Vì đẻ con tại nhà mà không có sự trợ giúp y khoa, một sản phụ ở Hưng Yên đã bị vỡ tử cung và phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về trào lưu sinh con "thuận theo tự nhiên” từng gây tranh cãi gay gắt trong dư luận. Đó là con đường diệu hoá hay vốn dĩ chỉ là phương pháp đi ngược văn minh để tìm đường quay về tiền sử?
Các bà mẹ nên đến cơ sở y tế để được chăm sóc và nghe tư vấn thai kì. Ảnh minh họa. |
Để cảnh báo những nguy hiểm, biến chứng của việc sinh nở thuận tự nhiên cũng như cảnh báo tới các bà mẹ trẻ, bác sĩ Nguyễn Bích Vân, khoa Sản, bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM đã có những chia sẻ khách quan với PV báo ĐS&PL quanh vấn đề này.
PV: Được biết từ năm 1974, khái niệm "sinh tự nhiên" đã xuất hiện tại Mỹ và Australia với tên gọi Liên sinh (Lotus birth) nhằm mục đích gắn kết tình mẹ con. Thưa bác sĩ, liệu phương pháp sinh thuận tự nhiên có tốt như những lời ca tụng xuất hiện trên mạng?
Bác sĩ Nguyễn Bích Vân: Tiêu chí của phương pháp sinh nở thuận tự nhiên, hay còn được gọi là Liên sinh là để dây rốn của bé rụng tự nhiên sau sinh. Theo đó, dây rốn gắn liền rốn và nhau thai của bé không bị kẹp hoặc cắt đi. Khi vừa sinh ra, em bé ngay lập tức được đặt lên ngực hoặc bụng của người mẹ. Nhau thai được để trong bát hoặc bọc bằng khăn ướt, được bảo quản bằng cách rửa, sấy khô, sử dụng chất bảo quản và đặt gần em bé. Sau vài ngày (thường 3-10 ngày), dây rốn sẽ rụng khỏi bụng em bé, phụ thuộc vào độ ẩm trong không khí. Đó là một lý thuyết đi ngược lại số đông.
Thực tế cho thấy, một số bà mẹ đang hiểu sai khái niệm của sinh con thuận tự nhiên và cố tình thực hiện những điều sai để phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc. Sinh con thuận theo tự nhiên không có nghĩa là sản phụ tự mình xoay xở sinh nở ở nhà. Đặc biệt nghiêm trọng khi sản phụ tự sinh mà không có sự giám sát của y bác sĩ, không cắt dây rốn, không tiêm chủng. Đó là phản khoa học!
PV: Năm 2008, hiệp hội Sản khoa Anh đã đưa ra cảnh báo về trào lưu “liên sinh” và khẳng định rằng chưa có bất kỳ tài liệu khoa học nào chứng minh những lợi ích của liên sinh đến trẻ sơ sinh, trái lại nó khiến nguy cơ nhiễm trùng diễn ra cao hơn gấp nhiều lần so với các ca sinh thông thường. Bác sĩ có thể cảnh báo những nguy hiểm và biến chứng của phương pháp này?
Bác sĩ Nguyễn Bích Vân: Ngay từ khi mang thai, người mẹ phải đến cơ sở y tế để được theo dõi, kiểm soát và lựa chọn hình thức sinh phù hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ lẫn con. Việc tự sinh đẻ tại nhà mà không có sự trợ giúp y khoa có nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng, rủi ro.
Thứ nhất, hướng sinh con thuận tự nhiên nghĩa là hướng cho sản phụ sinh con qua đường âm đạo. Quá trình chuyển dạ đi kèm nhiều hiện tượng nguy hiểm như băng huyết, chuyển dạ khó, ngôi thai ngược, vỡ ối, rau tiền đạo, nhiễm trùng uốn ván, nhiễm trùng thai nghén, suy thai, tắc mạch ối. Với những trường hợp tai biến sản khoa, nếu không có sự can thiệp của các thủ thuật y khoa thì sản phụ và nhũ nhi sẽ nguy hiểm thậm chí tử vong.
Thứ hai, trong quá trình sinh tự nhiên, nguy cơ rách và nhiễm trùng tầng sinh môn rất cao. Sản phụ nếu không được sự hướng dẫn của bác sĩ sẽ bị rách cửa mình và hậu môn khiến khả năng khâu phục hồi khó khăn và có thể để lại di chứng són phân hay rò âm đạo trực tràng sau này.
Thứ ba, thật nguy hiểm khi để nguyên bánh nhau và dây rốn không cắt bên cạnh trẻ sơ sinh. Theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới, bộ Y tế, vụ Sinh sản đã phê chuẩn việc thực hiện tiếp xúc da cận da của trẻ sơ sinh với mẹ sau sinh. Trẻ sẽ tự tìm vú của mẹ, làm quen với nhiệt độ cơ thể mẹ cũng như các chủng vi trùng có lợi trên da người mẹ. Kế tiếp chúng tôi tiến hành cắt rốn chậm từ 1 đến 3 phút sau khi xổ thai nhằm tăng cường sắt cho trẻ.
Việc để nguyên dây rốn và chờ cho nó tự rụng là hoàn toàn phản khoa học. Để em bé kết nối với một mô chết đang phân huỷ sẽ khiến vi khuẩn hoàn toàn có thể theo dây rốn xâm nhập gây nhiễm trùng sơ sinh, nhiễm trùng hậu sản dẫn đến tử vong. Sinh tự nhiên phải là việc để cho sản phụ đủ ngày, đủ tháng mới sinh, cho bé tiếp xúc da cận da với mẹ, cắt dây rốn chậm. Chỉ khi những trường hợp nguy hiểm bác sĩ mới có chỉ định phẫu thuật để đảm bảo an toàn “mẹ tròn con vuông” chứ không phải theo lý thuyết sinh tự nhiên như câu chuyện ở trên.
PV: Việc hiểu sai khái niệm và cố chấp theo quan niệm chưa được kiểm chứng chắc chắn sẽ dẫn đến những sai lầm không thể sửa chữa. Đứng trên góc độ của một người có kinh nghiệm lâu năm trong khoa sản, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên hữu ích dành cho những bà mẹ trẻ?
Bác sĩ Nguyễn Bích Vân: Cho đến hiện nay, chưa có bất kỳ công trình y khoa nào thừa nhận phương pháp sinh nở thuận tự nhiên. Các bà mẹ không nên áp dụng sinh con tại nhà mà không có y bác sĩ hỗ trợ, không cắt dây rốn, không tiêm ngừa vaccine. Trên thế giới có trường hợp sinh con tại nhà (rất ít khi xảy ra), ca sinh đó thực hiện dưới sự giám sát của hệ thống cơ quan y tế. Nếu xảy ra chuyển dạ, đội ngũ y tế cơ động sẽ tham gia vào quá trình giúp bà mẹ sinh con, trong trường hợp cần can thiệp y khoa, đội ngũ đó sẽ chuyển sản phụ đến bệnh viện gần nhất. Cuối cùng, chúng tôi khuyến cáo tất cả các bà mẹ khi mang thai cần đến cơ sở y tế đăng ký quản lý thai kỳ, khám thai định kỳ ít nhất 4 lần trong suốt chu kỳ thai sản. Khi chuyển dạ, các bà mẹ cần đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ có chuyên môn tư vấn và xử lý đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
PV: Cảm ơn bác sĩ với những chia sẻ sâu sắc này!