+Aa-
    Zalo

    Làng "bán máu nuôi miệng"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - "Lúc đó, đi bán máu tôi phải thức giấc từ sớm để đi mà không ai nhìn thấy. Người ta biết lại cười cho, hầu hết ai đi bán máu cũng âm thầm lặng lẽ mà đi", bà Sa Khone chia sẻ.

    "Lúc đó, đi bán máu tôi phải thức giấc từ sớm để đi mà không ai nhìn thấy. Người ta biết lại cười cho, hầu hết ai đi bán máu cũng âm thầm lặng lẽ mà đi", bà Sa Khone chia sẻ.

    Một “xị” máu giúp no bụng vài ngày

    Ấp Đa Hòa Nam, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành (Trà Vinh) cách đây hơn 20 năm, người dân mỗi khi nhà hết gạo lại nghĩ đến chuyện bán máu. Ông Rát My (60 tuổi), Trưởng ban Mặt trận nhân dân ấp Đa Hòa Nam ngậm ngùi nhớ lại: “Ngày xưa vì nghèo đói quá, người dân nơi đây không biết làm gì hơn ngoài việc bán máu. Dẫu biết rằng chỉ là qua cơn khốn khó tức thời, nhưng với suy nghĩ đơn giản, họ cứ thế mà làm. Lâu dần, người này đi theo người kia, kéo theo cả ấp cùng đi. Nhưng chuyện đó xưa rồi…”.

    Đa Hòa là một vùng đất khá khắc nghiệt của huyện Châu Thành, người dân đa phần là dân tộc Khmer (chiếm đến 93\% dân số). Quanh năm họ chỉ biết bám vào đất mà sống, nhưng nghiệt ngã thay khi thiên nhiên không ưu đãi, đất đai nhiễm phèn, bạc màu khiến những cánh đồng lúa liên tiếp thất thu. Chăn nuôi không có vốn, hầu hết người dân sống bằng nghề làm thuê làm mướn. Ở đây ai cũng nghèo, cũng khổ thì kiếm đâu ra người thuê mà làm. Cuộc sống của họ cứ thế vẫy vùng trong nghèo đói.

    Làng 'bán máu nuôi miệng'
    Vợ chồng ông Thạch Sự, bà Thạch Thị Út.

    Rồi không hiểu từ đâu “phong trào” bán máu nở rộ. Người dân ở đây vẫn kể, một trong những người “tiên phong” là vợ chồng bà Thạch Thị Mét, nay gần 50 tuổi. Gần 30 năm trước, vợ chồng bà Mét đến vùng đất này sinh sống. Khởi đầu cuộc sống với muôn ngàn khó khăn, hai vợ chồng quần quật vẫn không đủ kiếm ăn cho đàn con nheo nhóc.

    Chồng bà vốn sức khỏe không tốt nên đau bệnh liên miên. Trong một lần chồng nhập viện, trong túi lại không có tiền, người phụ nữ nảy sinh ý định bán máu cứu chồng. Sau khi chồng xuất viện, gia cảnh còn trong cảnh bần hàn, cùng đường, hai vợ chồng lại thay nhau đi bán máu để sống lay lắt qua ngày.

    Cùng chung hoàn cảnh với vợ chồng bà Mét, nhiều hộ gia đình khác cũng lần lượt dấn thân vào cái nghề không giống ai này. Bà Kiên Thị Sa Khone cũng là một trường hợp như thế. Bà Khone ngậm ngùi nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi bán máu là năm 1991, tôi nhớ như in lúc đó đứa con gái thứ tư mới sinh được bốn tháng. Nhà không còn gạo ăn, nghe phong thanh ông hàng xóm đi bán máu về có tiền mua gạo, dù còn yếu nhưng tôi cũng quyết đi.

    Lúc đó, 1 “xị” máu (khoảng 250ml) được 16.000 đồng. Số tiền này lúc đó cũng lớn lắm. Đi bán máu về, tôi dùng hết tiền đó để mua gạo ăn dần, chừng đó cũng giúp gia đình tôi no bụng được vài ngày. Biết là không hay nhưng làm sao được, các con tôi đói quá rồi”.

    Làng 'bán máu nuôi miệng'
    Bà Sa Khone chia sẻ những tháng ngày cơ cực đã qua.

    Nhớ lại những ngày đầu “hành nghề”, người phụ nữ này xót xa: “Lúc đó, đi bán máu tôi phải thức giấc từ sớm để đi mà không ai biết. Người ta biết lại cười cho, hầu hết ai đi bán máu cũng âm thầm lặng lẽ mà đi. Ai có hỏi thì tôi bảo là đi công chuyện. Khi thì tôi đi xe đạp, khi đi bộ gần 10 cây số mới đến Bệnh viện Trà Vinh bây giờ. Về nhà rồi đâu có được nghỉ ngơi gì, có ai kêu làm gì là tôi lao vào làm ngay, hồi đó sao mà khỏe, chẳng thấy hề hấn gì”.

    Từ đó, đến hẹn mỗi tháng một lần, bà Khone lại âm thầm đến bệnh viện để rút máu. Lâu dần đó như là một nguồn thu định kỳ không thể thiếu của gia đình. Bà Khone tiết lộ, mỗi lần đi bán máu đều giấu nhẹm chồng, vì chồng bà không ủng hộ công việc nguy hiểm này. Đến nay, sau hơn 20 năm nhìn lại, bà Khone cũng không nhớ hết số lần mình giấu chồng đi, chỉ nhớ rằng trong những tờ giấy nhỏ ghi số lần bán máu của mình đã thay không biết bao nhiêu tờ.

    “Bây giờ tôi có tuổi rồi, nhưng 3 tháng vẫn đi hiến máu định kỳ một lần. Giờ thì tôi đi không phải vì tiền nữa mà chỉ nghĩ là máu của mình có thể cứu được người khác” , bà Khone cười.

    Làng 'bán máu nuôi miệng'
    Những tấm thẻ hiến máu được bà Khone giữ lại làm kỷ niệm.

    Khổ quá bấm bụng làm liều

    Ông Rát My, Trưởng ban Mặt trận nhân dân ấp dễ dàng kể một mạch những hộ gia đình có người bán máu: bà Thạch Thị Út, ông Thạch Sự, chị Thạch Thị Sô Pha, chị Thạch Thị Hồng… và còn nhiều, nhiều nữa. Trong số đó, chị Thạch Thị Sô Pha (38 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt.

    Hộ chị Sô Pha thuộc diện nghèo trong ấp, không có đất canh tác, nhà lại có đến 3 người con nheo nhóc, công việc hai vợ chồng làm thuê làm mướn rất bấp bênh. Công việc thì ít, nhân công lại nhiều, hai vợ chồng cố gắng hết sức vẫn không đủ ăn. Nghe nhiều người mách bảo, chị cũng liều một phen đi bán máu.

    “Chồng tôi không cho tôi đi, nhưng vì khổ quá, tôi bấm bụng làm liều. Mỗi lần đi tôi đều giấu không cho anh ấy biết. Cách đây vài năm, tôi lên TP HCM làm thuê, không được bao lâu thì con bị bệnh nên tôi phải gấp rút về. Ngặt nỗi lúc đó không có tiền. Cứ hễ không có tiền là tôi lại nghĩ đến chuyện bán máu cho qua cơn khó khăn trước mắt. Tôi đi khắp nơi dò hỏi tìm chỗ bán nhưng những người dân ở đó khuyên là không nên. Họ còn quyên góp tiền cho tôi về quê. Thiệt tình, bữa đó mà có chỗ bán được là tôi bán luôn chứ không suy nghĩ gì”, chị Sô Pha xúc động nhớ lại.

    Dù hoàn cảnh vẫn còn rất khó khăn nhưng chị Sô Pha vẫn rất tin tưởng vào một ngày tươi sáng hơn. Hai vợ chồng chị đang nỗ lực vươn lên trong cuộc sống để có thể thoát nghèo. Hiện nay, chị vẫn đi hiến máu định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ như một việc làm quen thuộc.

    Làng 'bán máu nuôi miệng'
    Chị Sô Pha nhớ lại thời gian đi bán máu.

    Vợ chồng bà Thạch Thị Út (51 tuổi), ông Thạch Sự (52 tuổi) lại nhiều năm “đồng lòng” bán máu. “Vợ chồng tôi bán máu từ lúc còn 25 ngàn đồng 1 “xị”. Lúc đó khổ quá, hai vợ chồng tôi đến kỳ lại thay phiên nhau đi. Xấu hổ với xóm làng lắm, nhưng sau đó tôi mới biết là cả xóm này nhà nào cũng đi bán. Hai vợ chồng tôi được sự hỗ trợ rất nhiều từ địa phương nên thoát nghèo rồi. Về sau, chúng tôi vẫn đi hiến máu định kỳ và chỉ ngưng vào khoảng 3 năm trước thôi”.

    Kể lại thời kỳ “đen tối” của 20 năm về trước, vợ chồng ông Sự không khỏi ngậm ngùi: “Lúc đi rút máu về là tôi lao xuống ruộng cấy thuê ngay, vết kim lấy máu vẫn chưa khô nên máu tuôn ra không ngừng. Tôi hoảng quá, lao ngay lên bờ ngồi ôm cánh tay. Nghĩ đến thời kỳ đó, đến giờ tôi vẫn còn rùng mình”.

    Vị Trưởng ban Mặt trận nhân dân ấp cho biết, trong số hơn 200 hộ dân ở ấp Đa Hòa Nam, vẫn còn 70 hộ nghèo và 17 hộ cận nghèo. Con số này dù còn nhiều nhưng so với thời kỳ trước đã giảm đi rất nhiều. “Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương nên đời sống của người dân đã cải thiện rất nhiều. Trong năm nay, chính quyền xã sẽ nỗ lực hỗ trợ để giảm tối đa số hộ cận nghèo, từng bước cải thiện đời sống của người dân”, vị trưởng ban nói.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/lang-ban-mau-nuoi-mieng-a45062.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Kỳ lạ ngôi làng cấm đưa linh cữu người chết qua ngôi đình cổ

    Kỳ lạ ngôi làng cấm đưa linh cữu người chết qua ngôi đình cổ

    Đó là đình làng Phú Ốc, xưa kia thuộc thôn Phú Ốc, thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà, nay thuộc Tổ dân phố 3, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế). Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, tất cả người dân nơi đây đều khẳng định, từ xưa đến nay không một đám tang (còn gọi là đám ma) nào “đủ can đảm” để dám phá lệ đưa xác chết đi băng qua ngôi đình cổ “độc nhất vô nhị” này.