Kiểm soát cuộc sống của chính mình là một bước tiến lớn. Bạn có thể quyết định điều bạn muốn, tìm ra điều gì là quan trọng đối với bạn và lên kế hoạch làm theo để bạn có thể tận dụng tối đa cuộc sống của mình. Học cách lên kế hoạch cuộc sống sẽ giúp bạn có thể hoàn thành được mục tiêu cũng như nhu cầu của bản thân.
Phương pháp 1
Xác định Viễn cảnh Tương lai của Bản thân
Xác định điều gì là có ý nghĩa đối với bạn. Lên kế hoạch cuộc sống có thể là một nhiệm vụ rất khó khăn và có rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống cần được cân nhắc khi bạn lập kế hoạch. Để hiểu rõ hơn về viễn cảnh cuộc sống trong tương lai mà bạn mong muốn, hãy dành thời gian khám phá điều gì là ý nghĩa và quan trọng đối với bạn. Dưới đây là một vài câu hỏi để giúp bạn bắt đầu nghĩ về hướng đi nào mà bạn muốn đi:Thành công với bạn là như thế nào? Có một địa vị cụ thể trong công việc hay một số tiền nhất định? Liệu đó có phải là sáng tạo? Hay có một gia đình?
Cuộc sống của bạn sẽ như thế nào nếu bạn có thể thay đổi nó ngay bây giờ? Bạn muốn sống ở đâu? Bạn muốn làm nghề gì? Bạn dành thời gian của mình vào việc gì? Bạn muốn ở bên những ai?
Bạn ngưỡng mộ cuộc sống của ai? Điều gì trong cuộc sống của họ hấp dẫn bạn?
Xây dựng định hướng tầm nhìn. Khi bạn đã khám phá ra điều gì là có ý nghĩa đối với mình thông qua việc tự hỏi và tự nhìn nhận bản thân, hãy viết các câu trả lời mà bạn có thành một câu mà bạn có thể sử dụng như một câu định hướng tầm nhìn. Viết nó ở thì hiện tại, giống như bạn đã hoàn thành được điều đó.
Một ví dụ của câu định hướng tầm nhìn như: Cuộc sống của tôi thành công bởi tôi là người làm chủ; Ngày nào tôi cũng cảm thấy tự do; Tôi phải sử dụng sự sáng tạo của bản thân; và tôi dành thời gian ở bên gia đình của mình.
Bởi việc lên kế hoạch cho cuộc sống trong một thế giới thay đổi vô cùng nhanh chóng như hiện nay sẽ vô cùng khó khăn. Vì vậy, bạn có thể sử dụng câu nói này như một nguyên tắc định hướng mà bạn cố gắng vạch ra cho cuộc sống của mình, hãy luôn nhớ rằng công việc, địa điểm hay mục tiêu cụ thể có thể thay đổi miễn là định hướng cuộc sống hoặc những điều quan trọng nhất đối với bạn, vẫn được hoàn thành.
Không vội vã. Có thể kế hoạch của bạn sẽ không được suôn sẻ. Rất hiếm khi có một điều gì đó diễn ra theo đúng những gì mà chúng ta lên kế hoạch hay mong đợi. Cuộc sống luôn tràn đầy những ngã rẽ, khó khăn, và cơ hội mới. Cuộc sống cũng không bao giờ thiếu vắng những thất bại, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn nên từ bỏ. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để bước từng bước một. Rút ra bài học từ những hành động và trải nhiệm của bản thân khi bạn tiến gần hơn đến mục tiêu của chính mình.
Có thể bạn sẽ gặp bế tắc trong cuộc sống. Có thể bạn sẽ có một công việc mà bạn nghĩ rằng nó sẽ giúp bạn thăng tiến, nhưng cuối cùng nó lại chẳng đi đến đâu. Có thể bạn sẽ đi lệch hướng bởi gia đình và bạn bè. Nhưng hãy nhớ rằng cuộc sống không hoạt động theo một thời gian biểu nhất định. Thực hiện từng bước nhỏ hướng tới mục tiêu của bạn và rút ra bài học từ những bế tắc và phát triển mới trong cuộc sống.
Chuẩn bị sẵn sàng để tự tạo cơ hội cho bản thân. Có thể ngoài kia sẽ chẳng có bất cứ một công việc, địa điểm hay cơ hội hoàn hảo nào. Trong trường hợp đó, bạn cần tự tạo cơ hội cho chính mình, cho dù điều đó không nằm trong kế hoạch ban đầu của bạn. Hiểu được rằng khi bạn lên kế hoạch cuộc sống bạn sẽ phải biến mục tiêu của mình thành sự thật có thể giúp bạn chuẩn bị sẵn tinh thần cho bất cứ thay đổi nào trong tương lai.
Ví dụ như nếu định hướng của bạn là bạn muốn tự làm chủ, điều đó có thể đồng nghĩa với việc dạy học ở một lớp học nhảy hoặc trở thành cố vấn tại một công ty lớn. Cả hai công việc này đều thỏa mãn được mong muốn sâu bên trong bạn đó là cảm thấy tự do bởi bạn là ông chủ của chính mình.
Phương pháp 2
Tạo Kế hoạch Cuộc sống
Viết ra kế hoạch cuộc sống. Kế hoạch cuộc sống là bản kế hoạch chính thức, được viết ra để bạn có thể sử dụng để lên kế hoạch cho mọi lĩnh vực của cuộc sống bao gồm nghề nghiệp, nơi ở, các mối quan hệ và cách bạn sử dụng thời gian của mình. Viết ra kế hoạch cuộc sống sẽ giúp bạn xác định được những lĩnh vực mà bạn muốn thay đổi hoặc đạt được những mục tiêu nhất định.
Bản kế hoạch cuộc sống sẽ giúp bạn nhìn cuộc sống của mình theo một cách khác. Nhìn nhận các lĩnh vực của đời sống trên giấy có thể giúp bạn sắp xếp thứ tự ưu tiên cũng như tái điều chỉnh các dự định của bản thân.
Việc đưa kế hoạch cuộc sống lên giấy cũng sẽ giúp bạn nhận thấy những mục tiêu và ước vọng tương tự nhau hoặc điều chỉnh kế hoạch dựa trên những điều không phù hợp.
Xác định phần của cuộc sống mà bạn muốn thay đổi. Có kế hoạch cuộc sống không đồng nghĩa với việc bạn sẽ thay đổi tất cả các lĩnh vực của cuộc sống ngay lập tức, nhưng nó là điểm xuất phát để bắt đầu quá trình. Có thể có một vài lĩnh vực mà bạn đã cảm thấy hài lòng, như nơi ở, nhưng những lĩnh vực khác bạn lại muốn phát triển, như tìm một công việc mà bạn vừa lòng hơn. Có thể sẽ có nhiều lĩnh vực mà bạn muốn lên kế hoạch, nhưng để bắt đầu, hãy chọn ra một phần quan trọng nhất đối với bạn.
Quyết định lĩnh vực mà bạn sẽ bắt đầu, như nghề nghiệp, nhóm xã hội, sở thích hoặc một thứ gì đó khác nữa. Một vài ví dụ của các lĩnh vực cuộc sống bạn có thể thay đổi như công việc, học hành, hoặc kế hoạch tài chính và thu nhập; thái độ, quan điểm cuộc sống, mục tiêu sáng tạo hoặc giải trí; gia đình và bạn bè; kế hoạch cho con cái, bảo đảm hỗ trợ xã hội hoặc tham gia tình nguyện vì một mục tiêu đầy ý nghĩa; hoặc mục tiêu thể chất và sức khỏe.
Tự hỏi bản thân xem bạn sẽ nhận được gì từ việc thay đổi lĩnh vực đó của cuộc sống để hiểu rõ hơn về lý do bạn chọn thay đổi nó.
Tự hỏi bản thân phần thay đổi nào là khó nhất đối với bạn. Khi bạn biết điều gì là khó khăn nhất, bạn có thể chuẩn bị sẵn sàng cho lúc đối mặt với thử thách. Ví dụ như, đối với vài người thì phần khó nhất chính là bắt đâu. Nếu bạn biết rõ bạn sẽ gặp vấn đề với điều này, bạn có thể xin sự hỗ trợ của người khác để giúp bạn bắt đầu.
Thu thập thông tin và sự trợ giúp. Có một hệ thống hỗ trợ hoặc những người có thể giúp đỡ bạn khi cần, là điều vô cùng quan trọng trong khi cố gắng thay đổi cuộc sống. Một phần của kế hoạch thay đổi đó là viết ra chính xác người bạn sẽ tìm để xin giúp đỡ khi gặp khó khăn. Nói với những người thân thiết nhất với bạn về kế hoạch cuộc sống và những điều bạn muốn thay đổi. Lập danh sách những người bạn biết có thể dựa vào nếu gặp bế tắc.
Thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về những thay đổi sắp tới đối với cuộc sống của bạn. Lắng nghe câu chuyện thành công từ những người khác hoặc tham gia nhóm tự phát triển và thành công. Hỏi người khác về những phương pháp hộ sử dụng để lên kế hoạch cuộc sống và tạo thay đổi, và những khó khăn có thể gặp phải.
Xác định nguồn lực và các bước thực hiện kế hoạch. Đối với một vài kế hoạch và thay đổi cuộc sống, bạn sẽ cần một số nguồn lực nhất định để bắt đầu thực hiện bất cứ bước nào hướng tới mục tiêu của bạn. Có thể bạn cần mua sách, lập ngân quỹ, học kỹ năng mới hoặc tranh thủ sự giúp đỡ của người khác. Bạn cũng cần phải tìm ra cách để vượt qua những khó khăn nhất định. Sau khi đã xác định những nguồn lực bạn cần để bắt đầu, hãy chuyển sang thực hiện các bước sẽ dẫn bạn tới kế hoạch cuộc sống mà bạn vạch ra.
Ví dụ như, nếu kế hoạch cuộc sống của bạn bao gồm việc trở nên khỏe mạnh, có thể bước đầu tiên bạn cần làm sẽ là tìm hiểu về các thức ăn có lợi cho sức khỏe và cách nấu nướng, sau đó là quyết tâm ăn một loại rau xanh mỗi ngày. Bạn sẽ muốn xây dựng mục tiêu một cách từ từ để bạn không bị kiệt sức và cảm thấy quá tải.
Một ví dụ khác có thể là nếu bạn muốn có một kế hoạch cuộc sống cho bạn một chế độ ăn uống khỏe mạnh hơn. Để làm được điều này, bạn sẽ cần xác định những thứ bạn cần để đạt được điều đó, như sách dinh dưỡng, ngân sách cho các loại hàng tạp phẩm khác nhau và xin sự giúp đỡ của gia đình bởi thay đổi đó cũng sẽ ảnh hưởng tới họ.
Đương đầu với khó khăn khi cuộc sống không diễn ra theo kế hoạch của bạn. Lên kế hoạch cuộc sống là một cách tuyệt vời để hiểu rõ bạn muốn gì và bạn cần làm gì để đạt được điều đó, nhưng cuộc sống thường không thể đoán trước và cũng không đi theo kế hoạch có sẵn. Bạn cần phải cải thiện kỹ năng đương đầu với khó khăn để giải quyết các xáo trộn và trở ngại trong quá trình hướng tới mục tiêu của bản thân.
Bạn có thể thử phương pháp ứng phó tập trung vào giải quyết vấn đề. Phương pháp này bao gồm khả năng nhìn nhận vấn đề một cách khách quan để hiểu được chỗ nào không ổn, và sau đó lập kế hoạch để sửa đổi điều đó. Quá trình sẽ bao gồm việc nhận thức các lựa chọn của bạn, thu thập thông tin, kiểm soát tình huống và thực hiện kế hoạch hành động.
Ví dụ, nếu bạn lên kế hoạch để trở thành một người khỏe mạnh hơn, nhưng sau đó lại được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, bạn quyết định sử dụng phương pháp ứng phó tập trung vào giải quyết vấn đề để thích nghi với hoàn cảnh mới. Bạn tìm hiểu về bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống và các công cụ kiểm tra để giúp bạn quay trở lại với kế hoạch của mình.
Một phương pháp khác đó là phương pháp ứng phó tập trung vào cảm xúc. Đây là phương pháp bạn sử dụng để đối phó với các ảnh hưởng tinh thần của một sự việc nằm ngoài dự kiến.
Ví dụ như, bị chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường có thể sẽ gây ra một số phản ứng tinh thần nhất định như sợ hãi, suy sụp hoặc tức giận. Giải quyết các cảm xúc này bao gồm việc nói chuyện với bạn bè hoặc người thân trong gia đình, giảm căng thẳng bằng cách hạn chế nghĩa vụ của bản thân và viết nhật ký cảm xúc để hiểu rõ hơn về chúng.
Phương pháp 3
Đặt Mục tiêu
Hiểu được tầm quan trọng của việc đặt mục tiêu. Đặt mục tiêu là một kỹ năng quan trọng mà rất nhiều người thành đạt sử dụng để giúp tạo động lực cho bản thân. Đặt mục tiêu hợp lý vừa cho phép bạn tập trung vào những điều cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ vừa giúp bạn sắp xếp tất cả công cụ bạn cần để hoàn thành mục tiêu của mình.
Một trong những phần tuyệt vời nhất của việc hoàn thành và đặt mục tiêu thành công đó là cảm giác tự tin khi bạn hoàn thành một mục tiêu.
Sử dụng phương pháp đặt mục tiêu SMART. Đặt mục tiêu là một cách tuyệt vời để tạo một bước tiến lớn trong kế hoạch cuộc sống của bạn. Nó cho cho phép bạn đạt được mục tiêu hay các bước cụ thể, đo lường được, vừa sức, thực tế và có thời hạn (SMART). Việc sử dụng phương pháp SMART là vô cùng quan trọng để hiểu được bạn đang ở khoảng cách xa hay gần so với mục tiêu mà bạn đề ra.
Nếu mục tiêu của bạn là xây dựng một cuộc sống khỏe mạnh, đừng chỉ nói là tôi sẽ ăn nhiều rau xanh hơn. Hãy biến nó thành một mục tiêu SMART bằng việc nói tôi sẽ ăn hai suất rau xanh mỗi ngày trong vòng 30 ngày kể từ Thứ hai.
Điều này biến mục tiêu của bạn trở nên cụ thể để bạn có định hướng nhất định để tuân theo. Nó cũng đo lường được bởi bạn biết bạn đang cố gắng làm gì, nó hoàn toàn có thể đạt được và bạn có một khung thời gian nhất định.
Biến mục tiêu của bạn trở nên cụ thể. Có một vài cách bạn có thể làm để biến mục tiêu của mình trở nên cụ thể và có thể đạt được. Để bắt đầu, hãy viết mục tiêu của bạn ra. Điều này giúp các mục tiêu trở nên thật hơn là chỉ ở trong tâm trí bạn. Đảm bảo rằng bạn viết nó thật chi tiết. Nếu bạn làm theo phương pháp SMART, bạn nên có sẵn một vài một tiêu cụ thể.
Trình bày mục tiêu của bạn bằng ngôn ngữ tích cực. Nếu bạn muốn giảm cân, hãy nói gì đó như: “Ăn thức ăn tốt cho sức khỏe và giảm hơn 2 kg”, thay vì “Ngừng ăn quà vặt và hết béo”.
Sắp xếp các mục tiêu theo thứ tự ưu tiên. Nếu bạn có nhiều mục tiêu, bạn sẽ không thể nào thực hiện mọi thứ cùng một lúc. Quyết định xem điều gì cần được thực hiện ngay, điều gì có thể đợi và điều gì chưa vội lắm.
Bạn nên giữ mục tiêu của mình đủ nhỏ để bạn có thể đạt được nó trong một khoản thời gian hợp lý thay vì cố gắng suốt nhiều năm trời. Nếu bạn có mục tiêu lớn lao, hãy chia nó thành các mục tiêu nhỏ hơn để bạn có thể đạt được chúng và cảm thấy thỏa mãn.
Nguồn WikiHow