+Aa-
    Zalo

    Lãnh đạo Nhà nước có 3 phút để tuyên thệ khi nhậm chức

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ngày 24/11, Quốc hội thống nhất quy định, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, TT Chính phủ, Chánh án TAND tối cao phải tuyên thệ khi nhậm chức.

    (ĐSPL) - Sáng nay, 24/11, Quốc hội thống nhất quy định, ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND tối cao phải tuyên thệ nhậm chức.

    Tin tức từ báo Dân Trí, đây là vấn đề mới được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hoá trong Nội quy kỳ họp Quốc hội lần sửa đổi này. Theo đó, Chủ tịch nước với tư cách là Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước và 3 chức danh đại diện cho các khối cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nói trên ngay sau khi được bầu phải thực hiện việc tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.

    Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, Nội quy kỳ họp đã cho bổ sung một điều mới quy định về việc người tuyên thệ quyết định nội dung tuyên thệ phù hợp với trách nhiệm được giao. Người tuyên thệ phải đứng tuyên thệ trước Quốc kỳ, thời gian tuyên thệ không quá 3 phút.

    Đại biểu Quốc hội vắng mặt 3 ngày liên tiếp phải xin phép

    Cũng theo báo Dân Trí, nội quy kỳ họp sửa đổi cũng có nhiều quy định để đảm bảo việc thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội như dự họp đầy đủ, vắng mặt 3 ngày liên tiếp phải xin phép Chủ tịch Quốc hội.

    Cụ thể, Quốc hội thống nhất quy định, khi không thể tham dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại kỳ họp từ 3 ngày làm việc liên tục trở lên vì lý do chính đáng thì đại biểu phải báo cáo xin phép Chủ tịch Quốc hội.

    Trong trường hợp đại biểu Quốc hội phải tham gia các hoạt động như thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua hoặc thực hiện nhiệm vụ khác mà không thể tham gia phiên họp toàn thể, họp tổ hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội thì đại biểu chỉ cần báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp báo cáo Chủ tịch Quốc hội.

    Lãnh đạo Nhà nước có 3 phút để tuyên thệ khi nhậm chức. (Ảnh: Dân trí)

    Liên quan đến nội dung này, trong các phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cho phù hợp với đặc thù Việt Nam là có 2/3 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, không nên quản lý đại biểu Quốc hội theo cách hành chính bằng việc báo cáo, xin phép khi vắng mặt.

    Ý kiến khác cho rằng cần làm rõ quy định đại biểu Quốc hội phải báo cáo Chủ tịch Quốc hội quyết định trong trường hợp vắng mặt tại kỳ họp 3 ngày liên tục hay 3 ngày ngắt quãng? Có ý kiến đề nghị bổ sung chế tài đối với đại biểu Quốc hội trong trường hợp vắng mặt nhiều ngày mà không được sự đồng ý của Chủ tịch Quốc hội để nâng cao trách nhiệm của đại biểu.

    UB Thường vụ Quốc hội giải trình, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể, họp tổ, họp đoàn đại biểu Quốc hội và các phiên họp khác và thảo luận, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

    Lý lẽ được nêu ra là việc đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều tại hội trường trong các phiên họp là vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri, nhân dân cả nước không mong muốn.

    Công dân được vào dự thính tại các kỳ họp Quốc hội

    UB Thường vụ Quốc hội cũng hồi âm ý kiến đề nghị quy định công dân được dự thính tất cả các phiên họp công khai của Quốc hội và giao Tổng thư ký Quốc hội quy định việc công dân vào thăm quan nhà Quốc hội, dự thính Quốc hội họp.

    Theo đó, dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội lần này được sửa đổi theo tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vào tham quan nhà Quốc hội, dự thính các phiên họp công khai của Quốc hội một mặt nhằm nâng cao hiểu biết của người dân, mặt khác tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.

    Việc công dân được vào dự thính tại các kỳ họp Quốc hội là một việc làm mới đối với Quốc hội Việt Nam, nên cần thực hiện và rút kinh nghiệm để có điều chỉnh cho phù hợp. Vì vậy, dự thảo nội quy quy định giao Tổng thư ký Quốc hội tổ chức việc công dân dự thính các phiên họp của Quốc hội.

    Tiếp thu ý kiến đại biểu, nội quy kỳ họp cũng đã bỏ quy định Tổng thư ký Quốc hội “quyết định thông tin, tài liệu kỳ họp được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

    Hình thức biểu quyết tại phiên họp

    Với đề nghị cần tăng tính tranh luận, hạn chế tham luận trong các phiên họp toàn thể,  UB Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ chỉ đạo việc bố trí cách thức để đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận trực tiếp khi thảo luận.

    Liên quan đến việc biểu quyết tại phiên họp toàn thể, báo cáo tiếp thu giải trình không đề cập đến đề nghị công khai danh tính khi biểu quyết của nhiều đại biểu. UB Thường vụ Quốc hội chỉ giải trình, Luật Tổ chức Quốc hội quy định có hai hình thức biểu quyết là biểu quyết công khai và bỏ phiếu kín.

    Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, thực tế hiện nay, ngoài hình thức giơ tay và bỏ phiếu kín, Quốc hội còn đang thực hiện hình thức biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Đây là một hình thức biểu quyết phù hợp với đặc điểm hoạt động của Quốc hội nước ta, được áp dụng thực tiễn trong nhiều nhiệm kỳ qua.

    Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo Người đưa tin, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đưa quan điểm kỳ vọng rất nhiều vào Nội quy kỳ họp sửa đổi, đặc biệt là hình thức tuyên thệ.

    ĐB Dương Trung Quốc nói: “Tuyên thệ là một yếu tố mà tôi thấy rất hoan nghênh. Bởi vì, tuyên thệ là một hình thức có điều gì đó sâu sắc hơn là những lời hứa, nó gắn liền với trách nhiệm và danh dự. Đương nhiên, một người vô trách nhiệm và không tôn trọng danh dự của chính mình thì có lẽ, họ sẽ tự đào thải mình”.

    Cũng trong sáng 24/11, Quốc hội thông qua Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

    Theo đó, ngày bầu cử là ngày Chủ nhật, 22/5/2016.

    Theo báo Điện tử Chính phủ, Khoản 7 Điều 70 quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của Quốc hội:

    Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán TANDTC; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.

    Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.

    Đức An(Tổng hợp)

    Xem thêm video tin tức:

    [mecloud]UaV39UWASh[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lanh-dao-nha-nuoc-co-3-phut-de-tuyen-the-khi-nham-chuc-a121165.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.