Theo Tiền Phong, trong lúc đang sửa máy, anh Đ.H.H. (38 tuổi, Thái Bình) do bất cẩn đã đứng vào trong khuôn ép của máy ép vải sợi khi đóng cầu giao thử máy. Lập tức khuôn ép cắt đứt rời 2 cẳng chân và được công nhân cùng phân xưởng sơ cứu băng cầm máu tại chỗ, sau đó được chuyển thẳng đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
TS Nguyễn Viết Ngọc, Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình đã trực tiếp khám và thực hiện ca phẫu thuật. Hai kíp mổ liên tục trong khoảng 6 giờ để cứu đôi chân của bệnh nhân. Sau phẫu thuật bệnh nhân chuyển về khoa Hồi sức cấp cứu để theo dõi và điều trị hồi sức do lượng máu mất nhiều ngay sau khi bị thương và tình trạng tái tưới máu của 2 cẳng chân sau trồng lại.
Sau 2 ngày nằm hồi sức, bệnh nhân ổn định, được chuyển về khoa Phẫu thuật chi trên và Vi phẫu thuật tiếp tục điều trị. Ngày thứ 6 sau mổ, toàn trạng bệnh nhân đã phục hồi tốt, lượng máu trở lại bình thường, huyết động ổn định; tại chỗ vết mổ khô, bàn ngón chân 2 bên hồng ấm và hồi lưu tốt, mạch mu chân - ống gót bất rõ. Tiên lượng diễn biến thuận lợi. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh và thuốc chống đông trong khoảng 10 ngày sau mổ, thay băng chăm sóc vết mổ hàng ngày.
Theo TS Nguyễn Viết Ngọc, khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật - Viện Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện 108, tình hình đứt rời chi thể do mất an toàn trong lao động rất thường gặp, nhưng rất hiếm gặp trường hợp đứt rời cả 2 cẳng chân. Bệnh nhân H. là trường hợp đầu tiên được nối lại cả 2 cẳng chân trên một người bệnh ở Việt Nam.
TS. Nguyễn Viết Ngọc cũng nhấn mạnh đối với phần chi thể đứt rời lớn và đứt rời nhiều chi thể cùng lúc trên một người bệnh thì việc trồng lại chi thể cần được tính toán rất kỹ, vì nếu không cẩn thận sẽ nguy hiểm cho tính mạng người bệnh do hội chứng tái tưới máu kèm theo các độc tố phân hủy từ phần tổ chức chi thể đứt rời.
Nói về thời điểm vàng để cứu sống chi thể đứt rời, BS Ngọc chia sẻ, theo y văn thì có thể đến 12 giờ tính từ khi bị đứt cho đến khi khôi phục thành công tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời, tuy nhiên chức năng có thể hạn chế. Thời gian lý tưởng để nối chi thể bị đứt rời là 6 giờ tính từ lúc bị đứt đến lúc các bác sĩ khôi phục được tuần hoàn cho phần chi thể đứt rời (nhiều bệnh nhân thường nhầm lẫn với thời gian từ lúc bị đứt đến lúc vào tới khoa cấp cứu) nếu chi thể được bảo quản đúng cách. Nhưng nếu đến muộn quá mà nối vào cơ thể thì độc chất ở chi hoại tử sẽ phóng thích độc chất vào máu, ảnh hưởng đế tính mạng bệnh nhân, do vậy bệnh nhân đến trễ thường phải bỏ phần chi bị đứt.
Để bảo quản tốt phần chi đứt lìa đảm bảo ca phẫu thuật nối lại đạt hiệu quả cao, BS. Ngọc lưu ý cần làm theo các bước sau:
Cầm nắm nhẹ, rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Không được rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất; bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (chú ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào.
Sau đó, đặt túi chứa chi thể đứt rời vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh. Mục đích của quấn băng vải quanh phần chi đứt lìa là để chi không tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh.
Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt lìa hoàn toàn mà vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời, kể cả trường hợp gần như đứt hoàn toàn. Thay vào đó, nên dùng dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương.
Sau đó, chuyển nhanh bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu trồng chi thể đứt lìa, tránh đi lòng vỏng lãng phí thời gian vàng để có thể cứu sống chi thể, theo báo Giao Thông.
Thùy Dung(t/h)