Ngày 22/7, bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM, cho biết các bác sĩ vừa mổ sinh thành công cặp song sinh có bất thường dây rốn hiếm gặp.
Vietnamnet đưa tin, sản phụ nhập viện vào ngày 18/7. Hồ sơ của sản phụ thể hiện, chị bị tiểu đường thai kỳ. Đây là lần sinh con thứ hai của thai phụ.
Cặp song sinh chào đời với dây rốn vừa thắt nút vừa xoắn lò xo. Ảnh: Vietnamnet |
Lần mang thai trước, sản phụ sinh mổ vào năm 2018, do vỡ ối non. Lần này, chị mang song thai, một nhau một ối và thai suy dinh dưỡng nặng. Siêu âm phát hiện có bất thường về phân bổ dây rốn.
Sau 2 ngày nhập viện, thai phụ được chỉ định mổ bắt con, do có tình trạng suy thai do chèn ép rốn. Hai bé gái chào đời, nặng 1.070g và 1.240g. Do sinh non thiếu tháng, hai em được chuyển sang chăm sóc ở khoa Sơ sinh.
Theo Tri thức trực tuyến, điều khiến ê-kíp và tất cả nhân viên có mặt tại phòng mổ bất ngờ và ngạc nhiên là dây rốn của hai bé vừa thắt nút nhiều lần, vừa xoắn lò xo nhiều vòng tạo thành một búi. Một số đoạn dây rốn còn bị ứ máu, xung huyết do bị chèn ép.
Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp đầu tiên được ghi nhận tại Bệnh viện Hùng Vương và cũng là lần đầu kíp mổ được chứng kiến.
Theo bác sĩ Phạm Quốc Hùng, về lý thuyết, cùng với bánh nhau và nước ối, dây rốn được xem là phần phụ của thai. Tuy nhiên, trong thai kỳ, dây rốn đảm nhận vai trò quan trọng như "mạch sống" vận chuyển oxy và dưỡng chất từ mẹ sang thai nhi, đảm bảo sự sống cho bé khi còn trong bụng mẹ.
Do vậy, dây rốn có vị trí quan trọng trong toàn bộ quá trình mang thai và sinh nở. Bất kỳ sự bất thường nào đối với dây rốn, kể cả về mặt cấu trúc giải phẫu hay do sự xoay chuyển của thai nhi trong tử cung, cũng ảnh hưởng lớn đến em bé. Đây là sự cố thai sản rất đáng tiếc và hầu hết là bất khả kháng.
Theo các nghiên cứu, bất thường do sự xoay chuyển của thai nhi trong tử cung gây ra thường gặp nhất là hiện tượng dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút và xoắn dây rốn. Trong đó, dây rốn quấn cổ là biến chứng thường gặp, xoắn dây rốn và dây rốn thắt nút là những biến chứng hiếm gặp.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng dây rốn quấn cổ, thắt nút hay xoắn chưa được xác định. Do đó, thai phụ cần tuân thủ khám và theo dõi thai định kỳ. Qua đó, các bác sĩ có thể phát hiện sớm các nguy cơ này và lên kế hoạch can thiệp kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Vũ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, cho biết, tỷ lệ phát hiện dây rốn quấn quanh cổ thai nhi trong siêu âm chiếm khoảng 7%, song tỷ lệ gặp trong khi sinh chiếm 10-29% số thai kỳ. Riêng tỷ lệ các trường hợp vừa quấn cổ vừa vừa thắt nút như hai trường hợp trên chưa được xác định.
Để phát hiện sớm trường hợp này, thai phụ phải tuân thủ đúng việc khám theo dõi thai định kỳ để được phát hiện kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Minh Khôi(T/h)