(ĐSPL) - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của việc lấy ý kiến của bà con Việt kiều về Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Chiều nay 15/7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong – Hà Nội) đã diễn ra buổi lễ công bố Nghi quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến dân sự về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Phát biểu trong buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tầm quan trọng của Bộ luật Hình sự trong vấn đề quyền con người, quyền công dân, phát triển kinh tế, xã hội…
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Với tầm quan trọng của Bộ luật này, Chính phủ đã thảo luận và trình Thường vụ Quốc hội, xin phép lấy ý kiến nhân dân và Thường vụ QH đã chấp thuận. Thời gian bắt đầu lấy ý kiến từ hôm nay 15/9, sau đó tổng hợp để báo cáo Quốc hội để trình ra kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII.”
Với tính khẩn trương của công việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 5 yêu cầu trong việc lấy ý kiến dân sự về dự thảo Bộ luật Hình sự:
“Thứ nhất, phạm vi đưa ra là công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài tham gia ý kiến, việc lấy ý kiến của bà con Việt kiều là rất quan trọng, càng lấy được nhiều ý kiến càng tốt”.
Thứ hai là đảm bảo khoa học, tiến độ, đảm bảo hiệu quả, có được nhiều ý kiến tốt, tiết kiệm…
Thứ ba, các Bộ ngành, các cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, cơ quan địa phương nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Quốc Hội và Quyết định của Chính phủ.
Đề nghị Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao có kế hoạch lấy ý kiến rộng rãi trong toàn ngành vì đây là 2 ngành áp dụng BLHS nhiều nhất.
Các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội nghề nghiệp triển khai kế hoạch này. Đặc biệt các tổ chức chuyên môn như Liên đoàn Luật sư, Hội Luật gia…
Thứ tư, Cơ quan báo chí và các đơn vị truyền thông dành thời lượng cần thiết để thông tin về kế hoạch này, đa dạng hóa hình thức thông tin.
Thứ năm, khi lấy ý kiến nhiều, các cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp mà tổng hợp không đầy đủ, không chính xác, không khoa học thì sẽ không có hiệu quả, vì vậy đề nghị nghiêm túc tiếp thu ý kiến nhân dân.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định 1076 ban hành Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến người dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Thời gian từ ngày 15/7 đến 20/9.
Người dân được mời tham gia đóng góp ý kiến về nhiều vấn đề mới, sửa đổi của dự luật. Trong đó trọng tâm là đề xuất bỏ hình phạt tử hình ở 7 tội danh (cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy).
Dự thảo cũng đề cập quy định không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình trong một số trường hợp; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn...
Bộ Tư pháp cho hay ý kiến đóng góp của người dân về dự thảo bộ luật lớn này sẽ được tổng hợp đầy đủ, chính xác làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 10, khóa XIII.
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp...
Ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo này gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tư pháp theo địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: [email protected]. Cá nhân gửi ý kiến góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện không phải dán tem.
XUÂN TÙNG – HẢI ĐĂNG