Theo ANTV, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Trà Vinh tống đạt quyết định khởi tố bị can, ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Diệp Minh Tuyền (38 tuổi, trú huyện Trà Cú tỉnh, Trà Vinh để làm rõ hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chủ hụi Diệp Minh Tuyền bị khởi tố - Ảnh: báo CAND |
Báo Công an nhân dân thông tin, năm 2009, Tuyền đứng ra làm đầu thảo mở các dây hụi hưởng tiền hoa hồng. Thông qua các mối quan hệ, Tuyền vay mượn của nhiều người với số tiền lớn, đến tháng 7/2016 thì mất khả năng trả nợ. Sau đó, Tuyền tuyên bố vỡ hụi vì không có tiền trả nợ và trả tiền cho các hụi viên.
Qua điều tra xác định, thời gian làm đầu Tuyền đã đặt tên khống vào danh sách hụi viên để choàng hụi. Các hụi viên tin tưởng nên ở các kỳ khui hụi đều không đến khui mà nhờ Tuyền bỏ thăm. Lợi dụng điều này, Tuyền hốt hết các phần hụi khống đã kê ban đầu. Một số hụi viên không có nhu cầu hốt, Tuyền đã mượn và hốt các phần hụi này chiếm đoạt. Đặc biệt, có những dây hụi chỉ do một mình Tuyền hốt ở tất cả các kỳ khui hụi.
Bằng thủ đoạn trên, từ năm 2009 đến nay, Tuyền đã kê khống 49 phần hụi, mượn 23 phần hụi của hụi viên chiếm đoạt số tiền gần 7 tỷ đồng. Ngoài ra, Tuyền còn vay mượn của nhiều người trên địa bàn huyện Trà Cú, với tổng số tiền khoảng 15 tỷ đồng.
Theo người dân địa phương, nhiều nạn nhân tin tưởng vào Tuyền là do cơ ngơi làm ăn của Tuyền khá bề thế và bản thân Tuyền là người địa phương, gia đình giàu có nên đã bị chiếm đoạt số tiền lớn. Do Tuyền đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên cơ quan điều tra cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)