Ngày 7/11, Đặc phái viên Liên hợp quốc về di cư quốc tế Peter Sutherland đã kêu gọi Anh có trách nhiệm hơn với cuộc khủng hoảng di cư tại châu Âu, nhất là trong bối cảnh mùa Đông đang tới gần và sẽ có hàng triệu người di cư cùng con em họ phải chịu cảnh giá rét trong những chiếc lều dựng tạm ở các vùng biên giới.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Phát biểu sau khi Hội đồng châu Âu ước tính sẽ có thêm hơn 3 triệu người di cư nữa đến các nước Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm tới và con số này dự kiến sẽ không giảm cho đến năm 2017, ông Sutherland nói rằng Hội đồng châu Âu có cơ chế xử lý khủng hoảng song lời hồi đáp nhân đạo với cuộc khủng hoảng này là quá ít ỏi.
Theo ông, trên khắp châu Âu có nhiều bằng chứng cho thấy người nhập cư có đóng góp tích cực và họ mang lại sự cân bằng giữa lực lượng lao động và lực lượng hưu trí. Tuy vậy, người nhập cư vẫn đang chịu định kiến là gánh nặng cho các quốc gia tiếp nhận và không ít người trở thành nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt và bài ngoại.
Nhấn mạnh cuộc khủng hoảng di cư hiện nay không phải vấn đề nhất thời và nó thách thức nền tảng đạo đức của xã hội mà chúng ta đang sống, Đặc phái viên Liên hợp quôc về di cư quốc tế Sutherland cho rằng giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư không chỉ là trách nhiệm của các nước nằm trên tuyến đường di cư như Italy hay Hy Lạp.
Đây là trách nhiệm chung của toàn châu Âu và các nhà lãnh đạo châu lục cần nhận thức rõ rằng đây là thách thức mà thế hệ của họ cần phải giải quyết.
Trong năm nay, khoảng 700.000 người đã đến châu Âu để xin tị nạn hoặc tìm việc làm. Trong các nước được nhiều người di cư tìm đến nhất, Anh cam kết tiếp nhận 4.000 người di cư mỗi năm từ các trại tị nạn gần Syria và con số này thấp hơn rất nhiều so với cam kết của Đức hay Thụy Điển.
Theo ông Sutherland, Anh sẽ đại diện cho một lập trường không thể chấp nhận được về mặt đạo đức nếu quay lưng với cuộc khủng hoảng này./.
Theo TTXVN
Xem thêm video tin tức hot nhất:
[mecloud]TgW7MuXvKV[/mecloud]