Trong cái xóm Hạ này chẳng có ai còn xa lạ gì Tiến “vạ”. Hắn ta trạc ngoài 30 tuổi, đúng như biệt danh mà mọi người gán cho, chả ai muốn dây đến cái tay này làm gì. Nhác trông thấy hắn là mọi người đều cố gắng tránh từ xa để không rước họa vào thân.Nhân dịp nghỉ hè lớp 9, Thành quyết định về thăm quê ngoại vài ngày để vừa thăm gia đình vừa tận hưởng không khí trong lành của vùng nông thôn trung du yên bình, tránh xa những ồn ào, khói bụi của thành phố...
Tiến “vạ” (đang nói chuyện điện thoại, giọng càu nhàu): Tại sao em không nghe anh giải thích... Thì làm sao ấy à? Em mà không nghe anh nói thì anh sẽ tự tử và… và anh có cái điện thoại anh mới mua hơn 20 triệu nhá. Anh nói thật em mà không nghe anh sẽ đập. Anh đập thật đấy!
Thành đang chạy bộ gần đó, chẳng biết đầu óc để đâu mà lỡ va vào Tiến “vạ”. Chiếc điện thoại trên tay Tiến “vạ” rơi xuống đất.
Tiến “vạ (la lối om sòm): Ôi, cái gì thế này, cái thằng ranh con này, mày là ai, mày ở đâu xuất hiện tự nhiên va vào tao? Mày có biết cái điện thoại tao mới mua hơn 20 triệu không? Chết rồi giờ nó tắt ngóm rồi. Tao phải làm gì bây giờ. Ranh con, mày đền đi, đền ngay cho tao không tao không để yên đâu.
Thành (mặt tái lại và lắp bắp): Ơ, em…em xin lỗi anh, em đang chạy tập thể dục, chẳng may va phải anh chứ có phải lỗi tại em đâu ạ?
Tiến “vạ” (tức tối): Cái gì, không phải lỗi của mày à?
Thành (ngây thơ): Vâng!
Tiến “vạ”: Thế tức là tao tự đập điên thoại của tao đúng không? Mày có thấy thằng ngu nào tự đập điện thoại của mình không hả? Giờ mày có đền hay không thì nói luôn ra ngay để tao còn biết? Mày có biết mày đang động đến ai không, là Tiến “vạ” đây. Mà đã động đến Tiến “vạ” là đời mày “yểu mệnh” rồi chú em ạ.
Thành: Thôi anh ơi…Anh bình tĩnh nghe em nói đã...
Tiến “vạ”: Anh à. Anh cái gì?
Thành: Dạ, thực ra lúc nãy em không cố ý đâu ạ.
Tiến “vạ” (vừa nói vừa dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu và người Thành): Không cố ý này...không cố ý này... không phải lỗi của em này...không phải lỗi của em này....
Thành (van xin): Anh ơi, anh tha cho em…anh ơi...Em xin anh…
Tiến “vạ” liên tục cầm mũ đánh Thành. Do sáng sớm nên trên đường ít có người qua lại nên không có ai bảo vệ Thành. Thành đau quá ngã quỵ xuống đất. Tiến “vạ” sau đó bỏ đi. Thành lê bước về nhà cậu An, mợ Bích để băng bó vết thương trên đầu do bị đánh và kể lại câu chuyện... Đúng lúc đó thì chú Trường - Trưởng thôn, bạn thân của cậu mợ đến chơi.
Chú Trường: Ơ, sao thế, đầu với mặt của cháu này bị làm sao mà lại băng bó thế này, có phải bị ai đánh mà ra nông nỗi này không?
Chị Bích (vừa nói vừa khóc): Thằng cháu em mới ở thành phố về, nó đi tập thể dục buổi sớm, không may va phải thằng Tiến “vạ” rồi bị nó đánh cho ra cái nông nỗi này đây bác ơi. Khổ thân thằng bé, bảo về quê chơi với cậu mợ mà lại bị đánh thế này. Em không biết phải ăn nói với bố mẹ nó ra sao đây bác ơi...
Bác Trường (tỏ rõ vẻ bực mình): Lại là cái thằng Tiến “vạ”, cái thằng này chưa bị đi tù thì chưa sáng mắt ra, cứ một tý là động tay động chân, hung hãn, côn đồ, lại còn đánh cả trẻ con thế này đây...Hôm trước đã đánh người bị xử phạt vi phạm hành chính rồi mà vẫn không chừa, đúng là…!
Anh An: Mà nào chuyện có gì đâu bác, cháu nó kể là đang chạy bộ tập thể dục, chỉ là chẳng may va phải nó nên làm rơi cái điện thoại.
Thành (sụt sịt): Anh ấy cứ bắt đền cháu mà cháu bảo cháu chỉ vô ý thôi, thế là anh ấy tiện tay đang cầm cái mũ bảo biểm đánh cháu luôn.
Anh An: Nó đánh luôn à? Bố láo bố toét. Để cậu ra cho nó một trận. Thằng trẻ con mà cũng đánh, thật không ra cái thể thống gì nữa.
Chị Bích: Cái anh này, làm gì mà anh cứ xồn xồn lên thế, có giải quyết gì đâu. Bây giờ anh đánh nó thế rồi nó bị làm sao thì có phải anh đi tù mọt gông không?
Bác Trường: Cô Bích nói như vậy là phải đấy chú An à, từ từ rồi sẽ có cách giải quyết. Thằng Tiến “vạ” này thì ai chả biết là chuyên gây sự, đánh người vô cớ rồi. Dây vào nó là rách việc, nhưng mà có bằng chứng rõ ràng như thế này là phải hành động thôi chứ nếu không thì còn gì là kỷ cương trật tự nữa cô chú ạ.
Chị Bích: Anh nghe bác Trường nói thế có phải là hợp lý không? Bây giờ vợ chồng em nghe bác, có gì bác chỉ bảo cho chúng em để xử lý thằng Tiến “vạ” theo pháp luật.
Bác Trường: May quá mấy hôm trước tôi được lên trên huyện quán triệt và phổ biến các quy định mới về Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017). Trước hết cô chú phải hết sức bình tĩnh. Bây giờ phải đưa ngay cháu Thành đi giám định thương tích, xong rồi mình báo công an hoặc Viện kiểm sát để kiến nghị xử lý cho đến nơi đến chốn. Lúc đấy pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh.
Anh An: Em nghe nói thương tích phải từ 11% trở lên thì mới báo công an xử lý được phải không bác?
Thành: Bác ơi, cháu sợ bị trả thù lắm, với lại cháu cũng chỉ bị nó dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu mấy cái thôi. Chắc cháu cũng chỉ bị thương tích sơ sơ, mấy phần trăm thôi ạ.
Chị Bích: Thương tích mấy phần trăm thì mình cũng phải đề nghị xử lý. May mà nó không dùng hung khí.
Anh An: Hung khí nguy hiểm sao? Chỉ là cái mũ bảo hiểm, tôi lại cứ tưởng cứ phải dao, kiếm, súng, đạn gì đấy thì mới bảo là hung khí nguy hiểm?
Bác Trường: Hôm trước tôi được tập huấn thì biết rằng bất cứ dụng cụ, công cụ trong sinh hoạt mà được người khác dùng để tấn công, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người khác đều có thể coi là hung khí nguy hiểm.
Anh An: Bác đã nói vậy thì không chần chừ gì nữa, phải đi báo công an ngay thôi. Chị Bích: Tội này được pháp luật quy định như thế nào hả bác? Bác Trường: Tôi nhớ là tội này được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp pháp luật quy định thì vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng quy định các khung hình phạt khác tương ứng với mức độ của hành vi phạm tội.
Chị An: Đó là trường hợp này hả bác?
Bác Trường: Trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như….. Nói rồi, bác Trường lấy Bộ luật Hình sự mang theo người ra và đọc các trường hợp: Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; có tính chất côn đồ; đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhé.Anh An: Em thấy trong trường hợp cháu Thành nhà em, cho dù giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể có thể dưới 11% nhưng thằng Tiến “vạ” đã dùng hung khí nguy hiểm, cháu Thành nhà em lại là người dưới 16 tuổi, vậy là có cơ sở chắc chắn để trình báo công an xử lý nó rồi bác nhỉ.Bác Trường: Tôi đồng ý với cô chú! Phải xử lý vụ này cho triệt để.
Chị Bích: Tội này có thể bị xử lý thế nào hả bác?
Bác Trường: Tùy theo tính chất hoặc mức độ của hành vi phạm tội mà Tòa án áp dụng khung hình phạt cụ thể; trường hợp nhẹ nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; nặng nhất là có thể tù chung thân đó cô chú!
Sau đó, anh An chị Bích đi báo công an và đưa cháu Thành lên bệnh viện để giám định tỷ lệ thương tật. Mọi người quyết tâm phải đòi lại công bằng cho cháu Thành.
Văn bản sử dụng: Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;đ) Có tổ chức;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i) Có tính chất côn đồ;
k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:a) Làm chết người;
b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.
6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”