(ĐSPL) - Với nghề buôn bán thịt lợn, người làng Miêng Thượng (xã Hoa Sơn, Ứng Hòa, Hà Nội) đã trở nên giàu có với những ngôi biệt thự san sát nhau.
Cả làng buôn bán thịt lợn
Cách đây hơn 10 năm về trước, làng Miêng Thượng được bao quanh bởi bốn bề là đồng ruộng, những căn nhà cấp bốn lụp xụp, xiêu vẹo. Thế mà chỉ hơn 10 năm sau, làng Miêng thay đổi kỳ diệu, khó có làng nào trong vùng đuổi kịp với những ngôi biệt thự cao tầng nằm san sát, nối thành một con phố chạy dọc từ đầu đến cuối làng.
|
Những ngôi biệt thự nằm san sát nhau ở làng Miêng Thượng. (Ảnh: Công lý). |
Người làng Miêng nay đã không còn tha thiết với đồng ruộng mà thay vào đó là những buổi đi chợ kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Được biết, trong làng Miêng, ông Nguyễn Văn Sinh (SN 1944) là người đầu tiên ra Hà Nội lập nghiệp bằng nghề bán thịt lợn.
Kể lại với PV
Infonet, ông Sinh cho biết, hiện nay, 3 trong số 4 người con của ông Sinh đều nối gót cha mẹ, làm giàu từ nghề buôn bán thịt.
Ông Sinh nhớ lại “thời điểm những năm 1997, 1998, trung bình một ngày người con trai cả bán hết 6 con lợn thu lãi 3, 4 triệu/ngày là chuyện bình thường. Đến nay, tất cả các con của ông đều có rinh cơ riêng và có tiền tỷ trong nhà”.
Thấy gia đình ông giàu lên nhanh chóng, người dân trong làng từ đó mới bắt đầu học theo. Nhà nhà vận động con cháu ra Hà Nội đi chợ, có những gia đình 5 người con thì cả 5 người đều đi bán thịt.
“Anh em, họ hàng kéo nhau ra Hà Nội, dạy nhau thành nghề mới cho đi kiếm chỗ để bán. Cứ như thế, người nọ dìu dắt người kia, tính đến nay có đến hơn 90\% dân số trong làng đều tập trung lên Hà Nội làm nghề buôn bán mưu sinh”, ông Sinh cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, người dân thôn Miêng Thượng gắn bó với nghề buôn bán này đã hơn 10 năm. Tuy nhiên, theo ông Sinh nghề này chỉ thực sự phát trong vòng 7 năm trở lại đây.
Hệ lụy khó lường
Việc buôn bán thuận lợi, cả làng rủ nhau ra Hà Nội làm ăn. Đến làng Miêng Thượng những ngày này, chỉ có trẻ con duới 6 tuổi và các cụ già ngồi tán gẫu hoặc trông nom những căn biệt thự to đoành cho các con đi chợ.
Lứa tuổi trẻ ở làng Miêng bây giờ đại đa số là nghỉ học từ rất sớm theo bố mẹ đi chợ. Số lượng các em học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng đếm trên đầu ngón tay.
|
Người trẻ trong làng ra phố làm ăn hết, chỉ còn người già và trẻ con ở lại trông nhà. (Ảnh: Công lý). |
Với tư tưởng học xong cũng chỉ để kiếm tiền nên bố mẹ cũng như các em càng không coi trọng chuyện học hành mà nghĩ đến chuyện làm kinh tế trước. Việc có một vài sinh viên trong làng sau khi học xong không xin được việc lại càng làm cho suy nghĩ đó ăn sâu vào đầu óc mỗi người.
Chia sẻ nỗi lo với PV
Công lý, ông Nguyễn Bá Lục, Trưởng thôn Miêng Thượng cho biết: "Người làng Miêng bán thịt ở khắp Hà Nội nhưng chủ yếu lại là ở các chợ dân sinh, chợ cóc nên khi Hà Nội quy hoạch các chợ thì người làng Miêng biết bán thịt ở đâu?”.
Nhà ông Lục cũng có hai con đang bán thịt ngoài Hà Nội và để hai cháu nhỏ ở nhà, nhờ ông bà trông giúp. Ông Lục tâm sự: “Giờ các cháu còn nhỏ, còn quản được, chứ ngay mai chúng lớn ngoan ngoãn thì không sao, chứ nếu hư hỏng thì chúng tôi cũng đành chịu”.
Có lẽ, ở làng Miêng Thượng, thời gian để ông bà, bố mẹ, con cái sum họp cùng một mâm cơm là dịp Noel và Tết Nguyên đán.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-biet-thu-hoanh-trang-cua-nhung-ty-phu-thit-lon-a81267.html