Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Lào Cai liên tục có các phương án và chỉ đạo tổ chức thực hiện bán đấu giá nhà, đất công sản. Trong đó, chỉ riêng Thành phố Lào Cai và huyện Sa Pa (thị xã Sa Pa) đã có khoảng 20 thương vụ bán trụ sở, đất đai của các cơ quan nhà nước cho các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, nhiều nhà công sản tọa trên vị trí “đất vàng” đã được đem bán với mức chênh lệch rất “khiêm tốn” so với giá khởi điểm.
Loạn giá “đất vàng”
Thống kê cho thấy, trên địa bàn Thành phố Lào Cai có 10 nhà, đất công sản, tổng diện tích hơn 10.000m2 đã được bán đấu giá bao gồm: Nhà đất tại Công an phường Cốc Lếu; Tỉnh đoàn Lào Cai; Hội nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai; Chi cục Kiểm lâm Lào Cai; Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai; Chi cục Thuế Thành phố Lào Cai, Nhà trọ Bệnh viện sản nhi Lào Cai, Sở Công thương, Sở Ngoại vụ…
Số tiền thu được từ những thương vụ này vào khoảng hơn 668 tỷ đồng thông qua những phiên đấu giá, đất đai, tài sản công được chuyển nhượng cho các tổ chức, cá nhân với quyền sở hữu vĩnh viễn hoặc 50 năm. Đáng nói, mặc dù hầu hết đều nằm ở những vị trí đẹp nhất nhì TP. Lào Cai và TX. Sa Pa, nhưng mức giá bán ra của các nhà đất công sản này lại khá khiêm tốn, trung bình từ 17 đến 30 triệu đồng/m2.
Theo thông tin phản ánh, những thương vụ đấu giá nhà, đất công sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai bước đầu có những vấn đề về giá cả khiến dư luận khó hiểu. Đơn cử như, cùng trên một trục đường, cùng thời điểm đấu giá, tuy nhiên các vụ đấu giá lại cho những kết quả khác nhau, tiền thu nộp ngân sách nhà nước cũng khác nhau. Hay việc không phải trụ sở nào cũng may mắn được khai thác, sử dụng sau khi mua về.
Khu đất nằm ở vị trí đắc địa 2 mặt tiền các tuyến phố lớn, gần quảng trường đã được UBND tỉnh Lào Cai bán cho Sacombank |
Các thương vụ bán đấu giá đất công này phải kể đến như trụ sở cũ Tỉnh đoàn Lào Cai với diện tích đất 881,4 m2 đất và 668 m2 nhà, nằm ở góc ngã tư Hoàng Liên – Lê Lai, được bán cho Ngân hàng Sacombank làm trụ sở với giá 21,672 tỉ đồng. Mức giá này chênh 255 triệu đồng so với giá khởi điểm. Tính ra, khu "đất kim cương" này có giá 24,5 triệu đồng/m2, thời hạn sử dụng 50 năm.
Hay trụ sở Chi cục Kiểm lâm Lào Cai được tọa tại ngã tư Hoàng Liên – Hồng Hà, rộng 1.463,3 m2, được bán cho Công ty TNHH Gia Long với giá 35,8 tỉ đồng. Tính trung bình cũng chỉ khoảng 24 triệu đồng/m2...
Đặc biệt, nằm trên 2 mặt đường Hoàng Liên và Sơn Tùng, giữa trung tâm ngã 6 và là công trình được giá nhất, trụ sở cũ của Sở Giao thông Vận tải rộng 1.248 m2 được bán cho công ty Cổ phần An Phú Hưng với giá 41,2 tỉ đồng (khoảng 33 triệu đồng/m2), thời gian sở hữu 50 năm.
Tương tự, trụ sở cũ Sở Công thương có diện tích 1.294,6 m2 và một tòa nhà 3 tầng nằm tại 151 Hoàng Liên được bán lại cho Ngân hàng Agribank – Chi nhánh Lào Cai II với giá 36,468 tỉ đồng và cũng chỉ chênh 20 triệu đồng so với giá khởi điểm.
Trụ sở cũ Hội Nông dân và Hội Phụ nữ tỉnh có diện tích 1983,8 m2 và 2 tòa nhà 3 tầng, được bán cho Công ty TNHH TMDV Tiến Thành (Lào Cai) với giá 34,302 tỉ đồng; chênh 27 triệu đồng so với giá khởi điểm...
Đáng nói, tất cả các vụ mua bán trên đều được thông qua Công ty TNHH dịch vụ đấu giá Hòa Bình, có trụ sở tại Lào Cai và đều do ông Ngô Đức Ảnh - Giám đốc Sở Tài chính Lào Cai ký Tờ trình phê duyệt và lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai ký bán.
Giá “bèo” tài sản quốc gia
Câu chuyện khó hiểu về giá nhà đất công sản qua những phiên đấu giá ở Lào Cai được thể hiện khá rõ nét tại thị trấn Sa Pa, nơi có giá đất thị trường ở một số tuyến phố còn cao hơn đất phố cổ ở Hà Nội và mặc cho mức giá thị trường ở Sa Pa cao chót vót thì những nhà đất công sản ở đây đã được UBND tỉnh Lào Cai bán, cho thuê với giá rất khiêm tốn.
Những nhà đất công sản ở Sa Pa được đem bán bao gồm: Trung tâm Hội nghị tỉnh tại Sa Pa; Cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ Kho bạc tại Sa Pa; Nhà làm việc khối văn hóa Sa Pa; Trung tâm GDTX huyện Sa Pa; Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Sa Pa; Trụ sở UBND thị trấn Sa Pa; Chợ Sa Pa; Nhà khách Fansipan; Bưu cục Cầu Mây; Công ty Cổ phần Dược vật tư Y tế…
Trong các địa chỉ này phải kể đến khu đất rộng hơn 8.000 m2 gồm 3 trụ sở cũ của Trung tâm Hội nghị tỉnh tại Sa Pa, Cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ Kho bạc nhà nước tại Sa Pa và Nhà làm việc hợp khối - Nhà văn hóa huyện Sa Pa. Khu đất có tới 3 mặt tiền và nằm sát cạnh sân vận động trung tâm và nhà thờ đá Sa Pa sầm uất.
Sở Tài chính tỉnh Lào Cai, đơn vị được cho là đầu mối để tham mưu về giá cho UBND tỉnh. |
Tháng 5.2016, UBND tỉnh Lào Cai có quyết định giao toàn bộ số đất đai và trụ sở kể trên cho một doanh nghiệp sử dụng 50 năm với số tiền là 72,224 tỉ đồng, 196 triệu đồng là số tiền chênh lệch so với giá khởi điểm.
Cách đó không xa là khu đất rộng 5.348 m2 trên mặt đường Cầu Mây. Khu đất được chia làm 2 nửa bởi con đường Đồng Lợi, 1 phần cho thuê 50 năm rộng 3.230 m2 và phần còn lại sở hữu vĩnh viễn. Giá bán cho Công ty TNHH đầu tư Tây Bắc (Lào Cai) toàn bộ là 304,5 tỉ đồng.
Trụ sở cũ của Trung tâm GDTX Sa Pa rộng 3.231 m2, cũng được mang cho Công ty Lạc Hồng (Hà Nội) thuê 50 năm với mức giá 980 triệu đồng/năm. Tính ra mỗi năm, Công ty Lạc Hồng chỉ phải bỏ khoảng 300 nghìn đồng để thuê 1m2 cho vị trí đất vàng này.
Trao đổi với ông Ngô Đức Ảnh – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Lào Cai, đơn vị được cho là đầu mối để tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt giá bán đấu nhà đất công sản, ông Ảnh luôn cho rằng việc bán là đúng quy định nhưng ông Ảnh từ chối cung cấp hồ sơ như quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá, Biên bản đấu giá, Tờ trình về giá,…
Một chuyên gia kinh tế nhận định: Việc định giá đất thuê 50 năm được các sàn giao dịch bất động sản tính nhanh bằng 70% giá đất ở lâu dài. Nếu đất còn đủ 50 năm thì giá thuê được tính bằng 70% giá đất sở hữu vĩnh viễn ở khu vực kế cận.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đoc.
Liên Nguyễn