phúc, đơn vị nhập khẩu độc quyền và phân phối sản phẩm sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar 1.450mg khẳng định, số sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar 1.450mg do Linh vận chuyển là hàng giả.
Tại 6 kho chứa hàng của Liên ở Trung tâm giao thương quốc tế và chợ Lim, Bắc Ninh, nhà chức trách phát hiện, thu giữ khoảng 10 tấn thực phẩm chức năng giả các loại gồm sữa ong chúa Royal Jelly Costar 1.450mg, nhau thai cừu Placentra Essence, Glucosamin, Collagen + A, E, C cùng máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng giả… Trong số hàng thu giữ, có tới gần 10.000 hộp giả thành phẩm được đóng gói giống hàng thật để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.
Theo báo Vnexpress, thực phẩm chức năng giả được Liên và đồng bọn nhập từ biên giới phía Bắc. Các thương lái Trung Quốc đảm nhận vận chuyển hàng đến tận nơi, Liên chỉ đứng ra nhận hàng và thanh toán. Chị ta thường nhập khoảng 50 đến 60 kiện mỗi lần với đầy đủ các loại như tem, nhãn mác.
Thực phẩm chức năng giả được đựng trong các túi nylon, dưới dạng viên nang và có màu giống với sản phẩm thật. Khi khách có nhu cầu, Liên và đồng bọn sẽ đóng vào lọ, hộp, dán tem nhãn.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2014, Liên thuê một loạt kiốt ở Tiên Du, Bắc Ninh, làm kho chứa nguyên liệu, cùng với Linh sản xuất hàng giả. Chị ta không bao giờ ra mặt mà đứng phía sau chỉ đạo Linh trực tiếp giao dịch với khách hàng và vận chuyển, thuê Việt đóng gói, sản xuất hàng giả. Mỗi hộp thực phẩm chức năng giả giá từ 50.000 đến 60.000 đồng nhưng khi đưa ra thị trường giá lên đến tiền triệu.
Liên không bao giờ cho khách biết địa điểm kho hàng. Thực phẩm chức năng giả được tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả "chợ thuốc" Hapulico.
Tòa đã tuyên phạt Liên 36 tháng tù giam, Linh 30 tháng treo, Việt 24 tháng tù treo.
NINH LAN(Tổng hợp)