Những năm gần đây, Lào Cai có những bước tiến mạnh mẽ trong công tác phòng chống ô nhiễm kết hợp bảo vệ môi trường theo chủ trương của tỉnh, đồng thời chú trọng nâng cao các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của toàn dân trong tỉnh. Nhờ đó, tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận.
Theo báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Đề án số 10-ĐA/TU “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020” cho thấy những kết quả khả quan.
Theo đó, để triển khai thực hiện Đề án, những năm qua Tỉnh ủy đã thường xuyên tăng cường công tác lãnh đạo triển khai thực hiện, phân công các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành trực tiếp phụ trách các Đề án; giao nhiệm vụ cơ quan chủ trì, phân công các cơ quan, đơn vị phối hợp; chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án cho cả giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch thực hiện hàng năm làm căn cứ cho các cấp, các ngành chủ động triển khai.
Dưới sự chủ trì của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương đã thực hiện tốt các hoạt động hữu ích như: thành lập tổ giúp việc thực hiện Đề án; tổ chức tập huấn; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND ngày 27/5/2016 để triển khai thực hiện tổng thể cho cả giai đoạn (2016-2020), đồng thời ban hành kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện Đề án (kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 12/4/2017, kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 23/3/2018) cùng nhiều chỉ thị, chương trình, các văn bản chỉ đạo về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (Chỉ thị số 15-CT/UBND ngày 17/10/2016 về tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 21/06/2017 về tăng cường công tác quản lý đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Văn bản số 4831/UBND-TNMT 05/10/2016 về tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường tại KCN Tằng Loỏng; Chương trình hành động số 09/CTr-UBND ngày 11/9/2017 thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của BCH Nghị quyết 09-NQ/TU và Nghị quyết 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai (Khóa XIV) giai đoạn 2017 - 2010, định hướng đến năm 2050, Kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 26/07/2017 về việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2018-2020...)
Kết quả đạt được của việc triển khai thực hiện Đề án trên quả thực rất đáng ghi nhận. Về nguồn tài nguyên đất, hoàn thành đo đạc và thành lập bản đồ địa chính của 7/9 huyện, thành phố, trong đó khối lượng đo đạc, thành lập bản đồ địa chính năm 2018 là 13.674 ha (tỷ lệ 1/500: 17 ha, 1/1000: 6927 ha, 1/2000: 1950 ha, 1/5000: 4779 ha); lũy kế khối lượng của toàn bộ dự án (bao gồm cả 03 năm thực hiện Đề án) là: 152.725 ha/161.030 ha đạt 94,84% so với mục tiêu của Đề án (mục tiêu Đề án là 95%).
Tỷ lệ đo đạc, lập bản đồ địa chính đến hết năm 2018 đạt được 86,3% mục tiêu Đề án, ước thực hiện đến năm 2020 đạt 100%.
Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến hết năm 2018 đạt 89,9% mục tiêu Đề án, ước thực hiện đến năm 2020 đạt 100%.
Về nguồn tài nguyên khoáng sản đạt 100% đối với mục tiêu các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý, cấp giấy phép của tỉnh được thăm dò, đánh giá chất lượng, xác định trữ lượng và giá trị.
Việc tổ chức đấu giá khoáng sản đạt khoảng 50% kế hoạch; thu cho ngân sách bình quân là 1.200 tỷ đồng/năm và duy trì tạo việc làm cho ít nhất 10.000 người lao động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản (đạt 100%); đảm bảo nguyên liệu các loại quặng để cung cấp cho các nhà máy trong tỉnh, trong nước(đạt 90%); cơ bản hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, cơ bản ngăn chặt triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời hoàn thành việc rà soát bổ sung Quy hoạch khoáng sản (đạt 100% kế hoạch).
Về tài nguyên nước, đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc tài nguyên nước đã giúp cho giám sát về lưu lượng, chất lượng của một số sông suối, tầng chứa nước dưới đất chính trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở để khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất hợp lý, tiết kiệm đảm bảo cho xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đảm bảo tính bền vững với mức độ đạt 100% theo kế hoạch.
Hoàn thành 50% việc cắm mốc bảo vệ hành lang nguồn nước, đây là cơ sở giúp giảm ô nhiễm, suy thoái nguồn nước; khoanh vùng các vùng, khu vực ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước dưới đất đạt 100%.
Đặc biệt về tài nguyên rừng, theo mục tiêu đến năm 2020 nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 56%, đến nay đạt khoảng 54,9%. Đây là một thành quả to lớn được UBND tỉnh ghi nhận và nhận được sự đồng thuận cao trong toàn dân.
Về bảo vệ môi trường, quản lý đa dạng sinh học đến hết năm 2018 về cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ trong Đề án đặt ra được thực hiện đạt và vượt mức kế hoạch.
Trong quá trình thực hiện, các Sở, ban ngành và các đơn vị thực hiện được UBND tỉnh tạo nhiều điều kiện thuận lợi cũng như các yếu tố khách quan, cụ thể: Đề án số 10-ĐA/TU của Tỉnh ủy Lào Cai được ban hành theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, với định hướng tăng cường chỉ đạo đối với các cấp, các ngành, các địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp và các cá nhân về trách nhiệm trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo bền vững, gắn với đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH, chất lượng môi trường sống được kiểm soát, chất thải rắn đô thị được thu gom và xử lý đảm bảo quy định; bảo vệ môi trường nông thôn được quan tâm, bước đầu đã có một số xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp đã được quan tâm đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất sạch thân thiện với môi trường, nhằm sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu, giảm phát thải, xử lý ô nhiễm tại nguồn đạt tiêu chuẩn thải...
Đề án được ban hành kịp thời, với mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường, nhằm phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; nhận được sự đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn bất cập cần được quan tâm tháo gỡ như: Việc quản lý bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn trong khi nguồn lực cho công tác quy hoạch, bảo vệ, khai thác rất hạn chế; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã còn thiếu. Một số loại khoáng sản quý, hiếm đều nằm ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn nên công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản còn gặp rất nhiều khó khăn.
Lào Cai có trữ lượng nước tương đối dồi dào, tuy nhiên sự phân bổ lưu lượng nước giữa hai mùa rất khác biệt, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp hiện nay. Công cụ kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường còn nhiều hạn chế đặc biệt trang thiết bị quan trắc phân tích hiện nay vẫn còn thiếu (thiết bị quan trắc lấy mẫu khí thải; trạm quan trắc tự động…).
Việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh QHSD đất cấp tỉnh quá chậm ảnh hưởng đến việc phê duyệt cấp huyện. Cơ sở dữ liệu địa chính được xây dựng từ kết quả đo vẽ bản đồ, lập hồ sơ địa chính. Tuy nhiên hiện nay do công tác đo đạc, chuẩn hóa bản đồ, lập hồ sơ địa chính các huyện trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành, do đó ảnh hưởng đến tiến độ thi công xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.
Vấn đề biến đổi khí hậu đã và đang có những tác động lớn đến đời sống, xã hội của tỉnh. Hiện nay, Lào Cai đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động này còn rất hạn chế…
Công cụ kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc triển khai Đề án ở một số địa phương còn chậm, chưa quyết liệt; nguồn lực thực hiện tuy đã được quan tâm, song còn hạn chế; một số nhiệm vụ phụ thuộc vào nguồn vốn Trung ương nên triển khai còn chậm so với kế hoạch.
Nhìn chung, trong 3 năm thực hiện Đề án hướng tới mục tiêu luôn coi tài nguyên và môi trường là lĩnh vực đi đầu, với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng sự đồng thuận cao trong nhân dân và sự quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền, tỉnh Lào Cai đã tạo được một bước ngoặt lớn, làm tiền đề cho việc xây dựng một môi trường trong sạch góp phần tạo nên sự bền vững trong phát triển kinh tế xã hội cho toàn tỉnh. Trong tương lai, Lào Cai sẽ còn tiến xa hơn, vững mạnh hơn so với các tỉnh trong khu vực.
Đức Thuận