(ĐSPL) - Sau khi gây ra thảm án sát 6 mạng người gia đình người yêu cũ, Dương vẫn quay lại đám tang như không hề có chuyện gì. Lý do vì sao?
Ngay sau khi xảy ra thảm án chấn động dư luận ở Bình Phước, một gia đình 6 người bị sát hại dã man được phát hiện vào sáng ngày 7/7 khiến dư luận không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ.
Để có thể tìm ra hung thủ một cách nhanh nhất, an ủi vong linh những nạn nhân xấu số và chấn an dư luận, ban chuyên án được thành lập với sự tham gia của nhiều tướng lĩnh, điều tra viên cao cấp, trinh sát giỏi.
Sau 5 ngày không ngừng nghỉ để truy tìm dấu vết, ban chuyên án đã phá án thành công khi bắt gọn được Nguyễn Hải Dương (SN 1991, quê quán: An Giang; tạm trú Ấp 1, Tổ 2, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. HCM) và Vũ Văn Tiến (SN 1991, quê quán: Bình Phước; tạm trú xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.) - nghi phạm chính trong vụ thảm sát trên.
Sau những giờ đấu tranh lấy lời khai, cuối cùng Nguyễn Hải Dương - kẻ chủ mưu chính trong vụ án này cũng thừa nhận việc mình ra tay tàn độc như vậy là do mối quan hệ với gia đình này. Cụ thể, Dương từng yêu con gái của gia đình này là Lê Thị Ánh Linh (22 tuổi).
Nguyễn Hải Dương tại cơ quan điều tra. Ảnh Tiền Phong. |
Tuy nhiên, điều người mà dư luận luôn thắc mắc, đó là tại sao sau khi sát hại cả gia đình nhà người yêu cũ như vậy, Dương vẫn có thể quay lại đám tang, giả vờ như không biết chuyện gì, cùng những người thân gia đình Linh lo đám tang cho Linh và bố mẹ?
Trả lời về thắc mắc này, một lãnh đạo của Cục CSHS - Bộ công an trao đổi trên báo Thanh niên cho hay, việc Nguyễn Hải Dương, nghi phạm chính trong vụ thảm sát 6 người ở Bình Phước đến đám tang các nạn nhân là để nghe ngóng tình hình, dò la tin tức về kết quả điều tra, để tìm hiểu xem cơ quan chức năng đã thu thập được những tài liệu, dấu vết, chứng cứ gì, hướng điều tra... từ đó tìm cách đối phó. Theo vị lãnh đạo Cục CSHS, đám tang và hiện trường là nơi có nhiều thông tin để nghe ngóng nhất.
Theo ông, sau khi gây án bất kỳ tội phạm nào cũng lo lắng, bất an, sợ bị phát hiện, do đó sẽ tìm mọi cách để đối phó. Thường thì hung thủ sẽ bỏ trốn, nhưng trong trường hợp này, Nguyễn Hải Dương không bỏ trốn vì đã tính toán kỹ, nếu bỏ trốn thì chắc chắn công an sẽ đưa Dương vào loại đối tượng nghi can số 1. Vì Dương có quan hệ tình cảm với con nạn nhân, có quan hệ thân thiết với gia đình nạn nhân, và nhiều người biết được mối quan hệ này, dĩ nhiên cơ quan điều tra cũng nắm được mối quan hệ này. Nếu bỏ trốn thì chẳng khác nào Nguyễn Hải Dương tự đưa mình vào diện đối tượng tình nghi cao nhất.
Ngôi nhà nơi xảy ra vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước. |
Vì thế lý do thứ hai để Dương quay lại hiện trường và dự đám tang là để tránh sự hoài nghi của mọi người. Dương cố gắng làm mọi việc như bình thường, khóc thương khi đến dự đám tang như một người thân của gia đình. Điều này cho thấy Nguyễn Hải Dương là một đối tượng tương đối vững vàng về tâm lý, có suy nghĩ tính toán cẩn trọng trước và sau khi gây án.
Ngoài ra, xét về tâm lý chung của con người thì dù cho tội phạm có ra tay độc ác đến đâu thì từ sâu thẳm trong con người vẫn còn lại chút tình, xót xa, ân hận, giằng xé nội tâm là điều không thể tránh khỏi. Nên có thể Nguyễn Hải Dương quay lại đám tang để đốt cho người yêu cũ và gia đình một nén nhang tạ tội, xin sự thứ tha từ những người đã khuất.
Sau 5 ngày điều tra, chiều ngày 11/7, Bộ Công an đã tiến hành tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra vụ thảm sát này. Theo đó, với những chứng cứ thu giữ được và lời khai của hai nghi can, cơ quan công an cho biết đã đủ căn cứ khẳng định, Nguyễn Hải Dương (SN 1991) và Vũ Văn Tiến (SN 1991) chính là hung thủ, đồng thời, phía cơ quan công an cũng khẳng định sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để đưa vụ án ra xét xử công khai trong vòng 1 tháng tới.
Như tin tức đã đưa, rạng sáng ngày 7/7, tại Công ty sản xuất chế biến gỗ Quốc Anh (Quốc lộ 13, ấp 2, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước), bà Đoàn Thị Cẩm Loan (SN 1975), người làm công cho gia đình ông Lê Văn Mỹ đến làm việc như thường lệ thì phát hiện cửa phía sau khóa. Bà Loan đi lên phía trước đẩy cửa vào nhà thì phát hiện ông Mỹ (48 tuổi, tên thường gọi là Quốc), bà Nguyễn Lê Thị Ánh Nga (SN 1973, vợ ông Mỹ) và Lê Quốc Anh (SN 2000, con trai của vợ chồng ông Mỹ) nằm chết trên nền nhà. Sau đó, bà Loan tiếp tục lên lầu thì phát hiện Lê Thị Ánh Linh (SN 1993, con gái của vợ chồng ông Mỹ), Dư Ngọc Tố Như (SN 1997, cháu ông Mỹ) chết trong phòng ngủ. Bà Loan liền tri hô hàng xóm và báo với công an. Khi đến hiện trường, công an phát hiện thêm cháu Dư Minh Vỹ (SN 2001, cháu ông Mỹ) nằm chết ở cổng nhà. Công an Bình Phước đã công số điện thoại đường dây nóng cũng như phát tờ rơi kêu gọi người dân cung cấp thông tin liên quan đến vụ án cho cơ quan điều tra. |
BTV(Tổng hợp)