(ĐSPL) - Nhân viên khách sạn làm thất lạc chứng minh thư của cô gái, trong lúc nữ nhân viên đi tìm ông Ngọc đã trộm chiếc túi xách bên trong có 80 triệu và 1 chiếc điện thoại.
Theo báo Tiền Phong, ngày 28/11, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn An Ngọc (SN 1969, ở Liên Chiểu, Đà Nẵng) về tội trộm cắp tài sản. Trước đó, ông Ngọc bị TAND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tuyên phạt 6 tháng tù treo về tội danh trên, bị hại trong vụ án kháng cáo.
Bị cáo Nguyễn An Ngọc tại tòa phúc thẩm - Ảnh: báo Tiền Phong |
Báo An ninh thủ đô thông tin, ngày 27/9, TAND quận Hoàn Kiếm xác định, sau khi thuê phòng nghỉ tại một khách sạn ở khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm, trưa 1/1/2015, Nguyễn An Ngọc cùng con gái 19 tuổi thanh toán và trả tiền phòng. Tuy nhiên, do nhân viên của chị Đặng Hương Mai (quản lý khách sạn) làm thất lạc chứng minh nhân dân của khách nên quản lý khách sạn phải tìm kiếm.
Cùng thời điểm, chị Mai để túi xách tay bên trong có 80 triệu đồng cùng chiếc điện thoại (trị giá 4,4 triệu đồng) tại quầy lễ tân. Thấy quản lý khách sạn đang đi tìm giấy tờ tùy thân cho khách, Ngọc liền lấy trộm chiếc điện thoại của chị Mai, rồi cùng con gái nhanh chóng “biến mất”.
Quá trình điều tra và sau gần 6 tháng sử dụng chiếc điện thoại trộm cắp, Ngọc mới chịu giao nộp tang vật vụ án cho cơ quan công an. Với hành vi này, Tòa án quận Hoàn Kiếm cho rằng bị cáo chỉ lấy trộm chiếc điện thoại nên chỉ xử phạt Ngọc 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản” và cho hưởng án treo.
Cũng theo báo Tiền Phong, không đồng tình với bản án sơ thẩm, chị Mai kháng cáo toàn bộ nội dung bản án. tại tòa phúc thẩm, chị Mai cho biết tòa sơ thẩm xử lần 1 vắng mặt chị trong khi chị có đơn nên vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Biên bản của CQĐT cũng không đề cập đến ổ cứng camera, không xem xét việc ông Ngọc có đồng phạm hay không.
Phía bị hại cũng nộp USB chứa clip bằng chứng nhưng CQĐT không xem xét. Luật sư của chị Mai cho rằng vụ án vi phạm tố tụng một cách nghiêm trọng, điều tra có sai sót.
Đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa cũng đồng ý với ý kiến luật sư, đề nghị tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm. Phía bị cáo có mặt tại tòa đề nghị giữ nguyên bản án.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định chấp nhận kháng cáo của bị hại, tuyên hủy án sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
PHƯƠNG ANH (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]U9SBZNTg0W[/mecloud]