Cầm tờ giấy khám sức khỏe bị trung tâm sát hạch lái xe trả về, PV đã tìm đến bệnh viện Giao thông vận tải với mong muốn tìm câu trả lời chính xác về việc liệu rằng những tờ giấy kia có phải được “tuồn” từ phía bệnh viện ra ngoài? Tại đây, chúng tôi mới ngã ngửa về tờ giấy đang cầm trên tay.
Mua giấy giả, “ăn vạ” bệnh viện
Tiếp PV là BSCKI. Nguyễn Công Sơn, Phó trưởng phòng Khám sức khoẻ, bệnh viện Giao thông vận tải – người ký tên trong tờ giấy mà PV đã mua qua mạng. Khi PV đưa cho vị Phó trưởng phòng này tờ giấy khám có đóng dấu của bệnh viện trên tay, ông Sơn khẳng định “đây là giấy khám giả mạo”.
Nhìn kỹ tờ giấy, ông Sơn cho hay chữ ký của ông rất khó ký và trong tờ giấy khám sức khỏe ở mỗi một phần xét nghiệm phải có chữ của bác sĩ chứ không phải chỉ đóng dấu kết quả “âm tính” như tờ giấy khám sức khỏe của chúng tôi là xong.
“Những chữ ký trong bản giấy này là giả hết, không có bác sĩ của bệnh viện chúng tôi. Bên cạnh đó, tôi cũng không cho phép bác sĩ đóng dấu luôn như trong tờ giấy giả kia đã làm”, ông Sơn cho biết. “Gần như tuần nào tôi cũng nhận được phản ánh của các đơn vị công an ở khu vực phía Bắc đến điều tra, sau khi bắt được đường dây bán giấy khám sức khỏe giả. Tôi đã phải cung cấp mẫu chữ ký của các bác sĩ trong bệnh viện phục vụ cơ quan điều tra”, BS Sơn cho biết.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe giả ngang nhiên, công khai trên mạng, BS Sơn cho rằng: “Xuất phát từ nhu cầu của người dân, kèm theo đó là tâm lý ngại đi khám tại bệnh viện, ham rẻ khiến đối tượng buôn, bán giấy khám sức khỏe vẫn có “đất diễn””.
BS Sơn kể tiếp: “Mới đây nhất, có trường hợp mua giấy giả trên mạng nhưng lại đến bệnh viện quát tháo ầm ĩ, tại sao bệnh viện làm giấy mà không đóng dấu giáp lai, không có giấy xét nghiệm... Sau một hồi nói chuyện thì người này thừa nhận mua giấy trên mạng với giá 350.000 đồng/tờ giấy A3 để tiết kiệm thời gian, nhưng lên bệnh viện để “ăn vạ””.
Để nhận biết giấy thật giấy giả của bệnh viện Giao thông vận tải, BS Sơn thông tin thêm: “Bệnh viện đã có mẫu giấy chuẩn của bệnh viện đến các cơ sở cấp bằng lái xe, cục Đường bộ, sở GTVT Hà Nội. Do đó, chỉ cần khách mang giấy giả đến nộp tại các cơ sở này sẽ bị phát hiện và được yêu cầu làm lại”.
Xuất phát từ nhu cầu của người dân, kèm theo đó là tâm lý ngại đi khám tại bệnh viện, ham rẻ khiến đối tượng buôn, bán giấy khám sức khỏe vẫn có “đất diễn. Ảnh minh họa |
Thắc mắc về việc tại sao các đối tượng chỉ làm giả giấy tờ của bệnh viện Giao thông vận tải, BS Sơn cho biết: “Việc làm giấy khám sức khỏe để đi thi bằng lái xe, đi xin việc thì bệnh viện chúng tôi là uy tín. Uy tín càng cao thì việc bị lợi dụng làm giả giấy tờ càng lớn. Việc này cũng ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của bệnh viện”.
Giải pháp để giải quyết thực trạng giấy khám sức khỏe giả được rao bán tràn lan trên mạng xã hội, ông Sơn bày tỏ: “Về góc độ bệnh viện, tôi đề nghị các cơ quan truyền thông nên thông tin cho mọi người là không nên sử dụng các loại giấy tờ giả. Đồng thời, tôi cũng mong muốn các cơ quan chức năng tích cực tìm hiểu, có biện pháp ngăn chặn hành vi không thể chấp nhận được”.
Phải chịu trách nhiệm hình sự
Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) nhận định, nguyên nhân của thực trạng trên là do thủ tục khám sức khỏe tại các cơ sở y tế khá rườm rà. Đồng thời, xuất phát từ tâm lý cảm thấy đây là loại giấy tờ không cần thiết, vì vậy rất nhiều người lựa chọn “mua giấy khám sức khỏe” để đối phó với quy định của nhà tuyển dụng, các cơ quan khi có yêu cầu.
“Theo quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT, thủ tục khám sức khỏe theo đúng quy định, người có yêu cầu khám sức khỏe phải nộp tờ khai và giấy tờ tùy thân cho các cơ sở khám sức khỏe tại thời điểm khám. Sau khi nhận được các giấy tờ liên quan, sẽ tiến hành các thủ tục như đối chiếu hồ sơ, thực hiện việc khám chữa bệnh theo từng chuyên khoa. Mọi hành vi không đúng trình tự theo quy định nêu trên đều là trái pháp luật”, luật sư Tùng cho biết.
Việc mua bán, sử dụng những giấy khám sức khỏe mà không thực hiện theo quy trình, không rõ thực hư về tính pháp lý của giấy khám sức khỏe đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. “Có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo điều 341 BLHS hiện hành”, luật sư Tùng nêu.
Vị luật sư này cũng cho hay, đối với những người tiến hành mua bán giấy khám sức khỏe để kiếm lời có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 342 BLHS.
Khám sức khỏe không chỉ có lợi cho bản thân, giúp chúng ta kiểm tra tổng quát sức khỏe của mình, có thể giúp phát hiện để ngăn ngừa, chữa những loại bệnh phát sinh mà còn là nghĩa vụ khi tiến hành các thủ tục khác. Thiết nghĩ, người dân nên đi khám sức khỏe và lấy đúng kết quả khám để thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.
Theo chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu, những loại giấy tờ như bằng ĐH, CĐ, giấy phép lái xe, giấy khám sức khỏe, giấy tờ tuỳ thân... được rao bán trên mạng hầu hết là giấy tờ giả do các tổ chức thực hiện. Các cá nhân mua các loại giấy tờ giả này cũng là người vi phạm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Để ngăn chặn được vấn đề này, các cơ quan chức năng phòng tránh tội phạm công nghệ cao cần nắm bắt được tình hình trên các trang mạng xã hội để từ đó bằng các biện pháp nghiệp vụ phát hiện ra các cá nhân, tổ chức vi phạm. Đối với những cơ quan tổ chức có liên quan, khi phát hiện các trường hợp sử dụng các loại giấy tờ giả cần thông báo ngay tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. |
Thanh Lam - Nguyễn Lâm
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số 93