Thôn Phú Tiến, xã Nghĩa Phú và thôn Hoa Vinh Sơn, xã Nghĩa Hội là hai thôn nghèo của huyện miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An). Thời gian gần đây, làng trở nên “nổi tiếng” vì có nhiều người chết do ung thư.
Những con số bất thường
Cũng như các trưởng xóm khác nhưng có phần đặc biệt hơn, ông Đặng Xuân Pháp, xóm trưởng xóm Phú Tiến có thêm công việc là theo dõi, ghi chép về diễn biến của căn bệnh ung thư, quái thai và dị tật bẩm sinh của cả xóm trong từng năm.
|
Ngôi nhà của bệnh nhân 17 tuổi bị ung thư não. Ảnh: T.L |
Ông cho biết, số lượng những ca mắc các bệnh này trong xóm là rất lớn và đang tăng nhanh hơn trong những năm gần đây. “Người ta đã quên mất cái tên chính thức của xóm tôi (Phú Tiến – PV) mà thay vào đó gọi là làng ung thư. Bởi, trong mấy năm gần đây, bình quân mỗi năm, xóm có khoảng 4 - 5 ca mắc mới và những người chết hầu như đều do ung thư chứ không phải do tuổi cao”.
Theo ông Pháp, trong vòng 7 năm trở lại đây, toàn xóm có 37 ca mắc ung thư, hiện có 8 ca đang trong tình trạng nguy kịch. Tính sơ bộ, tỉ lệ mắc bệnh ung thư trong xóm chiếm khoảng 4,1\%. Đó vẫn chưa phải là con số chính thức. “Nhiều người dân vẫn phải âm thầm sống chung với nó mà không hề hay biết. Ngoài bệnh ung thư, trong xóm có tới 9 ca bị dị tật bẩm sinh và quái thai”, ông Pháp cho hay.
Nằm liền kề với xóm Phú Tiến còn có 2 xóm Bình Minh, Hoa Vinh Sơn (thuộc xã Nghĩa Hội) cũng chung cảnh “làng ung thư”. Ông Cao Xuân Tăng, xóm trưởng xóm Hoa Vinh Sơn cho biết: “Xóm tôi có hơn 200 nhân khẩu nhưng khoảng dăm bảy năm về đây có tới 13 ca ung thư, còn sẩy thai, đẻ non, u xơ thì nhiều vô kể. Chúng tôi lo nhất là có nhiều trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời còn rất trẻ, như cháu Lê Đình Vũ (17 tuổi, ung thư não), cháu Cao Xuân Phương (19 tuổi, ung thư máu). Có những gia đình có 2 - 3 người cùng bị mắc ung thư như ông bà Nguyễn Hồng Khâm - Nguyễn Thị Thế, hay trường hợp 2 cha con Cao Văn Phượng - Cao Xuân Phương phát hiện bệnh cùng lúc và chết cách nhau chưa đến 1 tháng…”
Do nguồn nước ô nhiễm
Ông Tăng kể rằng: “Xóm tôi và mấy xóm xung quanh như Phú Tiến, Bình Minh, Vinh Quang đều dùng nước lấy từ đập Phú Thọ. Con đập này chảy ra từ lòng của nông trường, trước đây trồng cà phê. Dạo trước thì chưa mấy ai quan tâm, nhưng từ khi thấy nhiều người bị ung thư, bà con mới nghi ngờ chất lượng nước”.
Theo ông Nguyễn Văn Long, công nhân đã về hưu sống tại xóm Phú Tiến: “Địa bàn xóm Phú Tiến từng là khu vực chứa phân bón và thuốc trừ sâu của nông trường cà phê 1.5. Tại đây, có 2 kho chứa thuốc bảo vệ thực vật loại 666 và DDT. Đây là những loại thuốc cực độc đối với con người và hiện đã bị cấm sử dụng, nhưng để phân huỷ thì phải mất hàng chục năm”.
Trong khi đó, ông Pháp cho biết, bà con ở đây hoàn toàn dùng nước giếng khoan thô chưa qua lọc. Do kinh tế khó khăn nên các gia đình không thể mua được máy lọc nước và đành phó mặc số phận cho “thần chết”. “Mấy năm nay, hầu như ở cuộc tiếp xúc cử tri nào chúng tôi cũng kiến nghị vấn đề này nhưng người ta cũng chỉ hứa là sẽ xem xét và báo cáo lên trên. Còn giải pháp như thế nào, bao giờ triển khai, thì không ai biết”, ông Pháp lo lắng.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Trương Quang Thắng, chủ tịch UBND xã Nghĩa Phú cho biết, sau khi người dân phản ánh, đã có 3 đoàn công tác của sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa về kiểm tra, khảo sát. “Các đoàn cho rằng có nguyên nhân từ nguồn nước ô nhiễm bởi thuốc sâu và khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn nước giếng như hiện nay”, ông Thắng nói thêm. Tuy nhiên, vị chủ tịch xã cũng cho biết, UBND xã đã đề nghị xây dựng nhà máy nước sạch nhưng chưa làm được vì vướng ngân sách.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-ung-thu-do-dung-nuoc-gieng-a68464.html