(ĐSPL) - Hơn 10 năm nay, họ phải sống chung với những ngôi mộ của gia đình khác trong chính ngôi nhà của mình. Có không ít rắc rối, bất tiện đã xảy ra nhưng họ chỉ biết kêu trời và cắn răng chịu đựng.
Câu chuyện hi hữu, lạ lùng - tưởng chỉ kể cho vui trên lại đang diễn ra tại thôn 4, xã Thạch Thán (huyện Quốc Oai, Hà Nội). Bức xúc chia sẻ với PV về ngôi mộ "bất đắc dĩ" ngự trị hàng chục năm trong nhà mình, ông Bùi Văn Chuyên (thôn 4) cho biết, năm 2003, gia đình ông được UBND xã Thạch Thán bán cho mảnh đất này. Tuy nhiên, tại thời điểm giao đất cho dân, đơn vị này vẫn chưa giải phóng hết những ngôi mộ tồn tại trên mảnh đất.
"Chúng tôi đã hết lời đến nói chuyện, nhưng gia đình có ngôi mộ nhất quyết không chịu di dời. Không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải xây nhà và sống chung với những người đã chết", ông Chuyên nói.
Khi xây nhà, vợ chồng anh Tưởng phải chừa một khoảng đất khá rộng vì ngôi mộ gia đình khác nằm trong đất của mình. |
Ông Chuyên cũng cho biết, trước khi nhận đất, ngôi mộ trong mảnh đất này chỉ là một nấm đất nhỏ, không có bia. Tuy nhiên, ngay sau khi hay tin chính quyền bán đất, gia đình có ngôi mộ lập tức đến xây to hơn và họ gắn thêm bia lên phần mộ. “Họ còn đe dọa, nếu chúng tôi động chạm đến mộ nhà họ thì sẽ không được yên thân. Lý do họ chết cũng không di dời mộ là vì đi xem bói, các thầy bói phán, nếu dịch chuyển ngôi mộ này, gia đình họ sẽ xảy ra nhiều chuyện như: Chết người, gia đình lục đục, công việc không đi đến đâu...”.
Cũng như vậy, nhà anh Đỗ Văn Tưởng có một ngôi mộ của gia đình khác "ngự trị" trong mảnh đất của mình. Vợ anh Tưởng bức xúc nói: "Chúng tôi chỉ mua đất chứ không mua mộ. UBND đã cầm tiền, chúng tôi đã có sổ đỏ, đến nay làm nhà, gia đình tôi phải đau đầu nhờ thiết kế làm sao để chừa được ngôi mộ ra. Thậm chí, gia đình kia còn nói không cho chúng tôi được đổ mái kín, mái che vào ngôi mộ. Đáng lẽ, khi giao đất cho chúng tôi, phía chính quyền đã phải giải phóng sạch sẽ những ngôi mộ như thế này".
Còn trường hợp nhà ông Nguyễn Văn Sơn, ngôi mộ tổ của gia đình khác nằm sừng sững, chia đôi nhà của ông thành hai phần. Dù ông Sơn nhiều lần gửi đơn thư yêu cầu giải quyết đến UBND huyện Quốc Oai, UBND xã Thạch Thán nhưng đến nay, ngôi mộ không những không được chuyển đi, mà còn được gia đình xây to, hoành tráng hơn, lấn chiếm xuống cả lòng đường. "Lúc chúng tôi xây nhà đã xảy ra mâu thuẫn với gia đình có ngôi mộ. Khi đó, họ còn đưa cả ông cụ gần đất xa trời tới nằm lên ngôi mộ để không cho chúng tôi xâm phạm", ông Sơn nói.
Trao đổi với PV, ông Bùi Thành Huy, đại diện UBND xã Thạch Thán lại cho rằng, cần phải đặt câu hỏi, vì sao những hộ dân này chấp nhận mua mảnh đất có phần mộ? "Tôi cho rằng, nếu chấp nhận mua đất, họ cũng phải xác định được hướng giải quyết. Liên quan đến mồ mả, chúng tôi không thể ép, cưỡng chế được".
Khi PV đặt câu hỏi, vì sao trước khi bán đất cho dân, UBND xã không giải phóng hết mộ đi rồi mới giao đất, ông Huy cho biết: "Thời điểm đó, tôi chưa về làm việc tại đây nên cũng không thể trả lời được". Cũng theo ông Huy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động gia đình chủ mộ, tuy nhiên việc có thuyết phục được họ hay không thì không dám khẳng định.
Mộ người chết yên ổn, con cháu mới thịnh vượng? Theo các chuyên gia phong thủy, nhà ở tối kỵ gần những nơi như: Nhà tù, nghĩa trang... Vì vậy, việc mộ phần ngự trị trong nhà là rất không nên. Nó không chỉ không tốt cho chủ nhà mà không tốt cho cả gia đình chủ mộ. Với gia đình có mộ trong nhà, âm khí thường rất nặng nề. Còn ngôi mộ ngự trị trong đất nhà ở dễ bị chèn ép, động mồ, động mả thì sau này người âm sẽ trách phạt. Bởi, linh hồn của người chết yên ổn thì con cháu mới có thể thịnh vượng. |
ONG LÝ
Xem thêm clip: Phát hiện ngôi mộ tập thể chôn 230 thi thể bị IS thảm sát