+Aa-
    Zalo

    Lạng Sơn: Khốc liệt “cuộc chiến” máu chảy cùng thông

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Từ việc vận chuyển vào ban đêm, lâm tặc đã chuyển sang khai thác trắng trợn vào ban ngày. “Cuộc chiến” của người dân bảo vệ rừng với “lâm tặc” cực kỳ khốc liệt, đã có người chết.

    (ĐSPL)- Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn, nạn khai thác lâm sản trái phép đã trở nên rất phức tạp.
    Cùng với giá nhựa, gỗ cao ngất ngưởng là tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, khai thác trái phép rừng tự nhiên, chặt trộm rừng trồng, đốt rừng và cướp gỗ, nhựa cứ âm ỉ diễn ra, thậm chí đã xảy ra án mạng.
    Tranh, cướp, giết nhau vì thông
    “Lâm tặc” thường xuyên nhòm ngó đến các khu rừng tự nhiên hẻo lánh ở Đình Lập, Lạng Sơn. Chị Mã Thị L. khu I, thị trấn Đình Lập, cho biết: “Gia đình tôi được công ty giao khoán bảo vệ hơn 2.000 cây thông tại Khe Vuồng, xã Đình Lập. Nhiều tốp người lạ đã ngang nhiên đưa cưa máy đến cắt cây giữa ban ngày. Khi chúng tôi lên tiếng phản đối, chúng thách thức và đe dọa. Không những riêng gia đình tôi mà tất cả những hộ khác ở trên địa bàn cũng đều chung số phận như vậy. Lúc đầu, khi các đội khai thác của công ty tiến hành khai thác theo kế hoạch thì các đối tượng này còn lén lút cắt gỗ và vận chuyển ban đêm, nhưng càng về sau, hoạt động này càng diễn ra công khai, chúng cướp gỗ ngay giữa ban ngày”.
    Lạng Sơn: Khốc liệt “cuộc chiến” máu chảy cùng thông
    “Cuộc chiến” của người dân được giao khoán bảo vệ rừng với “lâm tặc” đã cực kỳ khốc liệt. Ảnh minh họa.
    Khi công ty Lâm nghiệp Đình Lập tại Khe Vuồng, xã Đình Lập tiến hành khai thác gỗ theo kế hoạch, cũng là lúc nhiều đối tượng khác lợi dụng vào khai thác trộm. Lúc đầu, chúng còn lén lút nhưng dần dần trở nên công khai. Từ việc vận chuyển vào ban đêm, chúng đã chuyển sang khai thác trắng trợn vào ban ngày.
    “Cuộc chiến” của người dân được giao khoán bảo vệ rừng với “lâm tặc” đã cực kỳ khốc liệt, thậm chí chết người. La Văn Thành, trú tại thôn Phật Chỉ, xã Đình Lập cùng một số người khác đến khu vực đồi thông của gia đình Vi Trường Vương để chặt trộm thì bị phát hiện và ngăn chặn. Hai bên lời qua tiếng lại, Thành đã đe dọa mẹ Vương và khởi động chiếc máy cưa tay nhưng máy không nổ. Vương liền cầm dao dựng ở bên cạnh, lao tới chém vào tay phải của Thành làm rơi cưa và chém tiếp ba phát nữa vào tai phải, gáy và lưng của Thành. Thành được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Đình Lập nhưng do vết thương quá nặng, đã tử vong. Vương chạy đến công an huyện đầu thú.
    “Lâm tặc” cướp gỗ lâm trường
    Tình trạng khai thác gỗ trái phép ở lâm trường Đình Lập đã diễn ra từ vài năm nay. Theo người dân ở thôn Tà Hón, xã Đình Lập: Thời kỳ còn nhiều gỗ thì những chuyến xe tải lớn thường đến chở gỗ đi. Tà Hón chỉ là điểm tập kết vì nằm ngay bên quốc lộ 4B, lại ít rừng. Gỗ khai thác chủ yếu ở các thôn Còn Mò, Kim Quán, Nà Pá (cũng thuộc xã Đình Lập), thôn Quang Hòa (xã Cường Lợi).
    Tại thôn Còn Mò, thời kỳ là điểm nóng về nạn chặt phá rừng, gỗ chất đầy đường, những cây thông đường kính khoảng 30cm bị đốn ngổn ngang. Thân gỗ được cắt khúc dài cỡ 1 mét, xếp thành đống vài khối một. “Lâm tặc” không cắt sát gốc để lấy diện tích trồng mới như quy trình của ngành lâm nghiệp mà đốn ngang đầu gối. Việc khai thác này đã khiến cho những cây thông lớn chỉ lấy được vài khúc gỗ, còn trơ lại gốc với cành và ngọn. Để trồng được cây đường kính bằng chừng này phải mất hai mươi năm, nhưng một đêm, hai “lâm tặc” đã cắt vài mét khối, bằng mấy chục năm người trồng rừng thực hiện. Tại lâm trường Đình Lập còn hàng chục điểm chặt phá rừng trái phép như thế này.
    Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Quang Hưng, Phó Giám đốc công ty Lâm trường Đình Lập cho rằng, công ty đã nỗ lực bằng mọi biện pháp, tăng cường công tác bảo vệ nhưng “lâm tặc” quá đông, rất manh động và liều lĩnh, nên mọi nỗ lực đều trở nên bất lực. “Lâm tặc” còn tấn công cả lực lượng bảo vệ lâm trường và phương tiện.
    Rừng đã cạn kiệt
    Năm 2013 trên diện tích rừng công ty Lâm nghiệp Đình Lập quản lý xảy ra bốn vụ cháy với diện tích 5ha. Điển hình là cuối năm 2013, rừng tự nhiên Khuổi Quầy ở thôn Nà Táng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập đã bị một số đối tượng ngang nhiên mở đường vào khai thác. Nạn khai thác trái phép dẫn tới xóa sổ rất nhiều các khu rừng tự nhiên, rừng thuộc quyền quản lý của công ty Lâm trường Đình Lập, đặc biệt là khu rừng đặc dụng Lâm Ca, rừng Đồng Thắng. Khi gỗ thông khai thác hết lại đến mùa nhựa thông. Hiện, giá nhựa thông mà thương nhân thu mua tại địa bàn đã trên 30.000đồng/kg. ông Bế Văn Tiết,  Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Đình Lập cho biết, một số đối tượng tiến hành khai thác trộm gỗ thông và nhựa thông của lâm trường đã diễn ra nhiều năm nay. Việc khai thác bừa bãi này đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn lâm sản trên địa bàn huyện Đình Lập.                   

    Lợi dụng chính sách để khai thác trộm

    Theo người dân địa phương thì, việc khai thác lâm sản trên địa bàn huyện Đình Lập diễn ra tràn lan và phức tạp vì một số đối tượng đã lợi dụng Quyết định số 40 của bộ Nông Nghiệp & Phát triển nông thôn (cho phép chính quyền cấp xã có thẩm quyền cấp giấy phép cho các hộ trồng rừng đã đến kỳ khai thác được chặt tỉa kết hợp với trồng mới). Một số hộ được cấp phép cắt tỉa nhưng tận dụng để chặt gỗ. Bên cạnh đó, những tờ giấy có đóng dấu đỏ cho phép cắt tỉa, khai thác rừng đã vô hình chung tạo điều kiện cho “lâm tặc” vận chuyển gỗ lậu ra bên ngoài.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-son-khoc-liet-cuoc-chien-mau-chay-cung-thong-a38343.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan