Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ Viện Kevin McCarthy đã trở thành quan chức cấp cao đầu tiên của đảng Cộng hoà công khai ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử.
Ngày 3/1 (theo giờ Mỹ), Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã tuyên bố ủng hộ nỗ lực thách thức kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tại Quốc hội ngày 6/1 tới.
Theo đó, ông McCarthy đã trở thành quan chức cấp đao đầu tiên của đảng Cộng hoà đứng ra ủng hộ nỗ lực này.
Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố ủng hộ nỗ lực thách thức kết quả bầu cử tại Quốc hội ngày 6/1 tới. Ảnh: Getty |
Ông McCarthy phát biểu: "Tôi nghĩ rằng chúng ta nên có một cuộc tranh luận. Ý tôi là hiện giờ các thượng nghị sĩ đã phản đối, phe Hạ viện cũng phản đối. Chúng ta còn có cách nào khác để thay đổi kết quả bầu cử?"
Được biết, hơn 100 hạ nghị sĩ đảng Cộng hoà đã tuyên bố tham gia thách thức kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Quốc hội vào ngày 6/1 tới. Kế hoạch này lần đầu đươc công bố bởi Hạ nghị sĩ Mo Brooks vào giữa tháng 12 vừa qua, sau khi Đại cử tri đoàn chính thức bỏ phiếu bầu ông Joe Biden làm tổng thống đắc cử.
Sau tuyên bố của ông Brooks, nhiều nghị sĩ khác của đảng Cộng hoà cũng đã "nhập cuộc", tham gia vào nỗ lực thách thức kết quả bầu cử. Ngày 30/12, Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên của đảng Cộng hoà tỏ ý phản đối việc xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden. Điều này đồng nghĩa với việc 2 viện sẽ phải họp riêng để bỏ phiếu biểu quyết về vấn đề trên. Theo đó, kết quả bầu cử chỉ có thể bị bác bỏ nếu cả 2 đảng nhất trí với quyết định này.
Ngoài Thượng nghị sĩ Hawley, môt nhóm 12 thượng nghị sĩ khác được dẫn đầu bởi ông Ted Cruz hôm 2/1 cũng đã công bố kế hoạch giúp đỡ Tổng thống Trump lật ngược thắng lợi của ông Joe Biden.
Dù vậy, phần lớn các thành viên khác của đảng Cộng hoà bao gồm Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell đã phản đối những động thái trên. Trước đó, ông McConnell từng yêu cầu các thượng nghị sĩ của mình tránh xa và không tham gia vào nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử. Nguyên nhân là do ông lo ngại vấn đề này sẽ khiến đảng Cộng hoà bị chia rẽ sâu sắc và "đây không phải điều có lợi cho bất kỳ ai".
Minh Hạnh(Theo The Hill)