Theo các luật sư, sau khi chấp hành xong hình phạt 30 tháng tù, bị cáo Hoàng Công Lương vẫn tiếp tục được hành nghề bác sỹ theo các quy định của pháp luật.
Ngày 19/6 vừa qua, TAND tỉnh Hòa Bình đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Công Lương (SN 1986), cựu bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin, BVĐK tỉnh Hòa Bình 30 tháng tù về tội Vô ý làm chết người. Bản án không có hình phạt bổ sung về việc tước thẻ hành nghề hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ đối với bị cáo Lương.
Bị cáo Hoàng Công Lương lãnh 30 tháng tù giam. Ảnh: TTXVN |
Do đó, nhiều người thắc mắc, việc bị cáo Hoàng Công Lương phải chấp hành án tù giam, liệu anh có thể quay trở lại hành nghề bác sĩ?
Trao đổi với báo Lao Động, luật sư Hoàng Văn Hướng (người bào chữa cho Hoàng Công Lương) cho biết, ông sẽ khuyên Hoàng Công Lương không nên khiếu nạn bản án lên cấp giám đốc thẩm nữa, mà sẽ chấp hành hình phạt sớm, để có thể được tha tù trước thời hạn. Bởi cấp giám đốc thẩm có thể chỉ đánh giá lại tính chất, mức độ, vai trò và lỗi của Hoàng Công Lương, chứ không thay đổi về mặt tố tụng và định lại tội danh.
"Sau khi nghe bản án phúc thẩm, Hoàng Công Lương rất buồn. Nam bác sĩ bị trầm cảm và đang phải điều trị. Mong muốn của anh lúc này là sớm được hành nghề trở lại", luật sư Hướng cho biết.
Luật sư Hướng cho biết thêm, Luật Khám chữa bệnh và các hướng dẫn liên quan có quy định nếu bị truy tố hoặc bị kết án thì trước hoặc trong thời gian chấp hành hình phạt tù, bác sĩ sẽ bị thu hồi thẻ hành nghề khám chữa bệnh. Khi nào chấp hành xong án phạt tù, bác sĩ Lương phải chứng minh đủ các điều kiện để xin cấp lại.
Cũng giải đáp về vấn đề này, trả lời trên báo Người Đưa Tin, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết: Theo quy định tại Điều 41 – Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề là hình phạt bổ sung, được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án tiếp tục đảm nhiệm những chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định nào đó sau khi chấp hành hình phạt tù hoặc sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, nếu là hình phạt chính khác thì họ có thể lại có điểu kiện phạm tội mới.
Bị cáo Hoàng Công Lương vẫn có thể hành nghề bác sỹ sau khi ra tù. Ảnh: Người Đưa Tin |
Việc áp dụng hình phạt bổ sung này nhằm tăng cường hiệu quả của hình phạt chính đã áp dụng đối với người bị kết án, củng cố hiệu quả của hình phạt chính đó bằng cách tước bỏ môi trường (cương vị công tác, lĩnh vực hành nghề…) có thể tạo điều kiện cho người phạm tội dễ dàng phạm tội lại.
Luật sư Bình cho biết: Thời hạn cấm là từ một năm đến năm năm. Thời điểm tính thời hạn được tính như sau: Nếu hình phạt chính là tù có thời hạn thì thời hạn cấm tính từ ngày chấp hành xong hình phạt; nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo thì thời hạn tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, trong trường hợp này bị cáo Lương không bị HĐXX tuyên bổ sung thêm hình phạt này thì đương nhiên bị cáo Lương không phải bị cấm hành nghề. Và sau khi chấp hành xong hình phạt chính là 30 tháng tù thì Lương vẫn tiếp tục được hành nghề bác sỹ theo các quy định của pháp luật
“Về hồ sơ xin cấp lại chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, theo Luật khám chữa bệnh đã có quy định rất rõ. Hồ sơ này bao gồm đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, bản sao văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, văn bản xác nhận quá trình thực hành, giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề, phiếu lý lịch tư pháp…”. luật sư Bình nói.
Về hồ sơ xin cấp lại chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, Luật Khám chữa bệnh đã có quy định rất rõ. Hồ sơ này bao gồm đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, bản sao văn bằng hoặc giấy chứng nhận trình độ chuyên môn, văn bản xác nhận quá trình thực hành, giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề, phiếu lý lịch tư pháp... |
Nguyễn Phượng (T/h)