CNN dẫn báo cáo từ Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết, Cộng hoà Trung Phi (CAR) đang đối diện với cuộc khủng hoảng quy mô lớn, tương tự như Yemen và Syria.
Cộng hoà Trung Phi đối diện khủng hoảng tương tự Yemen, Syria. Ảnh: CNN |
Theo LHQ, số người ở Cộng hòa Trung Phi đang sống dựa vào viện trợ đã tăng lên con số 2,9 triệu vào năm 2019, tăng 400.000 người chỉ trong vòng 1 năm. 2,9 triệu người là khoảng hai phần ba dân số của đất nước.
Tuy nhiên, các cơ quan viện trợ hoạt động tại quốc gia này nói rằng họ đã nhận được ít hơn một nửa những gì cần thiết để giúp đỡ những người gặp rủi ro.
Cuộc khủng hoảng ở một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới này đã lan rộng tới mức ngang tầm với Yemen và Syria, nhưng ít được chú ý hơn - có lẽ vì CAR là một quốc gia không giáp biển, vẫn luôn phải đối diện với đói nghèo và không có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng.
Sau chuyến thăm CAR hồi đầu tháng 9, Phó điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ Ursula Mueller cho biết tình hình nhân đạo tiếp tục xấu đi: "Sự gia tăng bạo lực ở các khu vực của đất nước mà trước đây không bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột đang dẫn đến nhu cầu di dời và nhân đạo mới".
Xung đột giữa quân chính phủ và các phe phái đối lập chia rẽ đất nước. Ảnh: CNN |
Xung đột liên quan đến các dòng tộc và giáo phái đã phá hủy CAR từ bên trong vào năm 2013. Chính phủ kiểm soát chưa đến một phần tư đất nước trong khi vô số phe phái nổi dậy tranh giành phần còn lại. Ít nhất 1 triệu người phải di dời, và các cơ quan viện trợ đấu tranh để chăm sóc họ ở một đất nước có mạng lưới đường bộ hạn chế cũng như cơ chế cảnh sát và quân đội hiếm khi hoạt động.
Vào tháng 2, dưới áp lực từ Liên minh châu Phi, chính phủ Cộng hoà Trung Phi và 14 phe nổi dậy đã đồng ý ký kết một thỏa thuận ngừng bắn. Đây là thỏa thuận thứ 8 đạt được kể từ năm 2013.
Một báo cáo của các chuyên gia LHQ vào tháng 7 cho biết một số nhóm đã vi phạm thỏa thuận này, thậm chí họ đã tấn công nhân viên gìn giữ hòa bình của LHQ. Phiến quân tiếp tục vận chuyển vũ khí từ nước láng giềng Chad, khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản của CAR và tấn công sát hại dân thường. Hồi tháng 5, hơn 50 người đã thiệt mạng vì các cuộc tấn công của một trong những phe nổi dậy ở vùng Tây Bắc xa xôi. Tình hình an ninh ở các khu vực Đông Nam CAR cũng trở nên tồi tệ trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, vẫn còn những tia hy vọng mờ nhạt. Một trong số đó là khả năng phục hồi đáng kinh ngạc của người dân CAR, mà CNN đã chứng kiến trong các chuyến thăm tới đất nước này trong năm nay. Có khát khao hòa bình sâu sắc ở một đất nước đã bị tổn thương quá nhiều bởi bạo lực trong 6 năm qua.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo CNN)