+Aa-
    Zalo

    Lật tẩy trò tráo dầu sạch bằng dầu kém chất lượng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bí mật về thiết kế, cải tạo của các xe bồn chuyên dùng đánh tráo dầu sạch bằng dầu kém chất lượng vừa bị lực lượng Công an TP.HCM lật tẩy.

    (ĐSPL) - Bí mật về thiết kế, cải tạo của các xe bồn chuyên dùng đánh tráo dầu sạch bằng dầu kém chất lượng vừa bị lực lượng Công an TP.HCM lật tẩy.

    Phát hiện nhiều xe bồn chở dầu pha nước

    Như tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đưa từ trước, ngày 8/4/2014, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, công an quận 7 (TP.HCM) đã có kết luận về lượng dầu FO trong các xe bồn bị tạm giữ.

    Kết quả giám định hàm lượng nước cao gấp nhiều lần trong 4 xe bồn chở dầu FO bị công an bắt giữ. Ảnh: K.T.

    Trước đó, lúc 4h sáng ngày 18/3/2014, cảnh sát kinh tế công an quận 7 tiến hành kiểm tra hành chính 4 xe bồn mang BKS: 57K-5858, tài xế Đàm Đồng (ngụ quận 7); 57K-7812, tài xế Trịnh Việt Hùng (ngụ huyện Nhà Bè); 57L-5556, tài xế Trần Minh Hóa (ngụ quận 7) và 57L-2525, tài xế Nguyễn Quốc Việt (ngụ huyện Nhà Bè). Tại thời điểm bị kiểm tra, các tài xế không xuất trình được hoá đơn, chứng từ liên quan đến 16.000 lít dầu FO/xe nên công an đưa 4 xe về trụ sở công an quận tạm giữ để điều tra, xác minh làm rõ.

    Tại trụ sở công an, bước đầu tài xế khai nhận, các xe bồn nói trên của Công ty Hiệp Phát, đang vận chuyển dầu FO đi giao cho các doanh nghiệp ở KCN Mỹ Phước 1, Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát (Bình Dương).

    Đáng chú ý, sau khi lấy mẫu dầu của 4 xe đưa đi xét nghiệm, đến ngày 5/4, Công an quận 7 phát hiện 3 xe bồn (57K - 5858, 57K-7812, 57L-5556) chở dầu FO có hàm lượng nước từ 21,2 - 26,2\%, vượt 26 lần so với quy định và xe bồn 57L-2525 không có hóa đơn, không có niêm chì đúng theo quy định.

    "Công nghệ" rút dầu sạch, bơm dầu bẩn

    Báo Thanh niên thông tin thêm, sau đó, vụ việc được chuyển cho Công an TP.HCM thụ lý điều tra.

    Theo lời khai của Trần Minh Hóa (tài xế xe 57K-7812), Đàm Đồng (tài xế xe 57K-5858), chiều 17/3/2014, ông Danh yêu cầu Hóa, Đồng, Trịnh Văn Hùng (tài xế xe 57L-5556) điều khiển 3 xe bồn vào kho của Công ty P. để nhận 16.000 lít dầu FO mỗi xe, rồi vận chuyển về bãi ở số 398B Nguyễn Bình (ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè), do Công ty Hiệp Phát thuê, để đi giao vào sáng 18/3/2014.

    Thủ thuật chia bồn để tráo xăng dầu. (Ảnh: Báo Thanh niên).

    Sau khi nhận đủ dầu đưa về bãi, ông Danh chỉ đạo tài xế sử dụng ống bơm hút lấy 12.000 lít dầu của 3 xe (4.000 lít dầu/xe) từ hầm chứa 10.000 lít của mỗi xe bồn, đổ vào bồn chứa của bãi xe; sau đó, bơm trở lại 4.000 lít dầu kém chất lượng cho mỗi xe. Sáng 18/3/2014, trên đường đi giao hàng, cả 3 xe bị Công an quận 7 bắt giữ.

    Hùng khai nhận: Ngày 17/3/2014, trước khi đi nhận dầu từ Công ty PV Oil Sài Gòn để giao cho khách hàng ở Bình Dương, ông Danh điều Hùng lái xe bồn (BSK: 57K-5858) đến bãi xe (trên đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7) lấy 2.000 lít dầu mang về xả vào bồn ở bãi xe của Công ty Hiệp Phát. Sau buổi làm việc với công an, Hùng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú (hiện lực lượng công an đang truy tìm). Tuy nhiên, ông Danh không thừa nhận việc chỉ đạo tráo dầu như lời khai của các tài xế.

    Trong khi đó, lực lượng chức năng phát hiện cả 3 xe bị bắt giữ đều được cải tạo, thiết kế vách ngăn, van xả… bí mật để rút, tráo xăng dầu. Với thiết kế tinh vi, việc rút 4.000 lít xăng dầu sạch rồi bơm lại xăng dầu bẩn có thể thực hiện nhanh chóng.

    Cụ thể, xe bồn 57K-5858 có 3 hầm (hầm 1 có dung tích 2.000 lít, hầm 2 có dung tích 10.000 lít, hầm 3 có dung tích 4.000 lít). Hầm 2 được thiết kế 1 vách ngăn chia làm 2 khoang 4.000 lít và 6.000 lít. Trên vách ngăn này có 1 van khóa để thông 2 khoang với nhau, được thiết kế gắn với 1 con ốc bu lông lắp đặt trên thành bồn; khi vặn ốc vô thì van mở cho 2 khoang thông nhau, vặn ốc ra, van đóng ngăn cách 2 khoang lại.

    Rút dầu sạch, bơm dầu bẩn. (Ảnh: Báo Thanh niên).

    Ở dưới gầm xe có một bu lông được thiết kế nối với van xả bí mật ở vị trí khoang 4.000 lít của hầm số 2 (nối với ống dẫn dầu) để xả dầu từ hầm ra ngoài. Khi vặn ốc vào thì mở van xả để lấy dầu ra và bơm dầu ngược lại vào bồn, khi vặn ốc ra thì đóng van lại. Với thủ thuật này, khi vào kho nhận hàng thì khoang 4.000 lít và 6.000 lít trong hầm số 2 sẽ được mở van, thông với nhau sẵn.

    Khi tráo dầu, Đồng vặn bu lông gắn trên thành bồn để ngăn cách 2 khoang của hầm số 2, rồi vặn bu lông ở sắt xi dưới gầm xe để mở van, hút dầu sạch từ khoang 4.000 lít xuống bồn chứa tại bãi xe. Sau đó, Đồng bơm 4.000 lít dầu kém chất lượng từ bồn chứa ở bãi xe vào khoang 4.000 lít trong hầm số 2 lại.

    Bơm xong, Đồng vặn bu lông ở sắt xi để khóa van lại. Đến khi giao hàng cho khách, Đồng sẽ vặn con ốc bu lông gắn trên thành bồn để 2 khoang trong hầm số 2 thông nhau (4.000 lít xăng dầu kém chất lượng pha trộn với 6.000 lít xăng dầu sạch) để bơm đủ giao cho khách.

    Xe bồn 57K-7812 cũng được thiết kế van (khóa, mở) thông nhau giữa 2 khoang trong hầm số 2 nhưng được nối với sợi dây cáp bí mật nằm phía trên thành bồn. Nếu kéo sợi dây cáp này, 2 khoang sẽ thông nhau, thả sợi dây cáp ra là ngăn cách nhau.

    Riêng van xả được thiết kế bằng cần thắng tay đúng theo thiết kế xe, ngay cạnh ghế tài xế… Còn cần thắng thật được chế lại nằm dưới vô lăng. Tương tự, với xe bồn 57L-5556, bên trong hầm số 2 có một vách ngăn chắn sóng bằng kim loại; trên vách ngăn có 1 lỗ thông dầu (đường kính 8 cm) dẫn từ hầm này sang hầm bí mật, tại lỗ thông dầu có bộ phận đóng mở bí mật.

    Ngoài ra, trong quá trình điều tra, lực lượng công an còn phát hiện người cải tạo một trong số 3 xe bồn nói trên là Lê Tiến Đạt (34 tuổi, ngụ quận 7, chủ gara sửa chữa xe bồn trên đường Đào Trí, phường Phú Thuận, quận 7).

    Theo lời khai của Đạt, cuối năm 2009, ông Nguyễn Văn Dũng (là em ruột của ông Nguyễn Hữu Danh) đưa xe bồn 57K-7812 vào gara của Đạt sửa chữa lại. Trước khi cải tạo, bồn nguyên thủy của xe bồn này có 4 hầm (hầm số 1: 2.000 lít, hầm số 2: 4.000 lít, hầm số 3: 6.000 lít, hầm số 4: 4.000 lít), mỗi hầm được ngăn cách với nhau bằng vách ngăn kín. Mỗi hầm có 1 lỗ bơm dầu vào ở trên (có nắp đậy) và 1 van để bơm dầu ra ở phía dưới.

    Sau đó, Đạt cải tạo thành 3 hầm (hầm số 1: 2.000 lít, hầm số 2: 10.000 lít (chia thành 2 khoang: 4.000 lít và 6.000 lít), hầm số 3: 4.000 lít). Đạt cắt bỏ 1 nắp ở khoang 4.000 lít của hầm số 2, hàn kín lỗ bơm dầu vào và cắt bỏ van xả dầu ở khoang này. Đồng thời Đạt cắt lỗ trên vách ngăn giữa 2 khoang ở hầm số 2, làm thành vách chắn sóng trong hầm này. Đạt mang xe đi kiểm định, đo lường bồn, rồi chạy về lại gara.

    Đạt còn hàn 1 van vào phía dưới vách ngăn giữa 2 khoang hầm số 2, nối với 1 sợi dây cáp kéo lên thành bồn phía trên. Đồng thời, Đạt lắp 1 van ở đáy khoang 4.000 lít của hầm số 2, bí mật nối vào bơm xả dầu của xe và lắp ráp dây cáp nối với thắng tay… Tổng chi phí cải tạo trên là 20 triệu đồng. Đạt khai trong quá trình sửa chữa cải tạo xe bồn, từng gặp ông Danh vài lần đi cùng ông Dũng đến kiểm tra việc sửa chữa.

    Đến cuối năm 2014, Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án và đến nay đã khởi tố bị can và nhiều lần đề nghị bắt tạm giam những người liên quan nhưng cơ quan tố tụng vẫn chưa phê chuẩn.

    LINH SAN(Tổng hợp)

    Xem thêm video:

    [mecloud]sYMMcJubOx[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lat-tay-tro-trao-dau-sach-bang-dau-kem-chat-luong-a97549.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.