Tin tức từ báo VietNamNet, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM đã tiến hành khởi tố 71 đối tượng liên quan đến 10 tội danh, bao gồm các hành vi về vũ khí, ma túy, tiền giả, mua bán tài khoản ngân hàng, sử dụng mạng máy tính để chiếm đoạt tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản…
Bên cạnh đó, cơ quan công an đã xử phạt hành chính hơn 200 đối tượng, với tổng số tiền phạt lên đến hơn 9 tỷ đồng. Hiện tại, Cơ quan CSĐT đang tiếp tục mở rộng điều tra và truy xét để xử lý triệt để chuyên án này.
Manh mối từ kiện hàng chứa súng, đạn của siêu trộm
Vào cuối tháng 3/2024, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát Công an quận Bình Thạnh phát hiện dấu hiệu nghi vấn về hoạt động mua bán súng, đạn thông qua hình thức gửi hàng bằng xe khách trên địa bàn. Trước tình hình đó, Công an quận đã tiến hành kiểm tra hành chính nhà xe P.H. tại đường Nguyễn Xí.
Tại đây, công an phát hiện một kiện hàng có chứa linh kiện súng K54. Qua truy xét, công an xác định, đối tượng gửi hàng là Nguyễn Minh Hiển (21 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) nên đưa về làm việc. Khám xét nơi ở của Hiển, công an thu giữ thêm nhiều súng, đạn các loại và 95 tờ tiền USD (mệnh giá 100 USD/loại) được xác định là giả.
Nguyễn Minh Hiển thừa nhận, phần lớn số vũ khí tại nhà là trộm được tại một số bảo tàng. Hiển khai thêm, có quen biết với Dương Tùng Sơn (29 tuổi, quê Quảng Ninh) từ trước đó thông qua hội nhóm “Phế liệu chiến tranh – BW” trên facebook nên có mang 2 khẩu súng AK ra Bắc nhờ Sơn cất giữ giúp. Số còn lại, Hiển mang về nhà cất giấu, và có bán một số vũ khí cho Phạm Hồng Ân (25 tuổi, quê Bình Dương).
Công an quận Bình Thạnh khám xét nơi ở của Sơn, là thành viên có uy tín trong hội nhóm này, thu giữ thêm nhiều súng, đạn và nhiều vật dụng, linh kiện để chế tác, lắp đặt, tháo ráp súng.
Còn 95 tờ tiền giả, loại 100 USD/tờ, Hiển khai, đã mua lại của Phạm Huy Cường (47 tuổi, quê Kiên Giang). Công an cũng lập tức bắt giữ đối tượng này.
Từ báo cáo của Công an quận Bình Thạnh, Ban giám đốc Công an TPHCM xác định, đây là những mắt xích trong ổ nhóm buôn bán súng đạn hoạt động trên không gian mạng, rộng khắp các tỉnh, thành nên chỉ đạo xác lập chuyên án mang bí số 324K.
Phá đường dây buôn bán linh kiện chế tạo súng trên mạng xã hội
Trong quá trình điều tra hội nhóm “Phế liệu chiến tranh – BW,” Ban chuyên án phát hiện nhiều đối tượng liên quan, sử dụng khoảng 100 tài khoản Facebook, Telegram… để ẩn danh trên mạng xã hội, phục vụ hoạt động buôn bán súng đạn, vật liệu nổ, và công cụ hỗ trợ với quy mô lớn.
Qua các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát xác định nhóm này có 12.000 thành viên, do Phạm Huy Hoàng (21 tuổi, quê Thái Nguyên) thành lập, quản lý và điều hành.
Ban chuyên án đã tiến hành bắt giữ Hoàng. Tại cơ quan điều tra, đối tượng khai nhận đã sử dụng tài khoản Facebook mang tên “cô dắc” để tham gia và giao dịch súng đạn, công cụ hỗ trợ trong nhóm “Phế liệu chiến tranh – BW.”
Công an cũng bắt giữ những đối tượng tham gia mua bán “hàng nóng” với Hiển như đề cập trên, đồng thời xác định rõ hàng loạt các giao dịch mua bán.
Mở rộng điều tra, ban chuyên án của Công an TPHCM phối hợp cùng công an 25 tỉnh, thành bắt giữ thêm hàng chục đối tượng có liên quan ở các địa phương như: Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hoà, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La…
Báo Công an nhân dân đưa tin, cũng liên quan đến hội, nhóm kín chuyên thu mua linh kiện chế tạo súng để mua bán trên mạng xã hội, vào tháng 8/2024, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang phối hợp với Công an huyện Tri Tôn đã phát hiện Lê Chí Hào (sinh năm 2005, ngụ tại huyện Tri Tôn) có hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. Cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp và thu giữ 1 khẩu súng tại nhà đối tượng.
Tiếp tục mở rộng điều tra, cơ quan công an đã triển khai nhiều tổ công tác, thực hiện lệnh bắt giữ và khám xét khẩn cấp nơi ở của 30 đối tượng trong đường dây mua bán súng đạn này. Các vụ bắt giữ diễn ra tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Bình Dương và TP.HCM, thu giữ tổng cộng 20 khẩu súng cùng 132 viên đạn các loại.
Ban đầu, tại cơ quan công an, Lê Chí Hào và một đối tượng tên Bình khai nhận rằng do thiếu hiểu biết và hám lợi, họ đã tìm mua súng trôi nổi trên mạng để bán lại kiếm lời. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của cơ quan điều tra, cả hai đã phải thừa nhận mình là thành viên trong một đường dây chế tạo, mua bán vũ khí quân dụng hoạt động liên tỉnh.
Các đối tượng trong đường dây này nhận thấy ngày càng nhiều tội phạm tìm mua súng để sử dụng trong các hoạt động phạm pháp, trong khi các băng nhóm thanh thiếu niên thường mua súng để ra oai, nên đã học cách chế tạo súng qua mạng.
Sau khi nắm vững kỹ thuật, Hào tham gia các hội nhóm kín trên mạng xã hội, còn Bình dùng tài khoản ảo để lập hai nhóm là “Phế liệu chiến tranh” và “Phế liệu chiến tranh BW,” chuyên mua bán, trao đổi linh kiện chế tạo súng. Các linh kiện này có giá từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng. Sau đó, chúng chế tác thành súng hoàn chỉnh và rao bán với giá hàng chục triệu đồng.
Riêng Hào còn tháo rời nòng súng, mua ống inox đặc và mang đến các tiệm cơ khí để gia công theo yêu cầu. Sau đó, Hào tự chế tạo, lắp đặt và sửa chữa các bộ phận như nòng súng, ổ quay, để tạo thành khẩu súng hoàn chỉnh. Những khẩu súng này kèm 6 viên đạn được bán với giá từ 4 đến 8 triệu đồng và giao hàng qua dịch vụ chuyển phát nhanh.
Điều đáng chú ý là trong giao dịch, các đối tượng mua bán chỉ biết tên giả, biệt danh hoặc nickname Facebook của nhau, mà không rõ danh tính hay địa chỉ thật.