Hãng tin CNN dẫn thông tin mới nhất từ một quan chức giấu tên của Ukraine cho biết, báo cáo được gửi đến Lầu Năm Góc bao gồm cả số lượng bom chùm đã bắn và số mục tiêu Nga bị phá hủy. Tuy nhiên, người này không nêu rõ con số chính xác.
Theo đó, bản báo cáo này được gửi đi theo cầu của Mỹ trong thỏa thuận cung cấp đạn pháo và bom chùm (hay còn gọi là DPICM) cho Ukraine được thực hiện hồi tháng 7. Trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cũng từng chia sẻ rằng ông đang lên kế hoạch gửi bản báo cáo về bom chùm cho người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin.
Như đã đưa tin trước đó, ngày 7/7, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã quyết định cung cấp hàng nghìn quả bom chùm cho chính quyền Kiev trong gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD để sử dụng trong xung đột Nga - Ukraine. Quyết định này đã lập tức vấp phải nhiều tranh cãi do loại vũ khí này có khả năng gây sát thương cao với người dân.
Bom chùm có thể bắn từ các khẩu lựu pháo 155mm và mang tới 88 quả bom con trong khoang chứa, mỗi quả bom con có tầm sát thương là 10m2. Như vậy, một quả bom trùm có thể phát tán hỏa lực lên một diện tích rộng tới 30.000m2.
Ngoài ra, đạn chưa nổ từ loại bom trên cũng có thể gây ra mối đe dọa cho người dân ngay cả sau khi chiến sự kết thúc. Hiện bom trùm đang bị cấm sử dụng ở 120 quốc gia do tính sát thương cao.
Các quan chức Ukraine kỳ vọng rằng bom chùm sẽ hiệu quả hơn các loại đạn pháo tiêu chuẩn, đặc biệt khi đối phó với lực lượng và thiết bị quân sự lớn của Nga khi tiến hành chiến dịch phản công. Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby cũng từng nhấn mạnh rằng loại đạn này “có tác động đến cấu tạo đội hình phòng thủ của Nga”.
Tổng thống Ukraine tham gia lái tiêm kích F-16 mô phỏng
Ngay sau khi nhận được bom chùm, các lực lượng Ukraine đã sử dụng loại vũ khí này trong hàng loạt các đợt phản công trên nhiều mặt trận. Chiến thuật sử dụng bom chùm trên chiến trường đã thành công khiến quân đội Nga lúng túng và giúp Ukraine giành lại một số khu vực từng bị đối phương chiếm đóng trước đó.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal ngày 8/8 dẫn lời một chỉ huy quân đội Ukraine cho biết, bom chùm đang phát huy vai trò của chúng nhưng các lực lượng Nga cũng học hỏi rất nhanh và dường như đã tìm được cách hạn chế thiệt hại do bom chùm của Mỹ gây ra trên chiến trường.
Cụ thể, chỉ huy đại đội trinh sát Ukraine giải thích rằng quân đội Nga đã tiến hành đào các chiến hào sâu hơn 2m và dàn quân ra các khu vực rộng lớn để hạn chế tối đa tổn thất về nhân lực khi bị tập kích bằng bom chùm.
Phương Uyên(Theo CNN và Wall Street Journal)