Mệnh lệnh cho quá trình phát triển
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lầnthứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là 1 trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc, đến 2030 phấn đấu đưa vào khai thác 5.000km.
Đây được xem là tiền đề, cơ sở vững chắc đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc phát triển kết cấu hạ tầng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy việc đầu tư các dự án hạ tầng giao thông.
Điều đó đã tạo nên một khí thế chưa từng có trong lịch sử phát triển hạ tầng của nước ta mà như người đứng đầu Chính phủ nhiều lần nhấn mạnh: "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm", "đã ra quân là chiến thắng", "đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm", đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Chính khát vọng cùng với sự quyết tâm rất lớn đó đã tạo nên một cuộc chuyển mình, làm “thay da, đổi thịt” trong việc phát triển hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Ông Lưu Quang Thìn - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ GTVT cho biết, thời gian qua, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam đã có những phát triển đáng ghi nhận với hơn 24.300km quốc lộ, 2.000km đường bộ cao tốc, 6.800km đường thủy nội địa, 2.640 đường sắt quốc gia, 298 bến cảng, 22 cảng hàng không và nhiều công trình quan trọng, quy mô lớn được đầu tư.
Trong đó, chỉ tính riêng cao tốc, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, cả nước đã hoàn thành khoảng 1.000km đường bộ cao tốc, đi qua 15 tỉnh thành phố, nâng tổng số đường bộ cao tốc lên gần 2.100km; các dự án đang thi công với trên 1.700km, chuẩn bị khởi công khoảng 1.400km; các dự án trải dài qua khắp 48 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đây thực sự là một kết quả đáng ghi nhận nếu như biết rằng Việt Nam từng mất gần 20 năm chật vật chỉ để xây dựng được hơn 1.000km cao tốc. Và cũng với từng ấy khối lượng công việc, đến nay, chúng ta chỉ mất chưa đầy 4 năm, rút ngắn thời gian đến 5 lần. Đó chính là minh chứng rõ nét nhất, cho thấy quyết tâm chính trị lớn của Đảng, Nhà nước ta trong việc khơi thông bài toán hạ tầng.
Lan tỏa khát vọng chung
Từ sự quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã tạo ra hiệu ứng dây chuyền, có sức lan tỏa lớn, biến việc “thông Đại lộ để đi đến Đại phú” trở thành lời hiệu triệu, mệnh lệnh cho quá trình phát triển đi lên của hầu hết khắp các địa phương trong cả nước.
Giao thông thực sự trở thành đi trước mở đường và việc xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, trong đó có các tuyến cao tốc hơn bao giờ hết được quan tâm đầu tư, dành nguồn lực và không gian chính sách rất lớn.
“Đại lộ sinh Đại phú”, “Đường mở tới đâu dân giàu tới đó”, thực tế đã chứng minh nơi nào có hệ thống giao thông thuận lợi thì kinh tế ở đó phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh BìnhThuận khẳng định hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để du lịch Bình Thuận cất cánh. Ngay sau khi cáctuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đi vào hoạt động, khách du lịch đến với Phan Thiết ngày càng đông. Đây cũng là cơ sở để tỉnh Bình Thuận đặt ra mục tiêu đón 9,5 triệu lượt khách trong năm 2024.
“Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng giao thông để đồng bộ, kết nối hơn nữa hệ thống giao thông hiện có của tỉnh. Tạo ra sự thuận lợi của du khách trong việc di chuyển đến các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, địa phương đang rất khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Cảng hàng không Phan Thiết.
Ngay khi dự án này hoàn thành, sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho du lịch Bình Thuận, giúp địa phương tiếp cận nhiều hơn nữa thị trường khách du lịch quốc tế”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết.
Cũng chia sẻ niềm tin vào tương lai tươi sáng khi cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn hoàn thành, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết khi tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải đang gia tăng nhanh trong thời gian vừa qua, góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội.
Để đón đầu xu hướng phát triển trên, hàng loạt các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bình Định đã và đang được triển khai kết nối với tuyến đường cao tốc sẽ tạo điều kiện giao thương của tỉnh thuận lợi hơn, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; tạo cơ hội thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với tỉnh, nâng cao năng suất, sức mạnh nội sinh và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.
“Từ sự kết nối của cao tốc Bắc – Nam đang mở ra cho Bình Định những cơ hội phát triển nhiều lĩnh vực như: logistics, vận tải, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa... Hạ tầng giao thông thực sự sẽ khai phóng tiềm lực, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch, phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, kết nối mang lại lợi ích cho nhiều ngành kinh tế khác; là “đòn bẩy” để du lịch phát triển; sẽ giúp cho nền kinh tế tối ưu hóa được các nguồn lực, tận dụng được lợi thế so sánh giữa các vùng, miền trong sản xuất công nghiệp và kinh doanh dịch vụ; từ đó, nền sản xuất hàng hóa sẽ có cơ hội phát triển thông qua hệ thống trao đổi và phân phối để phát triển nhanh, ổn định và bền vững”, ông Nguyễn Tự Công Hoàng chia sẻ.
Chạy nước rút để hoàn thành mục tiêu
Để đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển đường cao tốc, từ nay đến hết 2025, chúng ta phải hoàn thành ít nhất khoảng 1.000km đường cao tốc với thời gian không còn nhiều.
Để sẵn sàng tinh thần cho cuộc chạy nước rút về hạ tầng, Thủ tướng Chính phủ phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc".
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cả hệ thống chính trị phải vào cuộc; chính quyền phải hành động quyết liệt, đồng thời vận động người dân và doanh nghiệp trong cả nước đồng tình, ủng hộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Trong mọi trường hợp, cần đồng tâm hiệp lực "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "không nói không, không nói khó và không nói có nhưng không làm".
Từ khí thế thi đua sôi nổi đó, các địa phương cũng đang gấp rút đẩy mạnh các phần việc của mình để góp sức vào mục tiêu 3.000km về đích.
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền nhấn mạnh tỉnh luôn sẵn sàng ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị thi công các dự án giao thông mà trọng tâm là cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đang được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh khuyến khích các nhà thầu triển khai công việc theo chế độ “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo dự án hoàn thành đúng kế hoạch.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đưa ra những chỉ đạo cụ thể tới các huyện và thị xã nằm trong khu vực dự án. Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ dự án, đảm bảo an ninh trật tự, tránh tình trạng tụ tập đông người hay cản trở giao thông, đặc biệt trong thời gian cao điểm thi công. UBND tỉnh cũng đưa ra các biện pháp bảo vệ hạ tầng giao thông trong quá trình thi công, đảm bảo các tuyến đường vận chuyển vật liệu phục vụ dự án luôn trong tình trạng an toàn và sạch sẽ.
Cũng về vấn đề trên, ông Nguyễn Tự Công Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết hòa chung dòng chảy khí thế thi đua sôi nổi, thực hiện có hiệu quả để hoàn thành thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc, Bình Định đang tập trung thực hiện có trọng tâm một số nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quán triệt.
Tỉnh xác định việc đầu tư hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của địa phương, do đó đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung triển khai, làm tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với yêu cầu bảo đảm đúng tiến độ.
Chỉ đạo các sở, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với các Chủ đầu tư chủ động tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc sẵn sàng cung ứng đầy đủ vật liệu xây dựng với thời gian nhanh nhất phục vụ dự án.
Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nơi dự án đi qua hiểu, ủng hộ dự án; tích cực giải quyết các khó khăn, tồn tại, kiến nghị của người dân nếu có.
“Để tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, Bình Định xác định tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để bảo đảm an ninh trật tự từ cơ sở”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chia sẻ.
Một khối lượng công việc khổng lồ để đến năm 2025 cả nước có 3.000km và khoảng 5.000km đường bộ cao tốc đến năm 2030 đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn, những giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ.
“Đại lộ sinh Đại phú”, khát vọng đất nước hùng cường và thịnh vượng đang được hiện thực hóa từ hạ tầng giao thông.
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Số đặc biệt (gộp 3 số 211+212+213)