(ĐSPL) - Trên các mạng xã hội, đặc biệt là facebook cũng như một số trang rao vặt, nhiều đối tượng đang ngang nhiên rao, thực hiện các giao dịch liên quan đến mua bán tiền giả. Thậm chí, có đối tượng còn nhận in tiền giả giống như thật. Thế nhưng, theo cảnh báo của các cơ quan có thẩm quyền, đây thực chất là chiêu bài của các đối tượng lừa đảo.
Chào giá 1 ăn 5
Trong vai người có nhu cầu thực hiện một số giao dịch liên quan đến tiền thật – giả, PV báo ĐS&PL đã nhập cuộc để tìm mối. Tuy nhiên, trong hàng trăm điểm bán trên mạng, rất nhiều trong số đó không liên lạc được hoặc yêu cầu để lại email, số điện thoại để họ liên lạc lại. May mắn, PV liên hệ được với 2 địa chỉ mà dân buôn bán tiền giả cho là uy tín và “thật” nhất, là trang Lê Thị Thu Thảo và Ly Phan. Trang này thông tin là chuyên bán tiền giả.
Khi liên hệ với Lê Thị Thu Thảo, người này đưa ra “quy tắc” giao dịch cho PV bằng cách gửi tin nhắn bao gồm: Mã giao dịch: Ví dụ: 235B1 - mã giao dịch ở dưới chữ “hóa đơn”, số lượng lấy (tiền thật). Mệnh giá tiền: 100, 500 thỏa thuận sao cho phù hợp. Thời gian đặt: Ngày đặt hàng, không cần tháng năm và cuối cùng là địa điểm nhận: Thời gian và nơi nhận hàng.
Tài khoản facebook tham gia rao bán tiền giả |
Thảo cũng cho biết: “Ai mua hàng lần đầu thì đặt cọc trước 50% rồi đóng hàng. Tỉ lệ 1 thật bằng 5 giả, 2 thật bằng 11 giả. Cọc bằng thẻ điện thoại tất cả các mạng Viettel, Mobifone, Vinaphone. Gửi thông tin gồm số điện thoại và địa chỉ. Chỗ mình làm ăn uy tín nên các bạn có thể hoàn toàn yên tâm”.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình liên lạc, Thảo không cho PV biết địa chỉ chính xác và chỉ nói là có chi nhánh ở quận 12, TP.HCM. Hiện nay, nếu đổi 2 triệu đồng tiền thật thì được 12 triệu tiền giả, giao hàng trong vòng 2 giờ đồng hồ khu vực TP.HCM. Thảo cũng yêu cầu phải chuyển cọc trước 50%, sau đó mới giao hàng, chứ “không ai làm việc không công cả”.
“Do nhiều người phá đám nên dùng facebook và thông tin ảo để đặt hàng và nhân viên bên em phải mang hàng về nên lần đầu phải cọc mới chuyển hàng, không có ngoại lệ”, Thảo nói. Sau khi không đồng ý với cách đưa trước 50%, Thảo nói chắc nịch: “Anh tìm chỗ khác giúp em nhé”.
Về việc gặp trực tiếp, Thảo nói: “Không ai mua bán tiền giả mà đi giao dịch trực tiếp. Anh nên lưu ý điều này vì khả năng khi gặp nhau, giao dịch sẽ là công an hay nhiều thành phần. Mình đã từng trải qua, muốn làm khó hay nhận hàng không muốn trả tiền thì tốn thời gian của nhau”.
Về người tên Ly, được những kẻ chuyên hoạt động vi phạm trong lĩnh vực tiền tệ giả được cho là uy tín, mua được tiền (giả) thật, khi PV liên hệ, Ly nói, giọng tưng tửng: “Mình làm ăn dựa trên uy tín. Bạn cần gì cứ nhắn tin, mình tư vấn. Đảm bảo phục vụ tận tình. Mua hàng thì chỉ cần đưa trước 50% cọc hàng sẽ được gửi về tận nhà. Lưu ý, hàng cấm không giao qua bưu điện”.
Cũng giống như Thảo, Ly chào giá bán 1 triệu đồng tiền thật ăn 5 triệu tiền giả. “Cam kết hàng giống thật 98%, mắt thường không thể phân biệt được. Đảm bảo, mình làm nghề này uy tín nhất thị trường. Ai cần sự giúp đỡ cứ inbox cho mình. Các bạn ở xa xin đừng ngại liên hệ, mình vận chuyển toàn quốc với thủ tục nhanh, gọn lẹ và đơn giản”, Ly quảng cáo thêm.
Mua không được tiền giả... mất tiền thật
Bên cạnh những đối tượng bán tiền giả trên mạng hiện nay, có người rao in được tiền giả giống như thật. Liên hệ với một số đầu mối trên mạng, PV được giới thiệu: “Tiền giả mệnh giá 200.000, 500.000 VNĐ, đô la Mỹ. Với sản phẩm mang tính chất nhạy cảm này, chúng tôi yêu cầu phải đặt cọc chuyển khoản 5% số tiền bạn muốn mua, nhằm đảm bảo tính bảo mật của giao dịch”.
Để làm tin, đối tượng này “nổ” thêm: “Lò của mình là một trong số ít những lò có kinh nghiệm lâu đời nhất, với công nghệ máy móc được đầu tư tinh xảo, có thể làm được tiền giả, nên bạn hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Do là lò chuyên dụng nên để đảm bảo tính bảo mật, chúng tôi thuê hẳn một server mail với proxy động và pass nhị phân thay đổi nhằm tránh sự truy cập trái phép không mong muốn. Số điện thoại giao dịch chủ yếu là sim rác nên sẽ thay đổi liên tục, các bạn cũng thông cảm”.
Thực tế, theo những người hiểu biết về vấn đề này thì đây chính là các đối tượng lừa đảo. Anh Nguyễn Tuấn Hùng, người rành về thị trường tiền giả tại quận Phú Nhuận khẳng định: “Đa phần các giao dịch hoặc tin rao vặt trên mạng đều là “ảo””. Anh Hùng nhấn mạnh, những đối tượng nảy sinh ra ý tưởng bán tiền giả để lừa đảo người khác.
Theo anh Hùng, dù cách làm của các đối tượng này hết sức cũ rích nhưng nhiều người sở hữu lòng tham lớn vẫn cắn câu. Theo đó, họ nói là có lượng tiền giả cần bán, đặc biệt là mệnh giá lớn, sau đó, rao công khai, nhiều và phổ biến nhất trên facebook. Để làm tin, những đối tượng này còn đăng hình có kèm theo danh sách người đặt hàng hoặc các khoản tiền đã gói sẵn chuẩn bị giao hàng... Tuy nhiên, đó toàn là hình copy từ các trang khác.
“Khi đó, người có nhu cầu tưởng thật liền hỏi mua. Lập tức, chúng sẽ yêu cầu đặt cọc, một là chuyển qua tài khoản, hai là gửi mã thẻ cào điện thoại. Thông thường, số tiền đặt cọc này không lớn, từ vài trăm ngàn cho tới một triệu đồng. Thế nhưng, khi gửi mã thẻ cào hoặc chuyển khoản xong, các đối tượng đó lặn mất tăm, không để lại dấu vết. Còn khổ chủ chỉ biết ôm hận mà không có cách nào có thể lấy lại được tiền. Muốn khiếu nại, tố cáo, kiện cáo thì ngại, hơn nữa số tiền quá ít”, anh Hùng phân tích.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết: “Đã là hành vi sản xuất, vận chuyển, lưu hành tiền giả... dù với mức độ, hình thức nào cũng là phạm pháp, có thể bị xử lý hình sự, tùy theo mức độ vi phạm. Còn tình trạng các đối tượng rao bán công khai tiền giả trên mạng thì nhiều khả năng đây là các đối tượng lừa đảo. Bởi, chúng thường yêu cầu chuyển tiền cọc bằng thẻ cào hoặc gửi qua tài khoản. Chuyển tiền xong, sau đó không thể liên lạc được với đối tượng. Tuy nhiên, nếu giao dịch là giả hoặc nếu có tiền (giả) thật thì cũng rất rủi ro, nguy hiểm cho người mua”.
Cảnh báo của cơ quan công an Cũng thông tin với PV, một cán bộ điều tra thuộc phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, Công an TP.HCM) xác nhận: “Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội có nhiều đối tượng rao bán tiền giả, thậm chí có số lượng lớn. Nhưng thực chất đó đều là những đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mới đây, cơ quan công an đã phát hiện một đối tượng như vậy. Người này hoàn toàn không hề có tiền giả mà chỉ lấy hình ảnh từ các trang khác rồi rao bán, chiếm đoạt tài sản. Khi nhận được tiền đặt cọc xong thì cắt đứt liên lạc với người mua. Do vậy, người dân tuyệt đối không tham gia hoặc giao dịch liên quan đến tiền giả. Khi đó, không chỉ chính bản thân họ cũng phạm tội mà còn nhận được tiền giả là tiền... âm phủ. Vì các đối tượng rao không hề có tiền giả để bán”. |
Thanh Tùng
Xem thêm video:
[mecloud]WQZWYKrCfU[/mecloud]