Các nhà nghiên cứu cho biết, những hạt nhựa cực nhỏ từng được tìm thấy trong băng và nước mặt ở Nam Cực đã xuất hiện cả trong tuyết rơi.
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Canterbury, giám sát bởi Tiến sĩ Laura Revell, đã được công bố trên tạp chí khoa học The Cryosphere.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy trung bình 29 hạt vi nhựa trên một lít tuyết tan. Họ xác định 13 loại nhựa khác nhau, phổ biến nhất là polyethylene terephthalate (PET), chủ yếu sử dụng trong chai nước ngọt và quần áo. Đây là loại nhựa được tìm thấy trong 79% các mẫu.
“Chúng có thể đã di chuyển hàng nghìn km trong không khí để tới đây, tuy nhiên cũng có khả năng sự hiện diện của con người ở Nam Cực đã tạo ra vi nhựa”, nhà nghiên cứu Revell nói.
Ô nhiễm vi nhựa có tác động sâu rộng. Các chuyên gia cho biết con người có thể hít và ăn phải vi nhựa thông qua không khí, nước và thực phẩm.
Chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của vi nhựa đối với sức khỏe con người, nhưng một nghiên cứu của Trường Y Hull York và Đại học Hull năm 2021 cho thấy hàm lượng vi nhựa xâm nhập vào cơ thể người ở mức độ cao có khả năng đem lại tác động có hại, bao gồm phản ứng dị ứng.
Một nghiên cứu của Mỹ về bệnh nhân ung thư phổi vào năm 1998 đã phát hiện hạt vi nhựa và sợi thực vật (chẳng hạn như bông) trong hơn 100 mẫu. Trong mô ung thư, 97% mẫu có chứa sợi và trong các mẫu không ung thư, 83% bị ô nhiễm.
Các vi hạt vi nhựa thậm chí được tìm thấy trong nhau thai của phụ nữ mang bầu, và ở chuột mang thai, chúng đi nhanh qua phổi vào tim, não và các cơ quan khác của thai nhi.
Rác thải nhựa đang bị xả ra môi trường với mức độ lớn và hạt vi nhựa gây ô nhiễm khắp hành tinh, từ đỉnh Everest đến các đại dương sâu nhất.
Vi nhựa có thể làm gia tăng tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các cánh đồng tuyết, chỏm băng và sông băng trên khắp thế giới đang tan chảy nhanh chóng. Các nhà khoa học cho biết vi nhựa màu tối đọng tại những địa điểm này có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn bằng cách hấp thụ ánh sáng Mặt Trời.
Mộc Miên (Theo The Guardian)