Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ sớm tổ chức các cuộc đàm phán chính thức về việc Ukraine gia nhập khối này. VTC News dẫn thông tin trên Bloomberg cho biết, EC có thể khởi động quá trình đàm phán vào tháng 10/2023.
Quá trình đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine có thể kéo dài nhiều năm. Các nhà lãnh đạo châu Âu dự kiến sẽ nhấn mạnh vào tiến bộ của Kiev trong các lĩnh vực chính, ví dụ như loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng.
Việc này được xem là động lực lớn đối với Ukraine. Trong quá trình gia nhập EU, Kiev sẽ phải đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng, cải cách hệ thống tư pháp và củng cố nền kinh tế để phù hợp với tiêu chí của liên minh.
Mới đây, ông Charles Michel - Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết EU dự định bắt đầu thảo luận việc kết nạp Ukraine và một số quốc gia khác sớm nhất vào tháng 10. Đồng thời, ông nói rằng việc mở rộng EU hiện “không còn là giấc mơ”.
Theo ông Charles Michel, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận vấn đề này tại cuộc họp tiếp theo của Hội đồng châu Âu. Tại đây, lãnh đạo các nước EU “sẽ đưa ra quan điểm về việc mở các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova”.
Theo thông tin trên VOV, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký đơn Ukraine xin gia nhập Liên minh châu Âu vào ngày 28/2/2022 và được tổ chức này trao tư cách ứng viên vào ngày 23/6/2022.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine và trong chuyến thăm châu Âu, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi các nước châu Âu đẩy nhanh quá trình kết nạp Ukraine làm thành viên chính thức của EU.
Tuy nhiên, EU đã từ chối thông qua một lộ trình nhanh chóng để đưa Ukraine trở thành thành viên của khối, mặc dù vẫn ghi nhận những nỗ lực cải cách của Ukraine.
XEM THÊM: Hội đàm giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Ukraine: Thảo luận về khôi phục kinh tế
Theo ý kiến của nhiều nhà phân tích, Ukraine rất quyết tâm nhằm sớm gia nhập EU nhưng triển vọng trong tương lai gần rất khó để nước này trở thành thành viên của khối.
Lý do là vì các nước muốn gia nhập khối này đều cần trải qua quá trình đàm phán lâu dài, phức tạp, trong đó ứng viên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về chính trị, kinh tế, dân chủ… của EU.
Đinh Kim(T/h)