(ĐSPL) - Dù chính quyền đã xử lý, các thầy, bà bói gốc nông dân vẫn lén lút hành nghề với đủ kiểu lừa người không giống ai. Chắc chỉ có ở “làng xem bói” này, người ta mới tận mắt thấy cảnh thầy, bà bói vừa lên đồng vừa xem tivi và ăn nhậu. Ấy vậy, người dân nhiều nơi vẫn tìm đến để mong được soi thấu tương lai và bài trừ tai họa.
Mỗi dịp tết đến, trên đường hành hương thăm thú Núi Bà, người người lại rủ nhau rút quẻ tại “làng xem bói” Tây Ninh mà không biết mình đang “tiếp tay” những đối tượng chây lười lao động.
Video tham khảo:
Thầy cúng “bày trò”, nuốt tiền của dân
“Quan Thế âm” cũng mê phim Đài Loan (!)
Sau đợt truy quét của chính quyền địa phương, các thầy, bà ở “làng xem bói” thuộc xã Cầu Khởi (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) có phần e dè và lui vào hoạt động ngầm chứ không rầm rộ như trước. Âm thầm hơn, nhưng hễ ai đến ngã ba Đất Sét (xã Cầu Khởi) hỏi thăm đường vào “làng xem bói” thì sẽ được cánh xe ôm chỉ dẫn rõ ràng. “Làng xem bói” nằm trong khu dân cư thuộc các ấp Khởi Hà, Khởi Trung của xã Cầu Khởi. Những cụm nhà san sát nhau được phân chia bằng các con đường mòn đất đỏ và đánh số rõ ràng. Trên con đường số 10 thuộc ấp Khởi Hà, nhà của bà bói tên Phụng là to đẹp nhất. Ngôi nhà nước sơn còn mới tinh, rộng rãi, thoáng mát vang vang tiếng phim truyền hình Đài Loan.
PV báo Đời sống và Pháp luật trong vai khách du lịch phương xa vừa đi viếng Núi Bà, được người quen giới thiệu nên ghé nhà cô Phụng để xem bói. Bà Phụng đang nằm xem phim liền nhanh nhảu ngồi bật dậy mời khách vào nhà. Chồng và con gái bà Phụng nhanh chóng dọn dẹp đồ ăn đang bày bừa trên mặt chiếc bàn dài. Sau khi dò xét danh tính, nghề nghiệp khách và người giới thiệu, bà Phụng yên tâm khua môi múa mép. Bà vào phòng lấy khay trầu và thắp ba cây nhang. Khi đang thắp nhang, bà Phụng lí nhí dặn: “Lát nữa bà về nhớ gọi bằng mẹ nghe chưa? Muốn hỏi gì mẹ thì hỏi, chứ tôi không biết gì đâu?”.
Bà Phụng coi bói cho PV báo Đời sống và Phap luật. (ảnh Hà Nguyễn). |
Nói xong, bà Phụng đưa ba cây nhang lên cao quá đầu rồi rầm rì khấn vái trong khi vẫn ngồi yên vị trên chiếc ghế đối diện với khách. Sau vài giây, bà rùng mình và để ba cây nhang xuống cơi đựng trầu, tay run run cầm miếng trầu quét vôi và cho vào miệng nhai bỏm bẻm. Bất chợt, bà phun bã trầu, ra hiệu cho khách hỏi. PV hỏi về chuyện tình duyên, bà Phụng liền lấy ba cây nhang đang cháy hơ hơ trên lòng bàn tay ngồi nhắm mắt suy nghĩ rồi phán kiểu nước đôi khiến PV muốn bật cười nhưng cố kìm lại. Bà này tỏ vẻ bực mình khi khách cứ chăm chú quan sát mà không chịu hỏi “Mẹ Quan âm”. Bà Phụng nạt: “Có muốn hỏi “mẹ” gì thì hỏi đi!”.
Khi PV hỏi về sức khỏe của cha mẹ, cũng với cách thức hơ nhang trong lòng bàn tay, bà phán: “Cha mẹ con năm nay rơi vào năm tuổi, mắc bệnh nhưng rồi sẽ không sao, con cứ an tâm”. Bà Phụng phán tới đó thì bộ phim Đài Loan đang chiếu trên truyền hình đến hồi gay cấn. Bà Phụng quay sang xem phim rồi thảo luận với con gái: “Con này ác quá!” mà quên rằng mình đang lên đồng. Qua đoạn phim gay cấn, bà Phụng giật mình biết đã hớ trước mặt khách nên lớn giọng yêu cầu người nhà tắt tivi.
Bà chủ động cho khách một lá bùa, dặn dán vào hộc bàn để phòng ngừa bị đồng nghiệp hãm hại. Thực chất lá bùa trên chỉ là miếng giấy vàng mã được bỏ trong túi nilon nhỏ có ghi tên tuổi của khách. Tuy nhiên, để được gọi là bùa, bà “vẽ” nhang, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú trấn yểm. Khách tỏ ý cúng dường để đền ơn “mẹ” đã về độ trì, bà Phụng liền nhanh tay lôi dưới gầm bàn một cái lon nhôm và nói “tùy hỉ, cho bao nhiêu cũng được”. Sau khi khách ra khỏi cửa, bà Phụng cầm điều khiển bật ti vi để tiếp tục xem phim.
Lá bùa bà Phụng cho PV. (ảnh Hà Nguyễn). |
Chỉ loè được người xứ khác
Ngoài bà Phụng, người dân xã Cầu Khởi cho biết, trong làng còn rất nhiều thầy, bà khác vẫn âm thầm hoạt động như bà Trang, ông Đớt, cô Phượng, cô Nhung...Mỗi người một kiểu bói toán lạ đời, bị chính quyền xử lý liên tục mà vẫn không bỏ nghề. Nhà bà Trang ở đường số 12 (ấp Khởi Hà, xã Cầu Khởi), cách nhà bà Phụng chỉ một dãy nhà. Người dân bảo khi bị chính quyền xử lý bà này dời nhà nhưng vẫn trong xã Cầu Khởi để tiện bề hành nghề bói toán. Theo người dân, trước đây, bà Trang bói bằng cách viết chữ Tây, Tàu trên lá mãng cầu non.
“Không biết bà Trang đọc được gì trên đó mà người nào vào xem bả cũng phán khổ sầu, bảo phải giải hạn. Ai xem bói nhà bà Trang xong mặt cũng rầu rĩ, buồn bã, thấy thương mà khuyên nhưng người ta không nghe, cứ tin vào lời mê tín dị đoan”, cô L. (45 tuổi, ngụ xã Cầu Khởi) cho biết.
Hàng xóm của bà Trang, bà Phụng là ông thầy bùa Ba Đớt ngụ ấp Khởi Trung, xã Cầu Khởi cũng “danh tiếng” lẫy lừng. “Tà ma mạnh cỡ mấy đến ổng đều trục được hết. ổng xài trứng gà sống để phát hiện bùa ngải hay lắm”, người thân ông Ba Đớt níu chân khách khi “thầy” vắng nhà bằng những lời ma mị như trên. Theo người này, dù nhà ông Đớt trong hẻm sâu, đường lầy lội khó đi nhưng người từ nhiều nơi khác vẫn tìm đến chữa bệnh và xem bói.
Thoáng thấy thầy Ba Đớt về nhưng có vẻ đã có hơi men, PV liền tìm cách ra về để tránh rắc rối, còn người nhà ông này tỏ vẻ tiếc nuối và hẹn khách sớm quay trở lại. Rời nhà thầy Ba Đớt, PV tìm đến nhà cô Phượng cách đó cũng không xa và cũng bắt gặp những cách thức xem bói bằng lên đồng, nói xa gần kiểu nước đôi.
Chưa ở đâu, thầy, bà bói lại đỡ tốn công mà lại kiếm được tiền như “làng xem bói” ở xã Cầu Khởi. Theo ông H. (55 tuổi, ngụ xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu), mấy thầy, bà bói ở trong làng đều xuất thân là nông dân, ngày trước làm lúa, trồng bắp, hoặc làm thuê cho nông trường cao su. Do chây lười lao động, thích hưởng thụ xui khiến họ tìm đến cái nghề làm chơi ăn thiệt mà cũng chất chứa nhiều ác tâm. “Mấy người bói toán qua loa để ăn mấy chục ngàn tiền đặt tổ còn đỡ, nhiều người còn bày vẽ đủ trò bắt cúng cái này cái kia để làm tiền khách xem bói. Người dân xứ này có ai tin đâu, không biết tại sao người nơi khác biết đến mấy người này nữa. Họ phán lung tung, cứ tào lao dăm câu tuổi tác. Vậy mà, nhiều người nghe theo răm rắp”, ông H. cho biết.
Theo người dân xã Cầu Khởi, xã nhà mang danh “làng xem bói” bởi có quá nhiều thầy, bà bói toán vô tư sử dụng chiêu trò, trong đó có cả việc nhờ người giới thiệu để thu hút khách đến xem. Cả năm đều có khách đến xem bói nhưng đông nhất là vào dịp tết khi các đoàn khách tham quan, hành hương ở Núi Bà về.
Mấy năm trước, vào dịp tết, khách đến xem bói ở xã Cầu Khởi còn được chở đến bằng xe khách. Người hướng dẫn du lịch thường muốn thu hút mấy bà, mấy cô nên nghĩ ra cách dẫn họ đi xem bói. “Đàn bà nhẹ dạ, mê xem bói lắm, lại đi đông như thế nên chẳng ai sợ bị lừa. Năm trước còn đông đúc, nhiều nhà sát nhà mấy bà thầy bói còn kinh doanh nước uống, thức ăn. Nhưng, chính quyền đã xử lý rốt ráo nên họ lui vào hoạt động âm thầm, không còn nhộn nhịp như trước”, cô L. (45 tuổi, ngụ xã Cầu Khởi) cho biết thêm.
Chính quyền đã nhiều lần xử lý Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết: “Trước đây, UBND xã đã kết hợp với công an xử lý các trường hợp xem bói, chữa bệnh sai pháp luật của bà Phụng, bà Trang, ông Đớt. Trong đó, UBND xã đã đưa bà Phụng và ông Đớt ra kiểm điểm trước dân và họ đã cam kết không vi phạm nữa. Về phía bà Trang, do xã chưa có cơ sở nên chưa đưa ra xử lý mà chỉ nhắc nhở. Thời gian qua, việc bói toán ở địa phương đã lắng xuống nên chính quyền khó theo dõi và không phát hiện. Qua đây, UBND xã cũng gửi đến bà con ở các địa phương khác đừng tìm đến đây để xem bói toán nữa”. |