(ĐSPL)- Chán nghề chăn vịt, bỗng một ngày Lý Ngọc Tiên (SN 1970) tự nhận mình là "thần y" có thể chữa bách bệnh bằng chính gỗ rừng thượng ngàn.
PV báo Đời sống và Pháp luật đã có màn chứng kiến quy trình ban gỗ rừng ngoạn mục cứu nhân độ thế của vị "thần y" tự xưng này.
Cách khám bệnh kỳ lạ
Thấy có người lạ hỏi thăm đường vào nhà ông Tiên tại xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ, bà chủ quán phở ven đường nhanh miệng: "ở xa đến đúng không, định chữa bệnh gì, nếu tin vào cách chữa bệnh của ông ấy thì vào, không thì nên về đi. Bệnh viện thì không đến chữa, cứ kéo đến thằng chăn vịt". Rồi bà nói luôn: "Hai cô chú cứ đi thẳng, sau đó rẽ trái, đi hết đường nhựa rẽ sang con đường đất đỏ, sau đó thấy nhà ai nhiều xe máy, ô tô thì chính là nhà ông Tiên".
|
Chân dung "thần y" Tiên (vài năm về trước). |
Ngôi nhà hai tầng khang trang của Lý Ngọc Tiên dường như cũng mới xây dựng xong. Nhìn thấy chúng tôi, vợ "thần y" liến thoắng: "Còn hơn chục người nữa, hai em phải chờ đến chiều đấy, nhưng nếu hai em có tâm và tin tưởng vào phương thuốc nhà tôi thì cố gắng ngồi đợi, biết đâu hôm nay mát trời lại khám nhanh". Nhìn xung quanh chúng tôi, có gần hai chục người đang ngồi chờ, có những người đến từ sáng sớm mà chưa đến lượt. Một chị người Hưng Yên hỏi nhỏ: "Em đã đến đây lần nào chưa, có biết gì về phương thuốc của thầy chưa?". Sau cái lắc đầu của tôi, chị tiếp lời: "Thầy cao tay lắm, chẳng cần khám lâu, chỉ năm, ba phút là biết hết bệnh trong người mình. Ngày trước có một cô gái 24 tuổi ở Thạch Thất (Hà Nội) bị câm bẩm sinh, sau một thời gian dùng thuốc của thầy đã khỏi hẳn, có thể gọi tên bố mẹ". Khi tôi hỏi sao chị biết chuyện hay đến vậy. Chị cười bảo: "Tôi cũng chỉ nghe người ra kể lại thôi, chính vì vậy nên tôi cũng muốn lên để kiểm chứng mong gặp đúng thầy đúng thuốc".
Khoảng 11h đến lượt tôi được khám, "phòng khám" rộng khoảng hơn chục mét vuông, được xây tách biệt với ngôi nhà hai tầng. Thấy tôi "thần y" lớn giọng: "Từ đâu đến, đã lấy thuốc lần nào chưa?". Sau khi nhận được câu trả lời thỏa đáng của tôi, ông bắt tay vào "thăm khám" một cách nhanh chóng nhưng rất bài bản. "Thầy" bắt tôi quay lưng lại, xoa nhẹ vào lưng, nắn bóp hai bên eo rồi cầm chiếc lá rừng đã cuộn tròn quệt nhẹ vào sống lưng tôi. Sau đó "thầy" chỉ vào cổ, đầu và bụng tôi... Thấy tôi có vẻ lo ngại về cách khám bệnh kỳ lạ, "thầy" giải thích: "Ta chỉ vào đâu là chỗ ấy của cháu đang bị đau, đặt tiền rồi xuống lấy thuốc về uống". Nói rồi, "thần y" nhặt nhanh 20.000 đồng nhét vào túi và vẫy tay gọi người khác vào khám. Cứ thế mỗi bệnh nhân vào "thần y" chỉ sờ nắn một lúc là có thể liệt kê ra đủ thứ bệnh. Nhiều người khi nghe phán mặt tái xanh nhưng sau đó "thần y" lại trấn an họ: "Cứ yên tâm mà dùng thuốc của ta, không khỏi lên đây ta trả lại tiền, ta còn bồi thường cho". Những lời khẳng định chắc nịch khiến ai nấy cũng thở phào nhẹ nhõm.
Theo quan sát của phóng viên, thuốc chữa bệnh độ thế của "thần y" được chất đầy xưởng. Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi trong xưởng thuốc từng khúc gỗ nặng còn tươi nguyên, vứt lăn lóc trên nền đất. Hai thanh niên tuổi 18, 20 cầm búa, rìu dùng hết sức bổ khúc gỗ thành từng miếng mỏng rồi chuyển vào một gian nhà nhỏ gần đó. Cạnh đó vài ba người phụ nữ cần mẫn bốc những miếng gỗ nhỏ mới chặt vào túi ni lông chất thành đống, để "thần y" phát cho bệnh nhân.
|
Những gói thuốc được chất đống trong xưởng. |
Sau giấc mơ vàng "vịt biến thành tiên"
Cũng là một mô-típ rất xưa cũ để làm nên những con người tự xưng là đặc biệt, bà Liễu (một người dân) rỉ tai chúng tôi về câu chuyện của "thần y": "Một vài năm trước, ông Tiên nói với dân làng có người về báo mộng và đưa cho lá thuốc tiên chữa bệnh gì cũng khỏi, người trong giấc mơ còn dặn ông phải dùng thuốc này để "cứu nhân độ thế". Sau đó ông đem chữa cho một số người ở quê ngoại ở huyện Thạch Thất, Hà Nội bị thấp khớp, dạ dày lâu năm, đau lưng, ung thư. Không ngờ thuốc lại hiệu nghiệm, chữa người nào khỏi người ấy. Không chỉ có vậy, ông nói mình phải lấy cây gỗ rừng làm thuốc. Lâu dần, phương thuốc "tiên cho" có thể chữa bách bệnh, từ tứ chứng nan y cho tới những bệnh ngoài da như ghẻ, lở, hắc lào... chỉ bằng lá rừng và nước nấu từ cây dại. Bệnh nhân từ những tỉnh xa cứ ùn ùn kéo đến, chứ người dân quanh vùng không có ai đến cả".
Có lẽ "bụt chùa nhà không thiêng" nên người dân trong xã không ai đến nhà ông Tiên khám chữa bệnh. Khi hỏi, hầu hết người dân đều khẳng định ông Tiên chưa hề chữa khỏi cho bất kỳ một ai dù gần hay xa. Thuốc của ông Tiên cũng chỉ là mấy thứ cây trên rừng, là những thứ uống vào mát gan, người đi rừng cũng hay chặt về đun uống. Bà Liễu lắc đầu: "Vậy mà người khắp nơi ai cũng tin, có những ngày hơn chục ô tô ra vào, đông như đi hội. Ngày trước quanh nhà ông Tiên còn có dịch vụ ăn uống, ở trọ cho bệnh nhân ở xa".
|
Ông Phan Như ý, Chủ tịch UBND xã Yên Kiện. |
Theo ông Phan Như ý, Chủ tịch UBND xã Yên Kiện (Đoan Hùng, Phú Thọ): "Lý Ngọc Tiên mới chỉ học hết lớp 2, cũng không học qua bất kỳ trường lớp nào về đông y, y học cổ truyền. Trong gia đình cũng không có ai làm nghề bốc thuốc. Nếu nói về một chút liên quan đến nghề bốc thuốc nam thì bà nội của ông Tiên cũng có biết một vài bài thuốc chữa ngứa đơn giản từ lá cây rừng. Nhưng bài đó, dân gian ai cũng biết, hơn nữa, bà đã mất từ lâu. Vài năm trước, chúng tôi cũng khá bất ngờ vì có nhiều người lạ đến, họ đi ô tô, xe máy ra vào làng tấp nập. Chúng tôi cũng đã cho người đến kiểm tra và yêu cầu ông Tiên dừng việc khám chữa bệnh. Nhưng tâm lý chung của người dân có bệnh vái tứ phương, họ yêu cầu ông Tiên khám chữa bệnh. Trong thời gian tới, xã sẽ siết chặt quản lý hơn, nếu ông Tiên không dừng hẳn việc làm của mình lại xã sẽ có biện pháp xử lý thật nặng".
Trăm bệnh, một cách chữa
Một số người quá tin vào "thần y" Tiên được ăn "lộc giời", cứu nhân độ thế, đã kéo đến nhờ chữa trị. Đặc biệt những loại bệnh nan y "thần y" đều chữa bằng thứ "thần dược" tự tay bào chế từ những cây gỗ. Đặc biệt, với tâm lý chỉ phải trả 20.000 đồng, bệnh nhân uống trong vòng 10 ngày là có thể khỏi bệnh. Khi người bệnh đến không cần nói năng gì, "thần y" chỉ sờ vào lưng là biết bệnh, sau đó cho thuốc uống là khỏi ngay khiến nhiều bệnh nhân mê muội, lao vào mà không biết thực hư, tác dụng đến đâu?!
Những người đến chữa bệnh do mê tín, duy tâm ông Phan Như ý cũng khẳng định: "Nhiều lần xã đã báo cáo lên huyện kiểm tra thứ thuốc mà ông Tiên đang dùng để chữa bệnh gồm ba vị là cây đáng trắng (thuộc họ ngũ da bì), cây ớt rừng, cây lúc lác. Về mặt y dược học, những cây này không gây độc hại nhưng chỉ có tác dụng mát máu, nhuận tràng, là những thuốc thông thường, không có tác dụng chữa nhiều loại bệnh. Có thể những người đến đây chữa bệnh là do mê tín, duy tâm". |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lat-tay-tro-bip-cua-ga-chan-vit-tu-xung-than-y-cuu-nhan-do-the-a49835.html