+Aa-
    Zalo

    Lạnh người hủ tục "sinh đôi giết một" ghê rợn ở Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Dù đã ở thế kỷ 21 nhưng ở nhiều thôn làng người dân tộc của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hủ tục ghê rợn, khiến bất cứ ai nghe được cũng rùng mình.

    Dù đã ở thế kỷ 21 nhưng ở nhiều thôn làng người dân tộc của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hủ tục ghê rợn khiến bất cứ ai nghe được cũng rùng mình.

    Lạnh người hủ tục chôn sống con theo mẹ đã mất

    Trẻ em sinh ra mà không may mẹ qua đời hoặc không rõ cha là ai sẽ bị bóp cổ, bỏ đói đến chết rồi chôn theo mẹ. Đó là hủ tục ghê rợn của người Bana ở Gia Lai.

    Ông Phạm Hoàng Long (SN 1950, trú thôn Tung Ke, xã Ayun), người đã cứu sống một cháu bé thoát khỏi tục lệ này cho biết, sở dĩ có tập tục này vì người Bana quan niệm nếu không để cháu bé theo mẹ thì hồn người chết sẽ không siêu thoát. Hồn ma ấy đeo bám đứa trẻ và bắt nó đi theo. Hơn nữa, đứa bé còn nhỏ mà không có bàn tay chăm sóc của mẹ sẽ gây ra phiền toái cho cha, anh chị em trong gia đình. Vì vậy, đứa trẻ phải chết theo mẹ càng sớm càng tốt, khi ấy linh hồn người mẹ sẽ được siêu thoát, người sống cũng khỏi bận lòng.

    Lạnh người hủ tục

    Bé Phước được ông Long cứu thoát khỏi hủ tục của người Bana

    Ngoài ra, những cô gái lỡ "ăn phải trái cấm" trước hôn nhân phải tự tay bóp chết đứa con mình vừa sinh ra. Nếu người mẹ không thể giết con thì anh em dòng họ của cô sẽ... giúp. Người Bana quan niệm những đứa trẻ không cha sinh ra là điềm gở, mang xui xẻo đến cho chính bản thân người mẹ và người dân trong làng. Hơn nữa, nếu người mẹ cố tình nuôi đứa con không cha này thì sẽ không có người đàn ông nào dám lấy cô làm vợ nữa.

    Những năm gần đây ở xã A Yun có 3 cháu nhỏ đối diện với cái chết đã được ông Long và các cán bộ xã cứu sống. Bà Trần Thị Hường, vợ ông Long, cho biết vào năm 2005 bà cùng chồng và 2 cán bộ xã cứu được em Đinh Hoàng Phước là con của chị Đinh Sang ở làng Tung Ke.

    Chị Sang là người đã có chồng, nhưng anh này đã qua đời. Sau đó chị có thai với người đàn ông khác, sinh ra cháu Phước. Theo lệ làng, đứa trẻ này sẽ bị xử tội chết. Những người họ hàng thân thích biết tin chị sinh đã kéo đến vây quanh để tạo áp lực buộc chị phải giết chết cháu bé. Trước áp lực của người thân, khi cháu Phước vừa từ bụng mẹ ló đầu ra, chị Sang dùng 2 đùi của mình kẹp chặt đầu Phước để cháu không kịp cất tiếng khóc chào đời. Biết tin, ông Long cùng vợ và 2 cán bộ xã có mặt, lao vào can ngăn để người mẹ trẻ không làm điều tội lỗi.

    "Lúc cháu bé vừa sinh ra, tôi vội chộp lấy chạy về trạm xá xã, phía sau là anh em họ hàng chị Sang rượt theo đòi cướp lại để giết chết. Bọn họ còn đánh tôi bầm cả lưng", bà Hường nhớ lại. Phước được vợ chồng ông Long nhận làm con nuôi và cho cháu ăn học đàng hoàng.

    Sinh con xong nhúng xuống nước

    Theo phong tục, mỗi lần người phụ nữ Đan Lai sinh con, chỉ sau một ngày họ phải mang đứa con nhỏ xuống dòng sông Giăng nhúng xuống nước lạnh. Người Đan Lai cho rằng, sông Giăng là nguồn sống của cả bộ tộc, vì vậy những đứa trẻ sinh ra đều phải được tắm dưới sông để sau này lớn lên chúng sẽ thích nghi với môi trường tự nhiên, sẽ khỏe mạnh như cây cổ thụ trong rừng, như con hổ vồ mồi. Những đứa trẻ nào sau khi tắm dưới sông mà không chịu được thì theo người Đan Lai, đó là ý trời và “con người sinh ra tắm còn không chịu được thì sau này lớn lên cũng không sống nổi”.

    “Ở đây nhà nào cũng vậy. Tôi đẻ được 9 đứa con, hai năm trước đứa cuối cùng xuống tắm mà nó không nổi lên nên chết rồi”, một người phụ nữ kể với nét mặt rất hồn nhiên. Lúc đó, ở ngoài bờ sông Giăng có một đứa trẻ sơ sinh đang được tắm. Ba bốn người nhà đứa trẻ xúm lại cho bé tắm, đứa trẻ khóc thét lên, còn đám người nhà thì cười sảng khoải vì như vậy là đứa trẻ đã sống. Mấy phút sau khi cậu bé được tắm xong, toàn bộ người tím tái, tay chân co quắp vì lạnh, cất lên tiếng kêu bẹ bẹ phát ra từ cổ họng.

    Lạnh người hủ tục

    Những em bé này lúc mới sinh ra được đem nhúng nước

    Anh Thau, chú của đứa trẻ vui mừng nói: “Lần nào có trẻ con tắm là chúng tôi lo lắm, lo chúng không trụ được thì gia đình mất đi một người con, mẹ nó sẽ khổ lắm”. Anh Thau cho biết thêm, đáng sợ hơn cả là vào mùa đông, thời tiết khắc nghiệt, lạnh tê người đến cả người lớn còn bỏ nương rẫy ngồi bên đống lửa, thế mà cặp vợ chồng nào sinh con đúng mùa đông, họ vẫn phải theo tục lệ nhúng con xuống tắm.

    Theo thống kê của các y tá xã Môn Sơn, thường những đứa trẻ sinh vào mùa đông sau khi tắm dưới sông Giăng lên đều bị chết, đứa khỏe thì cũng bị viêm phổi dẫn đến bệnh tật, còi cọc. Chính vì vậy mà tuổi thọ trung bình của người Đan Lai rất ngắn, chỉ khoảng 50 tuổi.

    “Sinh đôi giết một” tạ lỗi buôn làng

    Đó là hủ tục của người Tà Rẻ ở phía Bắc Tây Nguyên: nếu người mẹ mà sinh đôi thì buộc phải giết bỏ một trong hai đứa trẻ vừa chào đời.

    Hủ tục này được người Tà Rẻ gọi là “trả lại cho Giàng một đứa”. Khi sản phụ sinh đôi, chỉ còn một cách duy nhất là buộc phải lựa chọn một trong hai người con vừa sinh. Đứa trẻ xấu số được người mẹ bỏ đói trong rừng, trên rẫy cho đến chết. Trước khi đem con đi bỏ, người mẹ sẽ cho đứa trẻ bú thật no, cuốn nhiều tã lót cho ấm cùng những lời thì thầm cầu nguyện cho đứa con của mình về bên kia sẽ được Giàng che chở, sống một cuộc sống ấm no, đầy đủ. Có trường hợp sản phụ cho con bú no rồi cuốn tã treo con lơ lửng trên một cành cây lớn để thú dữ không ăn thịt con mình.

    Lạnh người hủ tục

    Theo hủ tục của người Tà Rẻ: phụ nữ sinh đôi buộc phải bỏ một bé

    Theo quan niệm cộng đồng người Tà Rẻ, hành động này không bị xem là có tội, thậm chí được coi là “dũng cảm” vì đã cứu buôn làng thoát khỏi sự chi phối của “con ma”. Họ quan niệm, sinh đôi sẽ có một con ma cần phải loại bỏ con ma này ra khỏi cộng đồng, trả nó về với Giàng, nếu không sẽ làm cho cả làng không làm ăn được, thiên tai, dịch bệnh kéo đến. Chưa hết, sau khi từ bỏ một người con, gia đình có sản phụ sinh đôi còn buộc phải mổ bò hoặc nghèo thì phải giết heo cúng vái, đãi cả làng ăn uống trong vòng một ngày để “tạ lỗi”.

    Theo một cán bộ chuyên phụ trách về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình xã Xốp, huyện Đakglei (Kon Tum), nhờ được sự tích cực tuyên truyền vận động mà ngày nay, hủ tục “giết một khi sinh hai” đã được đẩy lùi, cuộc sống văn minh đang từng ngày về với những buôn làng hẻo lánh, xa xôi nhất của cộng đồng người Tà Rẻ.

    Hủ tục "phơi nắng người chết" cả tuần rồi mới đem chôn

    Người Mông ở bản Lung Tang, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên (Sơn La) có tục lệ mai táng tồn tại hàng thế kỷ qua mà ai nghe qua cũng phải rùng mình. Khi một người trong gia đình chết, người thân của họ xem như còn sống nên vẫn giữ lối sinh hoạt như thường ngày. Người ta vẫn đút cơm, nước vào miệng cho người chết. Hàng ngày, người sống còn khiêng người chết ra sân, đặt ngửa lên tấm ván đã chuẩn bị sẵn, để người chết được "ngắm" mặt trời. Dù mưa to hay nắng cháy thì phải khi mặt trời khuất bóng mới được khiêng người chết vào nhà. Tùy vào người chết có bao nhiêu con, người nhà sẽ đem "phơi nắng" người chết từng đó ngày rồi mới được chôn cất…

    Lạnh người hủ tục

    Những tấm ván, cọc dùng để "phơi người chết" còn sót lại

    Tuy nhiên, việc chôn cất có nhiều kiêng kị, phải tìm được hướng tốt và ngày tốt. Người chết thường được mai táng trên một ngọn đồi, nhìn xa xa phải lọt thỏm hai ngọn núi khác, hai chân phải đạp vào một ngọn núi tiếp theo. Ngọn núi tiếp theo kia không được thấp hơn ngọn núi dùng để mai táng người chết. Việc chọn ngày tốt cũng tốn không ít thời gian. Chẳng thế mà theo nhiều người trong bản, có trường hợp người chết mấy tháng mới được mai táng. Do để lâu ngày lại không được bảo quản nên xác người chết bị phân hủy, thối rữa, gây ô nhiễm môi trường...

    Rất may những năm gần đây, do nhà nước tuyên truyền nên tục “phơi nắng người chết” đã được cải biên rất nhiều. Nếu trước đây mọi người để cả chục ngày mới mai táng người chết, thì nay thực hiện nếp sống mới, rút gắn chỉ trong 24 giờ mà thôi. Theo tục lệ trước đây, gia đình đút cơm và nước vào miệng người chết thì nay "cải biên" bằng cách cho vào cái lọ. Và nếu trước đây, mỗi người con trai phải mổ một con trâu hay một con bò để thết làng thì nay cả đám ma ấy chỉ mổ một, hai con mà thôi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lanh-nguoi-hu-tuc-sinh-doi-giet-mot-ghe-ron-o-viet-nam-a41448.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan