+Aa-
    Zalo

    Làng quê nghèo ở Can Lộc có 127 giáo sư, tiến sĩ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Làng quê nghèo này đã sinh ra và nuôi dưỡng hai vị Bộ trưởng, học sinh nơi đây cũng đỗ đại học Harvard danh giá tận bên Mỹ...

    Làng quê nghèo này đã sinh ra và nuôi dưỡng hai vị Bộ trưởng, học sinh nơi đây cũng đỗ đại học Harvard danh giá tận bên Mỹ...

    Đường vào xã Kim Lộc (nay là xã Kim Song Trường). 

    Xã mới Kim Song Trường là vùng đất chính của tổng Lai Thạch xưa nổi tiếng địa linh nhân kiệt. Cách nay khoảng 600 năm, sông Linh Giang bắt nguồn từ La Giang - Đức Thọ chảy qua vùng đất này đổ về Nghèn (Can Lộc) rồi xuôi về phía biển. Nguồn nước ngọt mang nặng phù sa đã bồi đắp nên ruộng đồng màu mỡ.

    Một gia đình có 9 Giáo sư, Tiến sĩ

    Chia sẻ với PV Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Huy Lập - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Tân Lộc, nay là Chủ tịch Hội khuyến học - cựu giáo chức xã Kim Song Trường nói rằng, truyền thống hiếu học của xã đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhiều bậc hiền nhân đã được trưởng thành từ vùng quê nghèo này.

    Vùng đất Kim Song Trường có phía Tây là dãy Trà Sơn, đằng Đông là dãy Hồng Lĩnh và một nhánh rú Cài là Phượng Sơn ăn sang nên Lai Thạch xưa là vùng đất tốt về phong thổ, vừa cận sơn, vừa cận thủy. Đất lành chim đậu, cư dân nhiều nơi đã quần tụ về đây lập nên các làng cổ như Trường Lưu, Mật Thiết, Vĩnh Gia, Nguyễn Xá, Yên Tràng, Phúc Hậu, Phúc Xá với nhiều dòng họ danh tiếng.

    Theo lời kể, nổi tiếng về truyền thống hiếu học nhất trong xã là làng Trường Lưu bát cảnh.

    Cụ thể, linh khí đất trời và truyền thống dòng họ Nguyễn Huy đã sinh thành và nuôi dưỡng những con người tài hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) là người có công lớn làm nên Trường Lưu học hiệu và Phúc Giang thư viện gắn liền với 2 di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản Trường học Phúc Giang và Hoàng Hoa sứ trình đồ.

    Vị Tiến sĩ đầu tiên của làng là cụ Nguyễn Hành, một danh sĩ thời Lê - Trịnh. Ông là tiến sĩ khoa Hội và Đình năm Quý Sửu (năm 1773) niên hiệu Long Đức Lê Thần Tông, năm thứ 2.

    Ông cũng từng làm thầy giáo và có nhiều môn sinh hiển đạt như: Phan Khiêm Thụ (đỗ tiến sĩ khoa Đinh sửu, năm 1757); Nguyễn Khản (Thượng Thư bộ Lại, con đầu của Quận công Nguyễn Nghiễm, anh cả của Nguyễn Du, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn, năm 1760); Ngô Phúc Lâm (đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất, năm 1766); La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (thi Hương đỗ giải Nguyên tức thủ khoa trường Nghệ An năm Quý Hợi, niên hiệu Lê Cảnh Hưng năm thứ 4 là năm 1743).

    Đại thi hào Nguyễn Du cũng từng có thời gian là học trò của cụ Nguyễn Hành khi còn bé.

    Bên cạnh cụ Nguyễn Hành phải kể đến Tiến sĩ Trần Tịnh, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp… đều là những người con ưu tú của mảnh đất địa linh nhân kiệt này.

    Ông Nguyễn Văn Giai (83 tuổi), hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ Nguyễn Bật cho chúng tôi xem những bút tích của vua Quang Trung gửi cho Nguyễn Thiếp. Những bút tích này được ông cất công ra tận thư viện Quốc gia và sao chép lại.

    Người Kim Song Trường nhiều thế hệ nối tiếp nhau chăm lo đèn sách, lấy khoai sắn thay cơm để nuôi khát vọng học tập, lập thân lập nghiệp, nhiều người thành đạt.

    Tiêu biểu là Giáo sư, Tiến sĩ Vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Tứ (làng Nguyên Xá), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trần Huỳnh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất; Giáo sư Nguyễn Trọng Thụ - nguyên Hiệu trưởng trường Đh Y khoa Hà Nội (làng Yên Tràng); Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ; Giáo sư Nguyễn Huy Hoàng (làng Trường Lưu)...

    “Theo thống kê của chúng tôi, hiện xã Kim Song Trường có 127 tiến sĩ, trong đó có 9 giáo sư và 16 phó giáo sư đang sinh sống và công tác trên khắp mọi miền đất nước. Chúng tôi vô cùng tự hào với những đóng góp của các giáo sư, tiến sĩ là con em quê hương đối với đất nước nói chung và Kim Lộc nói riêng. Đặc biệt, nhờ tấm gương của đội ngũ giáo sư, tiến sĩ là con em quê hương này mà lớp lớp học sinh của chúng tôi hiện đang hăng say học tập” - Chủ tịch Hội khuyến học - cựu giáo chức xã Kim Song Trường tự hào nói.

    Đền thờ Dương Trí Trạch. Ảnh: canloc.hatinh.gov.vn

    Theo ông Lập, các dòng họ trong xã vẫn thường lấy thành tích học tập của con cháu để "đọ" vói nhau.

    Đặc biệt, riêng gia đình Nhà giáo Nhân dân, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Huỳnh có đến 8 người con (4 người con trai), (3 người con dâu), (một người con rể) là Giáo sư, Tiến sĩ. Bốn người con trai của Giáo sư có học hàm, học vị cao như Tiến sĩ Trần Hồng Sơn; Tiến sĩ Trần Hồng Hà (Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường); Tiến sĩ Trần Hồng Hải; Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái (con út); con dâu Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Mai...

    Học sinh trường làng đỗ Harvard

    Năm học 2019-2020, xã Kim Song Trường có đến 45 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Đặc biệt, nổi bật trong những thế hệ trẻ có thành tích cao trong học tập của xã có thể kể đến em Nguyễn Huy Trường Nam.

    Trường Nam sinh ta tại xã Kim Song Trường, nhưng hiện nay sống cùng bố mẹ tại thủ đô Moscow (Nga).

    Sau khi chuyển sang Nga sinh sống, Nam đã đạt hơn 100 giải thưởng, trong đó có những giải lớn như Lập trình mở rộng khối các nước thuộc Liên Xô cũ; giải Toán toàn Nga. Em cũng là một trong những học sinh xuất sắc nhất hệ chuyên của Đại học Tổng hợp Lomonoxop, trường đại học hàng đầu nước Nga.

    Đáng chú ý, năm 2015, Nam được 4 trường đại học hàng đầu thế giới chấp nhận học với mức bổng toàn phần và Nam đã chọn Havard.

    Năm 2019, Nam tốt nghiệp đại học Harvard và đang làm việc tại một công ty tài chính tại Mỹ.

    Ngoài Nam ra, hiện nay trên địa bàn xã cũng có nhiều em lựa chọn đi du học nước ngoài ở nhiều nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada,...

    Để khuyến khích tinh thần hiếu học cho thế hệ trẻ, lãnh đạo xã luôn tổ chức các hoạt động khuyến học, khen thưởng cho những cá nhân có thành tích học tập tốt, tạo nguồn học bổng cho đối với những em học giỏi nhưng gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

    Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Làng Trường Lưu. Ảnh: canloc.hatinh.gov.vn 

    Xã mới Kim Song Trường với quy mô dân số 8.905 người, diện tích 1.600 ha đang bước vào thời kỳ phát triển với thế và lực mới trên nền truyền thống văn hóa.

    Đến nay, xã này là địa phương đứng đầu cả nước với 6 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh và 2 di sản văn hóa tầm thế giới.

    Thủy Tiên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-que-ngheo-o-can-loc-co-127-giao-su-tien-si-a345274.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan