(ĐSPL) - Ngày 15/12, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) đang tạm giữ hình sự Trần Hoàng Sơn (67 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) và Trần Thị Mỹ Lệ (55 tuổi, ngụ TP Cần Thơ).
Theo báo Tri thức trực tuyến, cả hai bị điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khi tráo vàng thật đổi vàng giả, xảy ra tại thị trấn Phong Điền.
Tang vật thu giữ. Ảnh: báo Tri thức trực tuyến |
Báo Thanh niên thông tin, trước đó ngày 11/12, Sơn và Lệ bàn bạc với nhau để vào khu vực thị trấn Phong Điền (H.Phong Điền) để lừa đảo. Cả hai đến trước tiệm vàng Đức Tín, rồi quan sát những người dân bên trong chợ. Khi nhìn thấy anh Trần Văn Huynh (47 tuổi, ngụ xã Tân Thới) đạp xe đạp chở con gái có đeo nhẫn vàng nên tiếp cận.
Lê và Sơn cho anh Huynh biết là hai người đang cần mua bán 2 miếng vàng SJC, nhờ chứng kiến việc giao dịch và sẽ cho số tiền 3 triệu đồng.
Tưởng thật, anh Huynh đồng đi cùng Sơn và Lệ ra phía sau khu Thương mại huyện Phong Điền. Lúc này Lệ lấy chiếc lắc và 2 chiếc nhẫn vàng đưa cho Sơn. Ngược lại, Sơn đưa cho Lệ 2 thẻ vàng có ký hiệu 9999. Lệ nói với anh Huynh do vàng của mình không đủ so với số vàng của Sơn, nhờ anh Huynh đưa chiếc nhẫn vàng đang đeo trên tay để bù. Sau đó, Lệ sẽ dẫn Huynh đến tiệm vàng bán vàng và mua chiếc nhẫn khác bù lại và trả thêm 3 triệu đồng.
Anh Huynh đồng ý đưa chiếc nhẫn cho Lệ để đưa cho Sơn. Nhận xong chiếc nhẫn, Sơn bỏ đi thì anh Huynh nghi ngờ bị lừa đảo nên giữ Lệ lại và tri hô người dân bắt giữ.
Tại cơ quan Công an, Lệ và Sơn thừa nhận việc lừa đảo. Theo cơ quan điều tra, đây là thủ đoạn lừa đảo không mới và thường xảy ra tại các thành phố lớn nhưng với người dân vùng quê, vẫn còn nhiều người cả tin. Các đối tượng lừa đảo, đánh vào lòng tham của người dân để tráo vàng giả lấy vàng thật rồi bỏ trốn.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |