(ĐSPL) - Ghi nhận ý kiến từ nhiều ĐBQH, đối với việc làm có ý nghĩa như vậy thì QH cần phải làm thường xuyên hơn nữa.
Các đại biểu bỏ phiếu đánh giá sự tín nhiệm các chức danh do QH bầu vào sáng 15/11/2014. |
Nhiều ĐBQH và cử tri cho rằng, sau khi lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh được Quốc hội (QH) bầu (thường là các “tư lệnh ngành”) thì những vị này đều đã nhận thức rõ ưu, khuyết điểm của mình để phấn đấu, nỗ lực, quyết tâm thực thi trách nhiệm một cách tốt hơn. Và những hiệu quả thực tế phần nào đã được cử tri cả nước ghi nhận.
Tuy nhiên, theo quy định trong dự thảo luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, việc lấy phiếu tín nhiệm lại không phải là việc làm thường kỳ hay thường xuyên.
Chuyển biến sau lấy phiếu tín nhiệm
Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã cho ý kiến về hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm (trong dự thảo luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND).
Qua thời gian thảo luận, nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật khi cho rằng, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Như vậy, QH sẽ chỉ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do QH bầu 1 lần/nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 3. Ghi nhận ý kiến từ nhiều ĐBQH, đối với việc làm có ý nghĩa như vậy thì QH cần phải làm thường xuyên hơn nữa.
Thực tế là cử tri cả nước đều ghi nhận sự tiến bộ, thay đổi của những vị “tư lệnh ngành” sau mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm và coi đây là hình thức giám sát rất hiệu quả. Một ví dụ rất điển hình là trong lĩnh vực y tế. Sau khi công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm, Bộ trưởng bộ Y tế nhận phiếu “tín nhiệm thấp” nhiều nhất với 192/485 phiếu.
Nhưng cũng nhờ đó mà vị “tư lệnh ngành” này đã có những chỉ đạo công việc sát sao hơn, quyết liệt hơn. Ngành y tế cũng có những chuyển biến rõ hơn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, thái độ phục vụ bệnh nhân, thanh, kiểm tra xử lý những trường hợp sai phạm...
Cụ thể nhất là vụ một công ty Mỹ hối lộ quan chức ngành y trong nhiều năm để giành hợp đồng diễn ra vào cuối năm 2014, lãnh đạo bộ Y tế đã có những phản ứng rất kịp thời, chỉ đạo ngay ngành phải kiểm tra, rồi lập tức có công văn gửi cho Bộ trưởng bộ Công an, sau đó phối hợp với đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, để phối hợp điều tra.
Bên cạnh đó là những chuyển biến tích cực của ngành y tế trong gần một năm trở lại đây đã đem lại niềm tin cho cử tri cả nước về những cố gắng của vị “tư lệnh ngành” này. Đây cũng là thực tế của nhiều ngành khác như: Giao thông vận tải, ngân hàng, nông nghiệp...
ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Đại biểu TP. Hà Nội) |
Việc hay nên làm thường xuyên
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Đại biểu TP.Hà Nội) cho biết: “Trước hết cần phải khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu là rất tốt và rất có tác dụng, hiệu quả. Chính điều này đã tạo đà chuyển biến của các vị trưởng ngành. Vì họ có dịp nhìn lại các quá trình của mình và thông qua những lá phiếu, các đồng chí có thể tự đánh giá mình, từ đó có sự biến chuyển.
Thứ nữa, thông qua những lá phiếu tín nhiệm đó, nó thể hiện sự đánh giá của ĐBQH, tức là đánh giá của nhân dân, cử tri cả nước nên việc này tạo đà chung cho sự thúc đẩy phát triển các ngành. Tôi đã từng phát biểu rằng, không nên chỉ lấy phiếu tín nhiệm đầu nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ mà cần tăng tần suất lên. Chúng ta không hề mất thời gian.
Nếu không được 1 năm 1 lần thì ít nhất trong nhiệm kỳ cũng phải 3 lần. Chính việc lấy phiếu tín nhiệm đã làm cho các ngành có đột phá theo hướng tốt. Vậy thì tại sao chúng ta không đẩy mạnh việc tốt này?”.
Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì nhìn vào sự chuyển biến của các ngành như: Giao thông vận tải, ngân hàng, y tế... sau hơn một năm lấy phiếu tín nhiệm, mọi người hoàn toàn có thể đánh giá được hiệu quả của việc lấy phiếu này.
Tuy nhiên, ông cho rằng chỉ nên xem đây là một kênh phản ánh mà thôi: “Còn lại mỗi một người trong quá trình đấy thì phải tự nhận trách nhiệm xem mình đã hoàn thành được nhiệm vụ chưa. Đừng nên câu nệ quá vào việc bỏ phiếu xong, rồi không làm được gì trong nhiệm kỳ thì nó thành không hay”.
Cần phát huy các công cụ giám sát có sức mạnh đặc biệt này
ĐBQH Phạm Văn Tấn (đoàn Đại biểu tỉnh Nghệ An) đề xuất: “Trong các kỳ họp tới, Quốc hội cần phát huy các công cụ giám sát có sức mạnh đặc biệt như lấy phiếu tín nhiệm hay chất vấn này. Nếu chúng ta thực hiện một cách quyết liệt và chặt chẽ hơn, tạo ra cơ chế trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan thì hiệu quả làm việc của các bộ, ngành sẽ được cải thiện. Điều này đã được thực tế chứng minh”.
Phải có sự giám sát hậu chất vấn
ĐBQH Bùi Thị An cho rằng: “Sau mỗi buổi chất vấn, khi có kết luận của Thường vụ Quốc hội thì phải có sự giám sát, thậm chí giám sát giữa kỳ xem các đồng chí trưởng ngành làm được những gì.
Và nếu được, cuối nhiệm kỳ các vị tư lệnh ngành cũng phải có tổng kết đánh giá việc thực hiện lời hứa trước đó của mình xem mình làm được cái gì, chưa làm được cái gì, vì sao? Để những người khi đảm nhận trách nhiệm thấy rằng lời hứa không hề dễ dàng, phải cân nhắc rất kỹ bởi những lời của họ là hứa trước QH, trước nhân dân.
Thực tế là có nhiều vị tư lệnh ngành đã thực hiện được lời hứa nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều đồng chí thực hiện chưa tốt. Tôi nghĩ chúng ta cần phải minh bạch, ai làm tốt, ai làm chưa tốt cũng phải công khai để cho dân rõ. Tôi cho rằng, đánh giá của dân, của cử tri vẫn tạo áp lực ghê gớm nhất lên những vị trưởng ngành. Vì thế nếu giám sát tốt, tình hình nhất định sẽ có những chuyển biến tích cực”.
Nên mở rộng đối tượng, thành phần chất vấn
Ông Lê Văn Giảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết: “Muốn tăng cường khả năng giám sát của Quốc hội cũng như HĐND, theo tôi nên mở rộng thành phần, đối tượng chất vấn. Thực tế là chúng ta hiện nay vẫn chủ yếu chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh chứ không phải là tất cả.
Hơn nữa về thành phần chất vấn thì hiện nay vẫn do các Đại biểu Quốc hội trong hội trường chất vấn với nhau thôi. Nhưng tôi thấy ở nhiều nước, người dân có quyền chất vấn trực tiếp những vấn đề họ quan tâm.
Có vẻ như ở ta hiện nay, vấn đề chất vấn được hiểu theo nghĩa hơi nặng nề cho người chất vấn nên vô tình tạo ra những gánh nặng và áp lực nhất định. Bản chất của việc chất vấn là hỏi và làm rõ vấn đề để chỉ ra cái được và chưa được trong công việc. Thông qua đó giúp cho những người lãnh đạo bộ, ngành có hướng điều chỉnh phù hợp để công việc đó được tốt lên”.
Cần thường xuyên lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Nếu chúng ta tăng tần suất việc lấy phiếu tín nhiệm một số chức danh là việc quá tốt. Ở nhiều nước thì việc lấy phiếu tín nhiệm là hết sức thường xuyên. Nó thể hiện sự đánh giá năng lực lãnh đạo, sự tín nhiệm của Quốc hội, người dân với chức danh đó. Nhờ vậy nó tạo ra áp lực để vị tư lệnh đó nỗ lực hơn nữa, có trách nhiệm hơn nữa trong vai trò, vị trí của mình.
Nếu cứ như hiện nay, tôi thấy nhiều vị bộ trưởng hứa với Quốc hội nhưng cuối cùng lại không thực hiện tốt lời hứa của mình. Lúc đó thì hết nhiệm kỳ rồi, người ta cũng không chịu trách nhiệm về những lời hứa đó nữa. Vì thế muốn tăng tính giám sát của Quốc hội, tôi cho rằng cần phải thường xuyên thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm (ít nhất là 1 năm 1 lần). Có như vậy hiệu quả giám sát mới được cải thiện”.
PHẠM THIỆU – K.NGÂN
Xem thêm video:
[mecloud]YCEo5sGz7o[/mecloud]