2018 là năm thứ ba Lạng Sơn bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Với những đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Lạng Sơn đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Đây là những tiền đề quan trọng để Lạng Sơn tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và những năm tiếp theo.
Năm 2018, tỉnh Lạng Sơn có 17/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,36% so với mục tiêu từ 8 – 8,5%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông, lâm nghiệp chiếm 20,30%; công nghiệp - xây dựng chiếm 19,68%; dịch vụ chiếm 49,78%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) tăng từ 32,2 triệu đồng năm 2015 lên 38,4 triệu đồng năm 2018. Kinh tế cửa khẩu trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu tiếp tục được đầu tư hoàn thiện hơn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đoạn cao tốc Hữu Nghị - Tân Thanh đã được UBND tỉnh Lạng Sơn bổ sung vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn |
Bên cạnh đó, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai có hiệu quả: Đã hình thành một số hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả. Tại Lễ tôn vinh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018 có 5 sản phẩm là Na Chi Lăng, Quýt Bắc Sơn, Hồng Vành Khuyên Văn Lãng, Thạch đen Tràng Định, Bún ngô Đình Lập được trao danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp việt Nam”. Hết năm 2018 hoàn thành xây dựng 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn toàn tỉnh lên 48 xã; ước hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 16,7%, giảm 3% so với cùng kỳ.
Na Chi Lăng - Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018 |
Để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, công tác tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, chính sách đầu tư của tỉnh được thực hiện thường xuyên, liên tục. Lòng tin vào môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh được củng cố, đã tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới các nhà đầu tư mới. Trong giai đoạn 2016 – 2018, tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh khoảng 48 nghìn tỷ, vượt hơn 11% so với mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh có gần 100 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Riêng năm 2018, tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 35 dự án mới; trong đó có 32 dự án trong nước, 3 dự án có vốn nước ngoài với tổng vốn đăng ký 7.527 tỷ đồng. Đồng thời điều chỉnh 27 dự án vốn đầu tư trong nước và 5 dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó đã có nhiều dự án quan trọng được triển khai thành công và đưa vào khai thác cho hiệu quả kinh tế – xã hội cao như: Khu trung tâm thương mại – nhà phố liền kề của Tập đoàn VinGroup, cầu Kỳ Cùng, khu dân cư Nam thành phố, thủy điện Bắc Khê I; thủy điện Thác Xăng… và một loạt các dự án lớn đã và đang sẵn sàng triển khai như: Đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Dự án Khu quần thể du lịch Mẫu Sơn, Nhiệt điện Na Dương II…
Khu quần thể du lịch Mẫu Sơn |
Trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, công tác đầu tư xây dựng và chỉnh trang đô thị đã được thực hiện và đạt kết quả nhất định. Kiến trúc và cảnh quan đô thị đã được quan tâm đầu tư phát triển, diện mạo khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, thành phố Lạng Sơn được khang trang hơn. Các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng được tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh theo đúng quy định, chất lượng các đồ án từng bước được nâng lên, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều khu đô thị mới đã được hình thành, được lập quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và nhà ở như khu đô thị phú Lộc I+II, khu đô thị phú Lộc III, khu đô thị phú Lộc IV, khu đô thị Nam Hoàng Đồng I, khu đô thị mới Mai Pha, thành phố Lạng Sơn và Khu dân cư N20, thị trấn Cao Lộc, phấn đấu xây dựng đầu tư xây dựng thành phố Lạng Sơn đến năm 2020 trở thành đô thị loại II và thành lập thị xã Đồng Đăng.
Các lĩnh vực văn hóa xã hội trong năm 2018 có nhiều tiến bộ. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 14.560 người đạt 104% kế hoạch, tổ chức dạy nghề cho 12.590 người, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 2,4 % so với năm 2017; Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng lên, cơ sở vật chất lớp học được tăng cường. Đến hết năm 2018 số trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh là 192 trường; Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội được triển khai đồng bộ và có hiệu quả; Tỉnh tổ chức thành công một số lễ hội lớn như: Lễ hội Hoa anh đào xứ Lạng lần thứ nhất – 2018, Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ II…
Những kết quả nổi bật trong phát triển KTXH của tỉnh năm 2018 là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục đề ra những giải pháp quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2019 và những năm tiếp theo, trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Đại hội Đảng các cấp. Hoàn thành các mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đưa Lạng Sơn phát triển và hội nhập./.
Thu Hà