(ĐSPL) - Khi thấy bé A. có triệu chứng viêm phổi, người nhà đưa bé vào viện nhưng điều trị được 4 ngày thì bé A. tử vong, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân.
Mới đây, trên Facebook P.N.T có chia sẻ một status nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng. Người này viết trên status: "Thật buồn với các bác sĩ khoa Nhi - bệnh viện Lạng Sơn, con người ta chỉ bị viêm phổi nên phải nhập viện được 3 hay 4 ngày lại lây tiêu chảy của bé khác. Vậy mà bác sĩ bảo bình thường, thấy cháu đi ngoài nhiều quá, người nhà xót cháu, gọi bác sĩ vào khám thì bảo bình thường, phải 5 hôm mới hết đi ngoài mà còn bảo đi ngoài hết mới tốt.
Được hôm thứ 2, bé đã mất bao nhiêu nước rồi. Sáng ra tầm hơn 8h, chị mình thấy cháu yếu quá, nhờ người nhà qua gọi bác sĩ. Các bác sĩ bảo chờ giao ban xong đã. Giao ban xong mới đến cấp cứu cháu mình. Lúc đó đã quá muộn, cháu bé nhà mình mới có 14 tháng thôi”.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV qua điện thoại, chị Nguyễn Bích Huyền (trú phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn) - mẹ bé gái được nhắc đến ở trên, cho biết, con gái chị tên Phan Bảo A. (14 tháng tuổi). Thấy con có biểu hiện viêm phổi nên chị đưa con vào viện khám nhưng không ngờ sau khi vào viện bé lại bị tiêu chảy.
Cháu Phan Bảo A. tử vong không rõ nguyên nhân sau khi vào viện. |
Theo đó, cháu Bảo A. bắt đầu vào viện từ hôm 28/11/2016 sau khi có triệu chứng viêm phổi như ho, sốt. Sau khi vào viện, cháu Bảo A. được các bác sĩ điều trị bình thường, khỏe mạnh.
Tuy nhiên đến ngày 1/12, cháu Bảo A. có biểu hiện đi ngoài nhiều, gia đình lo lắng nên đã thông báo sự việc cho bệnh viện. Khi xuống thăm khám, bác sĩ nói tiêu chảy là một trong những triệu chứng của bệnh viêm phổi, bệnh này bao gồm tiêu chảy, nôn trớ, ho và cháu bé sẽ mệt hơn và cho rằng đây là triệu chứng bình thường, sẽ tự hết.
“Bác sĩ cũng nói với tôi rằng, cháu bé sẽ đi ngoài khoảng 5 đến 7 hôm rồi tự hết. Sau khi nghe bác sĩ nói vậy, tôi cũng yên tâm nhưng vẫn theo dõi con. Suốt một ngày, tôi cho con bú sữa, uống nhiều nước để bù nước bị mất. Tuy nhiên, mỗi khi ăn uống gì, bé lại nôn hết. Cả đêm hôm ấy con tôi cũng không ngủ, không ăn, không uống được và vẫn bị đi ngoài liên tục. Người lớn bị đi ngoài nhiều còn mệt chứ nói gì đến con gái tôi mới được 14 tháng mà đi ngoài cả ngày lẫn đêm, không cầm được, ăn bao nhiêu cũng bị nôn hết”, Chị Huyền nói thêm.
Cũng theo chị Huyền, đến sáng ngày 2/12, thấy cháu Bảo A. có hiên tượng mệt hơn nên gia đình tiếp tục thông báo cho y tá bệnh viện và cháu Bảo A. được đưa đi lấy máu xét nghiệm. “Sau khi lấy máu được mấy tiếng, con gái đột nhiên tím ngắt chân tay. Tôi vội vàng bế con sang phòng hành chính báo với y tá, nhưng y tá này cũng chỉ khám qua loa, đo nhiệt độ, cắm dây truyền, cho uống thuốc hạ sốt.
Đến 7 giờ tối, nước truyền không vào tay con mình nữa, chồng tôi lên gọi y tá cắm lại dây truyền, chườm cho cháu, cho uống thuốc hạ sốt. Đến tối bác sĩ trưởng khoa xuống, ấn bụng con gái tôi và nói đây là tiêu chảy bình thường, đi ngoài 5 đến 7 hôm sẽ tự hết. Đến 9 giờ tối, con gái tôi được các bác sĩ rút kim truyền ra”.
Tuy nhiên, sau khi được truyền bé gái vẫn không hết đi ngoài và ngày càng nặng hơn. “Cả một đêm con gái tôi vẫn bị đi ngoài và yếu đi rất nhiều. Đến sáng hôm sau, khi thấy con gái đã yếu quá, tôi bế con sang phòng y tá. Y tá nói bác sĩ sẽ sang khám. Nhưng lúc đó đã không kịp, vì con tôi đã mất trong buổi sáng hôm đó”, chị Huyền buồn rầu nói.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn xác nhận trường hợp cháu Phan Bảo A. Vị lãnh đạo này cho biết: "Về trường hợp tử vong của cháu bé Bảo A., bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã họp kiểm thảo tử vong. Hiện tại, phía bệnh viện chúng tôi chưa có kết luận chính thức nguyên nhân về trường hợp trên.
Sau khi họp kiểm thảo tử vong, chúng tôi mới xác định nguyên nhân tử vong và tinh thần, thái độ làm việc, chuyên môn của bác sĩ có vấn đề gì không, sau khi có kết luận mới họp hội đồng khoa học, hội đồng chuyên môn và đưa ra phương án kỷ luật”.
"Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính" quy định tại Điều 99 Bộ luật Hình sự. 1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm. 2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm. 3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |