(ĐSPL) - Phiên tòa xét xử Nguyễn Thị Thanh Hoa - kiều nữ liên quan đến vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng của một vị giáo sư đã tạm hoãn lần thứ 5.
Theo báo Tiền Phong, ngày 28/12, theo kế hoạch xét xử của TAND TP.HCM, phiên tòa xử vụ Nguyễn Thị Thanh Hoa (35 tuổi) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sẽ được đưa ra xét xử.
Tuy nhiên, sáng cùng ngày, phiên tòa dự kiến do thẩm phán Phạm Thị Bạch Huệ làm chủ tọa đã không diễn ra. Tòa thông báo cho luật sư tạm hoãn xử, thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.
Đây là lần hoãn tòa thứ 5, trước đó vào ngày 6/7, tại lần xử thứ 4, ngay sau phần xét hỏi, HĐXX đã hội ý và Chủ tọa phiên tòa quyết định trả hồ sơ cho VKS tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án.
Nguyễn Thị Thanh Hoa tại phiên tòa chiều 6/7. Ảnh: báo Tiền Phong |
Như báo Thanh niên đã thông tin trước đó, năm 2002, giáo sư N.H.V (ngụ P.15, Q.10) quen biết Hoa qua một học trò cũ. Khi đã thân thiết, Hoa nói có lô đất khoảng 160.000 m2 ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đang làm sổ đỏ. Nếu ông V. mua Hoa sẽ chuyển nhượng với giá gốc gần 21 tỷ đồng. Về nguồn gốc đất, Hoa nói nhận chuyển nhượng từ người khác.
Khoảng những năm 2003 - 2006, Hoa đưa ông V. một bản photocopy hợp đồng sang nhượng đất viết tay ghi ngày 6/1/2006 với nội dung: Bà Nguyễn Thị G. chuyển nhượng cho ông V. thửa đất... diện tích... với giá 130 triệu đồng; tên bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng đều do Hoa viết và ký.
Từ năm 2003 đến 2011, ông V. đã nhiều lần trả tiền cho Hoa (trả tiền mua lô đất 21 tỷ đồng nói trên) tổng cộng khoảng 11 tỷ đồng, có giấy biên nhận tiền. Khi ông V. thúc giục Hoa nhanh chóng hoàn tất việc làm sổ đỏ thì Hoa nói sẽ có sổ vào tháng 4/2012.
Trong khi chưa bàn giao sổ đỏ như đã hứa thì Hoa tiếp tục chuyển nhượng cho ông V. thêm một lô đất gần 80 m2 với giá 450 triệu đồng.
Đến ngày 26/1/2012, ông V. giao tiếp cho Hoa số tiền gần 7 tỷ đồng tại nhà riêng của ông. Tại lần giao tiền này, hai bên thống nhất xé bỏ toàn bộ giấy biên bản giao nhận tiền trước đó để lập và ký một hợp đồng mua bán (giấy tay) mới về hai lô đất nói trên, với tổng số tiền ghi trong hợp đồng là hơn 21 tỷ đồng (số tròn), trả trước hơn 17 tỷ đồng. Sau một thời gian chờ Hoa giao đất, làm sổ như đã hứa nhưng không được, ông V. đã tố cáo.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ năm 2009): 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |