Sau khi trúng vé số vào chiều 30 Tết, ông Nguyễn Văn Tâm (tên thật Trương Văn Chóng, 58 tuổi) đã bắt xe khách về Cần Thơ tìm người thân.
Tháng ngày lưu lạc ở Campuchia
Người "liệt sĩ" bất ngờ trở về quê hương sau 33 năm "hy sinh" là ông Nguyễn Văn Tâm (tên thật Trương Văn Chóng, 58 tuổi, hiện trú ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
Vào đêm mùng 5 Tết Mậu Tuất 2018, ông Tâm đã bất ngờ tìm về nhà mẹ đẻ là bà Huỳnh Thị Nía (87 tuổi, ấp Định Hòa B, xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) trong niềm vui vỡ òa của người thân.
Kể lại hành trình tìm về quê hương sau 33 năm xa cách, ông Chóng cho biết, năm 1983, ông nhập ngũ, tham gia chiến trường tại Campuchia. Trong một trận đánh vào năm 1985, ông và đồng đội bất ngờ bị quân địch vây ráp trong 1 cánh rừng ở Campuchia. Trước hỏa lực quá mạnh của địch, mọi người tự chống trả và tìm đường thoát thân. Ông Chóng cố chạy sâu vào rừng và thoát được nòng súng phía địch nhưng bị lạc và không thể tìm được lối ra. Sau nhiều ngày đói khát, ông được người dân địa phương phát hiện và đem về nhà cưu mang.
Ông Chóng và người vợ ở Tây Ninh. Ảnh: Báo Thanh Niên |
Sau khi được người dân địa phương cứu sống, ông Chóng không nhớ nhiều về quê hương, không biết đường về nhà. Chỉ nhớ mang máng quê ở Ô Môn, còn tỉnh nào, xã nào thì không nhớ nối. Tại Campuchia ông lấy vợ và có 2 con. Sinh sống 10 năm ở Campuchia, ông Chóng lấy vợ khác và cùng người này về sinh sống tại huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Tại đây, ông Chóng sống với vợ con suốt 8 năm qua với cái tên Nguyễn Văn Tâm.
Trở về nhà nhờ trúng vé số
Theo ông Chóng, sau khi về Việt Nam, ông có hỏi thăm nhiều người, Ô Môn là ở đâu và dần dần người ta nói chỉ ở Cần Thơ. Vì vậy ông cứ nhen nhóm ý định tìm đường về quê nhà, nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện.
“Tôi không ngờ mình có thể trở về lại quê nhà trong dịp Tết này. Trước đó, vào ngày 29 (tháng chạp) tôi nói với vợ tôi là làm sao để Tết này có thể về quê được mà nhà mình thì eo hẹp quá. Rồi tôi nằm trằn trọc hoài, lát sau có người bán vé số đi ngang tôi kêu vào mua vài tờ thử vận may, ban đầu định mua số 29 nhưng mà không có nên tôi mua đại 4 vé số 19, ai ngờ trúng được giải 4 (12 triệu đồng), tôi cho vợ 7 triệu, còn 5 triệu tôi làm lộ phí tìm về quê”, ông Chóng chia sẻ trong niềm vui hân hoan.
Vào chiều mùng 5 Tết, ông Chóng bắt xe đò từ Tây Ninh về Cần Thơ. Khi đến bến xe Ô Môn (TP Cần Thơ) là gần 0 giờ. Ông hỏi đường về Vàm Nhon là nơi gần mình ở, đây là thông tin ít ỏi mà ông Chóng có thể nhớ được. “Lúc tôi tới, trời khuya quá rồi nên đường vắng vẻ, không còn mấy người để hỏi thăm. Gặp mấy người đàn ông đi uống rượu về, tôi mừng quá chạy theo hỏi đại. Người ta chỉ tôi đi qua mấy cái cầu là tới. Tôi vừa chạy, vừa hồi hộp nghĩ đến cảnh mình về tới nhà. Quê tôi thay đổi quá, tôi nhìn không ra”, ông Chóng xúc động nói.
Ông Chóng đoàn tụ cùng mẹ sau 33 năm xa cách. Ảnh: Công an TP.HCM |
Sau đó, ông Chóng hỏi thăm về nhà Tư Cao (Tên anh ruột ông Chóng) và được chỉ đường. Tuy nhiên, do trời tối, nhà thì san sát nhau nên ông Chóng không biết đâu là nhà của ông Tư Cao.
"Khi đến rồi, tôi lại không biết nhà nào mà vô. Tôi đứng giữa sân nhà má tôi, la lớn tên anh tôi ra để mọi người nghe thấy. Tôi không nhớ tên mẹ mình, nhưng vừa gặp bà, tôi nhận ra ngay”, ông Chóng kể lại.
Trở nhà vào lúc nửa đêm, sau 33 năm "hy sinh", ông Chóng khiến cho cả nhà bàng hoàng.
“Tôi như chết đứng chỉ biết đứng nhìn một người đàn ông gần 60 tuổi khác xa với di ảnh trên bàn thờ là thằng thanh niên. Tôi không tin thằng con tôi còn sống và đang ở trước mặt tôi bằng xương bằng thịt, vì 33 năm trước người ta đã báo con tôi hy sinh ngoài chiến trường. Sau đó, tôi dẫn nó vào bàn thờ, rồi nó tự đập bát hương và lấy di ảnh xuống”, bà Nía- mẹ ông Chóng xúc động kể.
Hoàng Yên (T/h)