Giới chức Iran đã tuyên bố sẽ "trả thù tàn khốc" đối tượng ám sát nhà khoa học nghiên cứu hạt nhân hàng đầu đất nước Mohsen Fakhrizadeh. Động thái này của Tehran khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại nguy cơ bùng phát xung đột trong khu vực.
Ngày 27/11, vụ việc ông Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát gần thủ đô Tehran (Iran) đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng xung đột do các vụ tấn công trả đũa lẫn nhau.
Được biết, ông Fakhrizadeh, người đứng đầu tổ chức nghiên cứu và đổi mới thuộc Bộ Quốc phòng Iran, từ lâu đã bị tình báo phương Tây và Israel nghi ngờ về việc dẫn đầu chương trình hạt nhân quân sự của quốc gia cho tới khi chương trình bị giải tán vào năm 2003.
Nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát gần thủ đô Tehran. Ảnh: Sky News |
Dù chưa có bên nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ ám sát nhưng Iran hiện đang chĩa "mũi nhọn" về phía Israel, một đồng minh quan trọng của Mỹ và là quốc gia "ủng hộ mạnh mẽ" quyết định gây sức ép của Washington đối với Tehran.
Theo Diako Hosseini, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược, bộ phận nghiên cứu của văn phòng Tổng thống Iran, Tehran khó có thể theo đuổi một phản ứng quân sự ngắn hạn nhưng điều đó không có nghĩa là vụ ám sát nhà khoa Fakhrizadeh bị bỏ qua.
Ông Hosseini nhận xét: "Tôi cho rằng hiện nay Iran sẽ ưu tiên đánh giá các khía cạnh của vụ ám sát và theo đuổi nó một cách hợp pháp. Iran biết rõ rằng khía cạnh chính trị của vụ ám sát này là một mục tiêu quan trọng đối với Israel: Làm leo thang căng thẳng giữa Tehran và Washington trước khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump kết thúc, kéo Iran và Mỹ vào một cuộc đối đầu lớn hơn khiến con đường ngoại giao giữa 2 bên trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo dễ đi vào bế tắc".
Nhà nghiên cứu Hosseini khẳng định Israel sẽ không thu được gì nhiều từ vụ ám sát này bởi các chương trình hạt nhân Iran không còn phụ thuộc vào 1 cá nhân nào nữa mà giờ đây đã có một cơ cấu vững chắc cùng với đội ngũ các nhà khoa học trẻ tại chỗ.
Khoảng 1 thập kỷ trước, nhiều nhà khoa học Iran cũng trở thành mục tiêu ám sát. Khi ấy, Israel đã trở thành đối tượng nghi vấn đầu tiên thực hiện các vụ việc này.
Gia tăng tranh luận
Ông Trita Parsi, phó Chủ tịch điều hành của Viện lập pháp Quincy có trụ sở tại Washington, tin rằng Iran có thể đáp trả bằng quân sự đối với vụ ám sát của ông Fakhrizadeh. Tuy nhiên, ông Parsi nhận định sự trả đũa của Iran nhiều khả năng không thể đánh vào lợi ích của Mỹ.
Ông chia sẻ: "Các biện pháp trả đũa không có vẻ gì sẽ nhắm tới lợi ích của Mỹ. Và ngay cả khi họ nhắm tới Israel, Tehran có thể sẽ tìm kiếm một giải pháp không khiến căng thẳng leo thang".
Ông Trita Parsi phỏng đoán cách thức đáp trả vụ ám sát hiện vẫn đang gây tranh cãi gay gắt trong bộ máy chính quyền Tehran. Trong đó, một mặt, chính phủ Iran đã tuyên bố sẽ không "rơi vào bẫy" bằng các động thái trả đũa bất cẩn.
Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng "nguyên nhân của vụ ám sát là do Iran đã không đáp trả các cuộc tấn công trước đó, các hành động khiêu khích cũng như các cuộc tấn công trong tương lai sẽ chỉ dừng lại nếu Iran trả đũa vụ này một cách gay gắt.
Theo ông Parsi, thời điểm phản ứng của Iran sẽ phụ thuộc vào cuộc tranh luận nội bộ diễn biến như thế nào và cách các quốc gia phương Tây, bao gồm chính quyền ứng viên Tổng thống Joe Biden, phản ứng với vụ ám sát.
Đến nay, cả Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đều chưa lên tiếng về vụ ám sát nhà khoa học Iran.
Mục tiêu trả đũa
Lời hứa của Iran về "sự trả thù khắc nghiệt" đối với cái chết của nhà khoa họcFakhrizadeh đã gợi nhắc tới lời hứa được đưa ra sau khi vị tướng hàng đầu Qassem Soleimani, một trong những người đàn ông quyền lực nhất ở Iran, bị ám sát trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Baghdad vào đầu tháng 1 năm nay.
Các nhà phân tích Iran khi ấy cho biết, sự đáp trả thật sự của nước này chính là buộc Mỹ rút toàn bộ quân đội tại Iraq. Theo ông Abas Aslani, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Trung Đông có trụ sở tại Tehran, Iran có thể sẽ không đưa ra động thái tương tự trong vụ ám sát nhà khoa học do nhiều yếu tố khác nhau.
Ông phân tích nguyên nhân là bởi vẫn chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm về vụ ám sát Fakhrizadeh và Iran không có hạn chế về thời gian trong phản ứng của mình. Vì vậy động thái trả đũa của nước này có thể xảy ra trước hoặc sau lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ tiếp theo tại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021.
Ông Aslani chia sẻ: "Điều quan trọng là đối tượng trả đũa mà Iran hướng tới là ai. Nếu họ chỉ định nhắm tới Israel, nhiều khả năng vụ tấn công sẽ diễn ra trước lễ nhậm chức".
Tuy nhiên, nếu Mỹ có liên quan tới vụ ám sát này, các lợi ích của Washington trong khu vực có thể gặp rủi ro. Theo ông Aslani, Iran thậm chí còn có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các cuộc tấn công quân sự trong khu vực, bao gồm cả một số quốc gia Ả Rập.
Minh Hạnh(Theo Al Jazeera)