Không diệt được con cọp, lại nghe ở bản bên cạnh vừa có người bị hổ vồ, ăn hết cả xác, nên dân bản đã cử mấy người về sâu trong nội địa, nhờ các đơn vị bộ đội cử người lên giết hổ.
Quá 6 giờ tối, bóng đêm đã bao phủ khắp nơi, mà hai bà cháu vẫn chưa thấy về, trong khi tiếng "uồm uồm" của cọp vang lên từ phía cánh rừng nơi có nương ngô nhà ông, khiến lòng ông Chang Gô Chừ (bản Leng Su Sìn, Mường Nhé, Điện Biên) như có lửa đốt.
Sốt ruột quá, ông gọi mọi người vào rừng tìm kiếm và ông Chừ đã khóc rống lên khi thấy con hổ vằn khổng lồ, thân to như con ngựa, đang ăn xác con gái mình. Cách chỗ nó ngồi ăn xác bé Sừ vài mét, ngay mép suối là xác bà Pơ, nằm bất động với máu me đầy người, không có mảnh vải che thân.
Lúc đó, như lên cơn điên, ông Chừ vác dao xông đến chém hổ. Thấy đông người, con hổ chạy vào rừng già, bỏ lại những tiếng “uồm, uồm” vang động cả rừng già.
Nhìn cảnh tượng hãi hùng vấy máu ấy, mọi người đoán con hổ đã bắt hai bà cháu trước đó một đến hai tiếng.
Ngã ba biên giới. |
Theo như phán đoán, lấy củi xong, bà Pơ cởi quần áo xuống khe tắm, còn bé Sừ ở trên bờ. Con hổ từ rừng mò ra đã vồ cháu Sừ.
Bà Pơ thấy hổ vồ cháu, đã từ suối chạy lên, không kịp mặc quần áo để đuổi hổ. Thế nhưng, con hổ khổng lồ, hung dữ đã giết nốt bà.
Nhìn cảnh tượng con gái chỉ còn nửa thân trên, ông Chừ như muốn ngất xỉu. Ông cởi chiếc áo đang mặc đắp cho con gái.
Người Hà Nhì ở ngã ba biên giới có phong tục, nếu ai bị hổ vồ, mà lấy lại được xác, thì chôn tại chỗ bị hổ vồ. Nếu chỉ còn dấu tích, vài mẩu xương, nắm tóc thì đắp mộ tại đó. Người Hà Nhì tin rằng, nếu người bị hổ vồ, thì linh hồn sẽ thành con ma và về nhà bắt người tiếp.
Ông Chang Gô Chừ chỉ phía cánh rừng, nơi mẹ và con gái ông bị hổ giết hại. |
Không chỉ người Hà Nhì, mà nhiều dân tộc khác vẫn tin rằng, khi hổ ăn thịt ai, thì linh hồn người đó sẽ bị con hổ điều khiển, biến thành tay sai cho nó. Những linh hồn ấy sẽ đi theo, hầu hạ, canh giấc cho hổ. Khi hổ đói, thì các linh hồn dẫn hổ đi tìm người để ăn thịt.
Thậm chí, những linh hồn đó còn dẫn dụ con người đi vào rừng, hoặc làm cho những người đi rừng mất vía mà quên lối về, cứ quẩn quanh không tìm được đường ra khỏi rừng, để rồi hổ bắt ăn thịt. Chỉ khi nào linh hồn ấy giúp hổ bắt được người, thì mới được đi đầu thai, thoát khỏi cảnh hầu hạ hổ.
[mecloud]GdAp3Z0YL4[/mecloud]
Người Hà Nhì ở ngã ba biên giới cũng tin vào những câu chuyện ly kỳ đó, nên chôn xác người bị hổ vồ xong, họ mời nhiều thầy cúng, làm nhiều lễ đuổi tà ma, đuổi cái xấu đi, không cho con ma về nhà nữa.
Ngày đó, chôn xong xác bà Pơ và cháu Sừ, hai con lợn to được mổ tại chỗ, rồi cúng bái đến trưa hôm sau mới xong. Để tưởng nhớ bà Pơ và bé Sừ, mọi người gọi luôn khe nước mát lành đổ ra con suối Chung Chải là khe Hai Bà Cháu.
Ông Chang Gô Chừ. |
Con cọp lớn ăn thịt cả hai bà cháu đã gây nên sự căm phẫn tột độ. Các cụ già Hà Nhì trong bản họp dân lại bàn cách tiêu diệt nó. Con hổ này ăn thịt người quen rồi, nên nó không chịu ăn các con mồi khác nữa, mà chỉ tìm cách rình vồ người. Chính vì thế, nó cứ quẩn quanh ở bìa rừng, nơi có người ở. Theo lời đồn, thì đã có cả chục người ở vùng ngã ba biên giới bị nó ăn thịt.
Mấy nhóm thợ săn trong bản được phân công dắt dê, lợn vào rừng làm mồi nhử, đặt bẫy khắp nơi nhằm diệt con cọp dữ thích ăn thịt người đó. Tuy nhiên, con cọp tinh ranh quá, nên không trúng bẫy bao giờ.
Không diệt được con cọp, lại nghe ở bản bên cạnh vừa có người bị hổ vồ, ăn hết cả xác, nên dân bản đã cử mấy người về sâu trong nội địa, nhờ các đơn vị bộ đội cử người lên giết hổ.
Nhận được tin báo của bà con, một đơn vị bộ đội và biên phòng được cử lên Leng Su Sìn, với chó săn, súng ống đầy đủ.
Nghe tiếng con cọp "à uôm", thì chó săn được xua vào rừng sục xạo. Con cọp này đã vồ luôn một con chó săn và ăn sạch sẽ, chỉ để lại một nhúm lông với vài mẩu xương. Chú chó săn còn lại bỏ chạy, mất hết hồn vía, không dám vào rừng nữa.
Mặc dù, con hổ vẫn quanh quẩn ở cánh rừng Leng Su Sìn, nhưng không tài nào bắn được, nó cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong cánh rừng già, như trêu ngươi những chuyên gia diệt hổ.
Khe nước nơi bà Pơ và cháu Sừ bị hổ ăn thịt giờ có tên là khe Hai Bà Cháu. |
Thợ săn hổ tài ba Pờ Xì Tài, cao 1,9m, nặng hơn tạ, là người từng bắn chết cả chục hổ ở ngã ba biên giới cũng vào rừng săn lùng con hổ này theo lời mời của dân bản Leng Su Sìn. Thế nhưng, ông Pờ Xì Tài cũng không bắn được nó.
Phải mấy tháng sau, ông Hoàng Kim Nhung, là bộ đội phục viên, lấy vợ ở Chung Chải, mới tiêu diệt được con hổ này. Theo kể lại, thì ông Nhung đã liều mạng lấy thân mình làm mồi nhử để giết con cọp.
Khi bóng đêm bao trùm khắp ngả, trăng lên khỏi đỉnh núi, ông giấu súng trong áo, rồi mắc võng nằm giả ngủ trong cánh rừng nơi con cọp đang ẩn thân. Con cọp mò đến, vừa định xông vào vồ, thì ông giương súng xả nguyên loạt đạn khiến nó chết tại chỗ.
Con hổ bị bắn chết, dân bản Leng Su Sìn hò nhau vào rừng khiêng về. Xác con hổ to như con ngựa, nặng hơn 2 tạ được đặt giữa bãi đất trống. Thầy cúng đọc thần chú để những linh hồn người bị nó ăn thịt được siêu thoát.
Cúng xong, cả bản xẻ thịt con hổ, ăn sạch thịt con hổ dữ này để báo thù cho hai bà cháu.
Bản Nậm Pắc (xã Chung Chải), chỗ giáp ranh xã Mường Nhé có một con dốc có tên Dốc Hổ, bởi tại con dốc đó, hổ đã vồ hơn 10 người ăn thịt. Tại bản Nậm Khung (xã Tà Tổng) có bà Chang Hà Sa vừa lấy chồng, sinh được một người con gái, thì chồng bị hổ vồ. Hồi đó, khoảng năm 1980, con hổ dữ đã mò về tận bản vồ chồng bà. Mọi người xông đến cứu, nhưng ông bị nó cắn đứt họng, nên một lát sau thì tắt thở. Bà Sa lấy tiếp chồng nữa, và sinh tiếp với người chồng thứ 2 cô con gái. Ông này thấy con hổ mò về bản, liền vác cung tên bắn. Chẳng biết mũi tên có trúng đích không, nhưng con hổ xông đến vả vỡ toác đầu ông. Mọi người làm cáng, khiêng xuống tận Mường Nhé điều trị. Nằm bệnh xá thời gian, thì gia đình đưa về, vì nặng quá. Về nhà vài ngày thì ông tắt thở. Sau bà Sa ở vậy, nuôi hai con. |
Còn tiếp...