(ĐSPL) - Thấy bạn cùng bàn đeo vòng tay màu vàng, Thông lập kế hoạch cướp tài sản của người bạn ngồi cùng bàn.
Báo Tri thức trực tuyến thông tin, ngày 2/12, TAND Hà Nội đưa Nguyễn Trung Thông (24 tuổi, ở Nghĩa Đàn, Nghệ An) ra xử phúc thẩm tội Cướp tài sản. Mỗi khi bị HĐXX truy vấn, bị cáo gào tên cha, mẹ của mình.
Bị cáo Thông tại tòa. Ảnh: Báo Tri thức trực tuyến |
Báo Vnexpress thông tin, theo bản án sơ thẩm của TAND quận Đống Đa, Thông thấy cậu bạn cùng lớp đại học Lý A Chông (21 tuổi, ở Yên Bái) đeo chiếc vòng màu vàng nên nảy sinh ý định chiếm đoạt.
Chiều 27/4/2015, Thông đeo khẩu trang, mang dao gọt hoa quả và một xi-lanh đầy nước chè, nấp ở đầu ngõ phố Sơn Tây (quận Đống Đa) chờ Chông đi học về. Từ phía sau, Thông quàng tay qua cổ bạn khống chế và bảo tiếp tục đi, không được quay lại.
Sau quãng đường ngắn, bị nạn nhân vô hiệu con dao, Thông lại dí xi-lanh đe dọa. Trong lúc giằng co, bị Chông nhận diện song Thông vẫn cố lột bằng được chiếc vòng trị giá chỉ 70.000 đồng.
Thông bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù. Trong phiên xử hôm sau, cấp phúc thẩm tuyên giữ nguyên hình phạt vì không có tình tiết mới để xem xét.
Điều 133. Tội cướp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009): 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười tám năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)