(ĐSPL)- Với thủ đoạn tinh vi, nhóm đối tượng lập 117 web giả mạo trúng thưởng bằng phần thưởng như: Xe máy Liberty, SH, phiếu nhận tiền mặt trị giá 200 triệu. Số tiền mà chúng đã lừa đảo khoảng 8,3 tỷ đồng.
[mecloud] AJY17ebd8f[/mecloud]
Theo tin tức báo Tuổi trẻ, phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội vừa triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet với thủ đoạn lừa đảo trúng thưởng trên Facebook, Zalo, Viber...
Nhóm đối tượng đã lừa đảo dượi khoảng 8,3 tỷ đòng (Ảnh minh họa) |
Cơ quan công an đã triệu tập 11 nghi phạm (đều thường trú tại thị trấn Hiệp Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) để điều tra về các hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" và "tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Các nghi phạm bị triệu tập gồm: Huỳnh Tấn Khoa, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Ngọc Sơn, Đoàn Văn Thiện, Phan Đức Vương, Lương Công Hưng, Trần Văn Sơn, Hồ Phước Trung, Nguyễn Bình, Văn Phú Trung và Văn Công Quang.
Theo VOV, nhóm đối tượng thuê miền, code, máy chủ và thiết kế trang web với mức thù lao 150.000 đồng - 500.000 đồng/web.
Sau đó, chúng dùng tài khoản facebook tự lập ra hoặc hack của người khác để gửi tin nhắn trúng thưởng nhằm thu hút người truy cập vào các web giả mạo. Cơ cấu giải thưởng thường có giá trị rất lớn như: Xe máy Liberty, SH, phiếu nhận tiền mặt trị giá 200 triệu đồng, 1 phiếu đổ xăng miễn phí 1 năm có giá trị tương đương 5 triệu đồng….
Các trang này yêu cầu khách hàng nhập thông tin cá nhân như: Chứng minh nhân dân, năm sinh, địa chỉ, tài khoản mật khẩu Facebook… và gửi mã thẻ điện thoại có mệnh giá 500.000 đồng để làm hồ sơ nhận thưởng.
Sau khi làm theo và liên hệ lại, người dùng tiếp tục nhận được yêu cầu gửi thêm từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng với lý do đóng thuế VAT, làm phí vận chuyển… để hoàn tất thủ tục nhận thưởng.
Sau khi thực hiện xong giao dịch, các đối tượng liền huỷ sim, hủy điện thoại nhằm tránh sự truy lùng của cơ quan công an.
Việc tiêu thụ mã thẻ cào điện thoại được các đối tượng sử dụng tài khoản trên hệ thống thanh toán trung gian Bảo Kim hoặc Vippay.
Sau đó, tiền mặt quy đổi được sẽ được chuyển lại vào tài khoản cá nhân. Thông tin ban đầu, các nghi phạm tổ chức, bàn bạc lập 117 trang web giả mạo để lừa đảo số tiền khoảng hơn 8 tỉ đồng.
Hiện cơ quan công an đang làm rõ hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có với nhóm đối tượng trên.
NINH LAN (Tổng hợp)
[mecloud]jYgr6QSDa5[/mecloud]